Chủ Nhật, 22/09/2024 04:40 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1887)
Thứ Bảy, 15/01/2011 07:29 SA

- Căn cứ Phú Thuận: Nằm tiếp giáp với phía bắc tỉnh Khánh Hòa, từ đây ngược phía tây lên vùng núi non trùng điệp Tây Nguyên hoặc có thể xuôi theo dòng Bánh Lái phối hợp với lực lượng quân thứ tổng Hòa Đa. Với vị thế đặc biệt của mình, Phú Thuận là một căn cứ lớn của nghĩa quân ở phía nam Phú Yên. Gần căn cứ có các ngọn núi cao trên 100m như hòn Nhọn, hòn Ông, hòn Chảo. Phía tây có dãy hòn Đắng, hòn Trông, Kỳ Đà, Mật Cật ăn sâu xuống đồng bằng tạo thành núi Hương cao độ 200m, bên dưới là bầu Hương quanh năm nước xanh cung cấp nguồn thủy sản tôm, cá, cua… dồi dào. Núi không chỉ giăng thành dãy ở phía nam và tây mà giữa đồng bằng có nhiều đồi núi nhỏ như những hòn non bộ nổi lên giữa biển lúa, làng mạc như Núi Lá, Hòn Sặt, Hòn Đình, Hòn Mai. Trong đó Núi Lá cao hơn cả (300m), tại đây nghĩa quân đã xây dựng một cứ điểm để khống chế cả vùng huyện Tuy Hòa.

 

nv110115.jpg

Chân dung Ngô Kim Ký, người cung cấp vũ khí cho nghĩa quân. Nguồn: Tư liệu gia đình Ngô Kim Hương

Tại Phú Thuận, nghĩa quân lập xưởng quân giới rèn đúc các loại mã tấu, gươm giáo, súng tự chế do Ngô Bá phụ trách. Nghĩa quân đắp một ụ đất trên cánh đồng giữa 2 làng Phú Thuận và Phú Diễn để làm bia thử súng thần công mà nhân dân trong vùng gọi là đồng Súng Bắn. Nguyên liệu để sản xuất vũ khí khai thác từ quặng sắt ở núi Mái Nhà và diêm sinh nhặt từ phân dơi ở các gộp đá dãy núi phía nam Phú Thuận (nhiều xỉ sắt ngày nay còn nằm dọc theo lũy tre ở đây). Bản doanh của nghĩa quân đặt tại Vườn Xá làng Phú Thuận, xung quanh là thao trường luyện quân, trại ngựa (ngày nay vẫn còn địa danh Bến Ngựa). Chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài, nghĩa quân khai khẩn ruộng đồng ở Phú Thọ, Lạc Chỉ để sản xuất lương thực (gọi là Đồng Quan Trại). Căn cứ vườn Phú Thuận do tham trấn Nguyễn Văn Tịnh chỉ huy(1).

 

Nằm ở vị trí quan trọng nên căn cứ Phú Thuận đã góp phần đáng kể cho lực lượng nghĩa quân trong thời kỳ đầu tiến công đánh chiếm phủ huyện Tuy Hòa ở Đông Phước. Đây cũng là hậu cứ xuất phát cho các cánh quân của Bùi Giảng, Lê Thành Bính tiến vào giải phóng Khánh Hòa, Bình Thuận những năm 1885-1886.

 

Vùng rừng núi phía tây Phú Yên có các căn cứ địa Vân Hòa, Hà Đang - Thồ Lồ là những căn cứ sơn phòng cho nghĩa quân rút lui bảo toàn lực lượng trong thời kỳ cuối của phong trào.

 

- Căn cứ Vân Hòa: Nằm ở vùng bình nguyên Vân Hòa phía tây huyện Đồng Xuân (nay thuộc huyện Sơn Hòa), gần buôn làng các đồng bào dân tộc Chăm Hroi, Bana, Êđê. Căn cứ Vân Hòa là nơi nghĩa quân tiến hành sản xuất lương thực trên các cánh đồng Mạch Tài và Tân Gia, luyện tập tại gò Dinh. Ngoài ra nghĩa quân còn lập chợ Đồn để trao đổi hàng hóa giữa đồng bằng và miền núi. Sau khi quân Pháp đánh vào cửa biển Thuận An (8-1883), theo chủ trương của phe chủ chiến tại kinh thành Huế, nhiều căn cứ sơn phòng tại Trung Kỳ được thành lập, căn cứ Vân Hòa cũng được lực lượng kháng chiến ở Phú Yên xây dựng thành căn cứ sơn phòng trong thời điểm này, chuẩn bị cho phong trào chống Pháp ở đây. Tả tham quân Nguyễn Sách cùng với từ hàn Trần Bá Đại là những chỉ huy chính của nghĩa quân tại căn cứ Vân Hòa (2).

 

- Căn cứ Hà Đang - Thồ Lồ : Đây là vùng đồng bào dân tộc Bana do hai thủ lĩnh Y Dơm, Y Dao cai quản. Vùng này nằm sâu trong núi, biệt lập với các vùng khác và có ngả thông qua Lào. Nếu không có người địa phương dẫn đường thì khó có thể vào đây. Trước khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ, Lê Thành Phương đã cho người liên lạc và vận động thủ lĩnh của các buôn làng ở Hà Đang - Thồ Lồ tham gia nghĩa quân, và xây dựng khu vực này thành căn cứ của cuộc khởi nghĩa. Đây được xem là căn cứ địa hiểm yếu của nghĩa quân Cần Vương Phú Yên.

 

Do yêu cầu của cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược, các căn cứ địa trong phong trào Cần Vương Phú Yên được xây dựng và hoàn thành trước mùa thu năm 1885. Trong suốt cuộc kháng chiến, hệ thống căn cứ địa không ngừng được củng cố và giữ một vị trí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của phong trào.

 

Trong những ngày đầu khi phong trào mới nhen nhóm, Lê Thành Phương đã liên lạc mật thiết với những bạn bè đồng chí của mình trong tỉnh, sau này họ là bộ phận chỉ huy cao cấp của nghĩa quân. Nhìn vào lai lịch những người này, họ đều thuộc các tầng lớp trên, đó là những sĩ phu có đỗ đạt tuy không cao lắm, nhưng trong hoàn cảnh địa phương như Phú Yên thì họ là những người danh tiếng (cử nhân Đặng Châu, tú tài Trương Chính Đường…). Một bộ phận khác là những viên quan văn, võ (Trần Kỳ Phong, Đặng Mậu Thưởng, Đặng Đức Vĩ), những hào phú, thân hào hoặc những người đang theo học chưa đỗ đạt nhưng cũng nổi tiếng (Bùi Giảng, Bùi Đáng, Bùi Lương ).

 

Tinh thần yêu nước của sĩ phu, văn thân và các tầng lớp nhân dân lao động đã tác động không nhỏ đến bộ phận quan lại, binh lính triều đình đang đóng tại địa phương. Phần lớn họ là người ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… đến Phú Yên thi hành nhiệm vụ. Khí thế chống giặc của nhân dân đã thức tỉnh lôi cuốn họ đứng vào hàng ngũ nghĩa quân. Trong số các quan lại triều đình theo về dưới cờ của nghĩa quân, nổi bật quan tri huyện Đồng Xuân Lê Thiện (3).

 

Việc tuyển mộ nghĩa quân được tiến hành theo nhiều cách: lúc đầu các sĩ phu, văn thân có tinh thần yêu nước tại các làng, tổng tự đứng ra tổ chức các đội hương binh rồi kéo về ứng nghĩa; về sau, khi phong trào diễn ra mạnh mẽ với những đợt tấn công dồn dập giải phóng thành An Thổ và các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, các thủ lĩnh phong trào Cần Vương cho tuyển mộ thêm quân dưới hình thức đi về các làng xã kêu gọi nhân dân tự nguyện tòng quân chống giặc. Bằng cách đó quân số được gia tăng khá nhanh.

 

Vũ khí trang bị của nghĩa quân phần lớn là giáo mác, cung tên, súng tự chế và đúc các loại súng thần công có sức công phá thấp; ngoài ra nghĩa quân còn mua vũ khí từ bên ngoài thông qua các thương nhân người Hoa. Qua khảo sát thực địa, chúng tôi phát hiện những vùng đóng quân của nghĩa binh trước đây, nhiều nơi vẫn còn để lại xỉ sắt và dấu vết lò thổi dùng để rèn đúc vũ khí. Những di tích này được tìm thấy ở vùng Hố Thiếc, Lò Thổi (xã Sơn Định, huyện Tuy An) và ở Phú Thuận, Sơn Thành (huyện Tuy Hòa).                  

 

(Còn nữa)

__________________  

(1) Tham trấn Nguyễn Văn Tịnh còn gọi là Hộ Tịnh là người giàu có ở làng Phú Nhiêu. Ôâng đã đóng góp một khoản tiền lớn cho triều đình (gọi là quốc trái) nên được phong chức Bá hộ. Tiếng tăm giàu có của ông được lưu truyền qua ca dao: “Tiếng đồn hộ Tịnh giàu lâu; cưới con thống Lý đón dâu bằng bò”. Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn được lực lượng chủ chiến loan báo vào Phú Yên (7-1885), ông đã đứng ra chiêu tập lực lượng và trở thành thủ lĩnh căn cứ Phú Thuận.

(2) Trần Sĩ Huệ, Phú Yên - thời khẩn hoang lập làng, Nxb Nông Nghiệp, năm 2007, tr.189.

 (3) Lê Thiện là người Nam Đàn (Nghệ An) được triều đình Huế cử vào Phú Yên cuối năm 1884. Khi phong trào Cần Vương bùng nổ, ông đã tham gia vào nghĩa quân và chỉ huy cuộc tấn công vào giáo xứ Trà Kê, Cây Da trong tháng 7-8 năm 1885. Trong các trận đánh này, Lê Thiện và một số nghĩa quân bị giáo dân giết hại.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek