Chủ Nhật, 22/09/2024 04:25 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 16/01/2011 10:00 SA

Về trang phục, nghĩa quân Cần Vương Phú Yên cũng như các nơi khác đều tự sắm lấy trang phục của mình. Các đội quân trực tiếp tham gia chiến đấu được trang bị đồng phục gần giống như quân lính của triều đình. Nghĩa quân ở các tổng đeo thêm những phù hiệu riêng của từng quân thứ, các tướng lĩnh được trang bị áo giáp khi xung trận. Các đội nghĩa binh dân tộc thiểu số chủ yếu là đóng khố.

 

tran-ky-phong110116.jpg

Chân dung Kiểm biện Trần Kỳ Phong. Nguồn: Tư liệu gia đình Trần Kỳ Danh.

Lực lượng tham gia nghĩa quân gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi khác nhau ở hầu khắp các làng, bản từ đồng bằng đến vùng rừng núi. Phần lớn là nông dân lao động nghèo bị bóc lột nặng nề dưới chế độ phong kiến, với lòng yêu nước nhiệt thành, họ tự nguyện đứng dưới ngọn cờ cứu nước. Số lượng nghĩa quân trong toàn tỉnh lúc đầu khoảng 2.000 người, sau tăng dần lên nhiều ngàn người được phiên chế thành các đơn vị doanh, cơ, đội và tổ chức theo từng thứ quân đóng giữ ở các tổng. Ngoài các đội bộ binh chiếm số đông còn có lực lượng tượng binh, kỵ binh và thủy binh. Các trại huấn luyện ngựa, voi được lập rải rác ở các căn cứ Tổng Binh, Phú Thuận, Núi Sầm…(những dấu tích còn sót lại đến nay như Bến Ngựa, Bến Voi).

 

Trong thành phần nghĩa quân, lực lượng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm vị trí quan trọng. Các đội quân người dân tộc Bana, Chăm H’roi, Êđê trong quân thứ của Đội Sơn hoặc tại các căn cứ Suối Trầu, Tổng Binh là những nghĩa binh gan dạ, dũng cảm. Đặc biệt hai thủ lĩnh người Bana là Y Dơm, Y Dao đã xây dựng căn cứ Hà Đang - Thồ Lồ thành nơi bất khả xâm phạm - một vùng tự do mà suốt thời kỳ 80 năm đô hộ, chính quyền thực dân không thể đặt ách cai trị.

Có thể nói rằng lực lượng tham gia phong trào Cần Vương Phú Yên hùng mạnh với nhiều thành phần, từ người dân miền xuôi đến đồng bào miền ngược và có cả quan lại, binh lính triều đình, sĩ phu, thân hào tham gia ứng nghĩa đông đảo. Điều này được thiếu tá Dumas, chỉ huy lực lượng Pháp khu vực Bình Định-Phú Yên thú nhận:”Gần như toàn thể dân chúng và quan lại đã gia nhập nghĩa binh, đây là một hiện tượng phi thường” (1).

 

III. DIỄN BIẾN CUỘC KHỞI NGHĨA

 

1.Lật đổ chính quyền thân Pháp làm chủ hoàn toàn Phú Yên (từ 15-8-1885 đến 11-1885)

 

* Lê Thành Phương truyền “Hịch chiêu quân” kêu gọi nhân dân khởi nghĩa

 

Ngày 15-8-1885, lực lượng nghĩa quân Bình Định nổi dậy đánh chiếm tỉnh thành, truyền hịch kêu gọi nhân dân các tỉnh nam Trung Kỳ hưởng ứng phong trào Cần Vương.

 

Tại Phú Yên, khi nhận được Chiếu Cần Vương và Hịch của văn thân Bình Định, Lê Thành Phương phát động nhân dân nổi dậy khởi nghĩa ngay ngày hôm đó (15-8-1885). Trong lễ tế cờ trên núi Một tại căn cứ trung tâm Xuân Vinh, đứng trước ba quân, vị thủ lĩnh trịnh trọng tuyên bố mục đích dựng cờ khởi nghĩa là tiêu diệt bọn xâm lược “man di” và tay sai “gian tà” để làm cho “quốc thái dân an”, ủng hộ Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Tại đây “Hịch Chiêu quân” kêu gọi sĩ phu, thân hào và nhân dân trong toàn tỉnh đứng lên khởi nghĩa được ban bố. Bài hịch mở đầu bằng những lời thống thiết chứa chan lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc:

 

“Hỡi chư tướng!

Hỡi sĩ dân!

Đồng tâm đứng cả dậy!

Đồng tâm giết giặc!

Hưởng ứng Văn Thân cùng Nam, Bắc

Chí Cần Vương quét sạch sài lang

Gươm này diệt nịnh trừ gian

Giờ đây chung sức phá tan quân thù”…

 

Lời hịch ngắn gọn, lời lẽ không cầu kỳ, không có những điển tích rắc rối, nên dễ đi vào tâm can mọi người. Lời hịch đã kích thích tinh thần yêu nước, ý chí quật khởi của các tầng lớp từ nông dân đến thân hào, địa chủ, lưu quan khắp 3 phủ, huyện, 170 làng ở Phú Yên nhất tề hưởng ứng với khí thế dũng mãnh:

 

“Ngoài Bình Định đương  ngày giặc giã

Trong Phú Yên nghe đã dậy rân

Bang Thinh làm đầu đốc dân

Tú Phương, cử Đốc, đội Tần xưng quan

Mật tờ cho các xã làng

Một lần dậy rập dư ngàn dư muôn…” (2)

 

Nhiệm vụ trong giai đoạn đầu cuộc khởi nghĩa là đánh đổ chính quyền Nam triều thân Pháp và diệt trừ bọn Việt gian làm nội ứng cho giặc. Lúc này khẩu hiệu “tiền sát tả, hậu bình Tây” từ Quảng Ngãi lan rộng đến Phú Yên và các tỉnh Trung Kỳ. Nghĩa quân tấn công các cơ sở đạo Thiên Chúa trong tỉnh, giết các thừa sai và người theo đạo. Ngày 26-8-1885, nghĩa quân tiến đánh nhà thờ Cây Da thuộc giáo xứ Trà Kê và bị lực lượng ở đây chống trả quyết liệt, gây tổn thất không nhỏ: tri huyện Thiện, đốc bang Lân, xã trưởng Hào tử trận. Trong thời gian này, các nhà thờ khác trong tỉnh cũng bị nghĩa quân đánh phá như Hội Tỉnh, Bến Buôn, Chợ Mới, Thầy Đông, Cây Vông… (3). Sai lầm của nghĩa quân trong việc “sát tả” là đánh đồng Việt gian với những người theo đạo Thiên Chúa, vô tình đẩy một bộ phận đồng bào đứng về phía kẻ thù, làm suy giảm khối đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đây cũng là hạn chế chung của phong trào chống Pháp ở các tỉnh Trung Kỳ.

 

(Còn nữa)

 

----------------------------

(1) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.35

(2) (3) Lam Giang, Võ Ngọc Nhạ (1970), Đặng Đức Tuấn, tinh hoa công giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, Sài Gòn, tr.549, tr.559-551

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek