Chủ Nhật, 22/09/2024 06:41 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 14/01/2011 10:01 SA

Căn cứ Định Trung được hình thành vào đầu năm 1885, khi Nghĩa hội bình Tây ở Phú Yên chủ trương xây dựng lực lượng chuẩn bị chống Pháp. Từ đội quân thứ xá ban đầu khoảng trên 100 quân bao gồm các trai tráng quanh vùng, Bùi Giảng đã phát triển lực lượng lên đến 1.000 quân trước khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Nhờ có vị trí quân sự quan trọng nên Định Trung là căn cứ lớn của nghĩa quân trong thời kỳ đầu của phong trào và trở thành bản doanh của quân khu bắc Phú Yên. Phó soái Bùi Giảng, người chỉ huy ở đây trở thành một trong những thủ lĩnh quan trọng của phong trào.

 

- Căn cứ Tổng Binh: vốn là căn cứ thời kỳ Tây Sơn được Nguyễn Bá Sự và Nguyễn Thị Vân Đương thiết lập dưới chân núi La Hiên với các điều kiện thuận lợi: có sông Trà Bương, núi Trà Bương ở phía trước và núi non trùng điệp ở phía sau, dễ dàng cho việc phòng thủ. Ngoài ra, nơi đây còn có các cánh đồng rộng để sản xuất lương thực ở suối Rễ, suối Trầu, Trà Kê. Từ Tổng Binh có thể tiến quân xuống đồng bằng phủ Tuy An hoặc chi viện cho căn cứ Định Trung. Các kho lương do Nguyễn Thị Vân Đương phụ trách ở đây được dùng để cung cấp cho các căn cứ và đồn trại nghĩa quân trong toàn tỉnh. Tổng Binh là một trong những căn cứ hình thành sớm ở Phú Yên. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm cửa biển Thuận An (8/1883), theo chủ trương của phe chủ chiến tại kinh thành Huế và các nhân sĩ tại Tụ Hiền Trang, căn cứ Tổng Binh được xây dựng, trở thành nơi tập hợp lực lượng kháng chiến khu vực miền tây Phú Yên.

 

- Căn cứ Xuân Vinh: Xuân Vinh là tên một tổng thuộc huyện Đồng Xuân, quê hương của Lê Thành Phương. Tại đây, Lê Thành Phương đã xây dựng thành một trung tâm căn cứ lớn, bao gồm hàng loạt cứ điểm quan trọng liên tiếp nhau: vị trí tiền đồn là Núi Một (thôn Tân An), bên cạnh có Gò Cát, Gò Cụt, Gò Trú Quân là các điểm đóng quân hỗ trợ. Nằm sâu về phía tây là các đồn Lâm Cấm do Lê Thành Bính chỉ huy, đồn Chóp Vung - nơi đặt sở chỉ huy của Lê Thành Phương; phía bắc là đèo Quán Cau án ngữ với bên dưới là đầm Ô Loan sử dụng cho thủy quân; phía nam là núi Phú Điềm che chắn ngăn không cho địch đánh từ Tuy Hòa ra. Phía sau căn cứ là núi rừng Tuy Dương trùng điệp nối liền với các căn cứ Vân Hòa, Tổng Binh, có thể rút lui khi cần thiết.

 

Trung tâm tổng Xuân Vinh là vùng chợ Phiên Thứ với các làng Mỹ Phú, Phong Phú dân cư đông đúc, sản vật dồi dào. Lê Thành Phương cho xây dựng một đồn binh ở đây, thuận tiện cho nghĩa quân trao đổi hàng hóa, lương thực với nhân dân. Một điểm đặc biệt lưu ý khi nghiên cứu phong trào Cần Vương Phú Yên là nơi nào có căn cứ của nghĩa quân là nơi đó chợ được thành lập nhằm duy trì mọi sinh hoạt thường ngày của nhân dân. Có lẽ dưới cách nhìn của các vị thủ lĩnh phong trào, các căn cứ vừa là đồn lũy quân sự nhưng cũng vừa là đơn vị sản xuất nhằm hạn chế sự đóng góp của nhân dân.

 

Từ căn cứ Xuân Vinh, nghĩa quân có thể thẳng đường tiến đánh tỉnh thành An Thổ hoặc tiếp viện cho các đồn binh ở phía bắc tỉnh, và tiến vào phía nam đánh chiếm huyện Tuy Hòa. Che chắn phía đông là các cù lao Mái Nhà, Hòn Yến, có thể chặn địch đổ quân từ hướng biển. Dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, Lê Thành Phương và các thủ lĩnh nghĩa quân đã xây dựng Xuân Vinh thành căn cứ trung tâm của phong trào Cần Vương Phú Yên.

 

Khu vực phía nam tỉnh có các căn cứ Núi Sầm, đình Tây Phú, Phú Thuận… với chức năng tập hợp lực lượng bảo vệ quân khu nam, đồng thời là các trạm hậu cần cho nghĩa quân Phú Yên khi tiến vào Khánh-Thuận.

 

- Căn cứ Núi Sầm: nằm phía tả ngạn sông Đà Rằng thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa và là nơi tiếp giáp mặt nam của căn cứ trung tâm Xuân Vinh, có đường thông lên căn cứ sơn phòng Vân Hòa, Tổng Binh. Sở chỉ huy của căn cứ đặt tại núi Sầm, nơi này là cao điểm có thể quan sát toàn bộ khu vực đồng bằng Tuy Hòa và tiếp ứng cho các vùng xung quanh. Tại căn cứ này, nghĩa quân bố trí nhiều khẩu thần công để chống địch, có kho tích trữ lương thực, chuồng ngựa, có chợ để quân lính và nhân dân trong vùng trao đổi mua bán. Các làng xung quanh như Quy Hậu, Phụng Nguyên, Phụng Tường, Hà Bình, Tây Phú được xây dựng thành những làng kháng chiến với lực lượng hương binh đóng giữ. Ngoài ra, nghĩa quân còn lập các đồn binh ở chân núi Chóp Chài, núi Bảo Tháp, đèo Con Cá, núi Dinh Ông.. tạo thành vòng vây sẵn sàng đánh úp phủ đường Tuy Hòa lúc bấy giờ đóng ở làng Đông Phước. Từ căn cứ Núi Sầm, nghĩa quân mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp tổng Hòa Bình đến Phú Sen, Cẩm Thạch, Củng Sơn. Người chỉ huy căn cứ Núi Sầm là đề đốc Đặng Đức Vĩ. Ông nguyên là một võ quan của triều Nguyễn, vì chán cảnh vua quan triều đình chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, không đếm xỉa đến lợi ích chung của đất nước, từng bước đầu hàng giặc nên ông đã từ quan về sống tại quê nhà. Khi có dụ Cần Vương truyền đến Phú Yên (7/1885), ông cùng với Trần Đôn, tham tán Nguyễn Văn Thành, chánh tổng Đặng Trạch đứng ra chiêu tập nghĩa quân lập căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa. Thành phần nghĩa quân gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân từ tá điền, nông dân tự do cho đến hào lý…, lực lượng lên đến ngàn người. Trong trận vây ráp huyện lỵ Tuy Hòa vào cuối tháng 9/1885, lực lượng nghĩa quân tại căn cứ Núi Sầm đóng vai trò chủ đạo trong việc bao vây, cô lập, triệt đường tiếp lương thảo tiến đến tấn công tiêu diệt cứ điểm cố thủ cuối cùng của chính quyền Nam triều tay sai, giải phóng hoàn toàn Phú Yên, đưa phong trào Cần Vương đạt đến đỉnh cao.

 

 - Căn cứ Tây Phú: được hình thành cùng thời điểm với căn cứ Núi Sầm (7/1885), bao gồm lực lượng hương binh các làng Tây Phú, Quy Hậu, Phú Lộc, Lò Tre thuộc tổng Hòa Bình, huyện Tuy Hòa, đóng bản doanh tại đình làng Tây Phú. Lực lượng nghĩa quân có 300 người dưới sự chỉ huy của các ông Tán Trương, Tán Lý, Tán Thiều. Giữa căn cứ, nơi đặt sở chỉ huy có ngôi đình lớn là nơi họp bàn các công việc quan trọng của nghĩa quân, có các lò rèn để chế tạo vũ khí và có cả lò đúc súng thần công. Di tích các lò đến nay vẫn còn lại dấu vết đất cháy, cây cỏ không mọc được. Nghĩa quân còn lập một trường dạy võ tại Vườn Học làng Tây Phú. Hai võ sư là Ba Thung (tức Nguyễn Hải) và Ba Thời (tức Nguyễn Cương), người cùng làng, tổ chức huấn luyện. Căn cứ Tây Phú đã có những đóng góp quan trọng cho nghĩa quân phía nam Phú Yên trong trận đánh huyện thành Tuy Hòa cuối tháng 9/1885 cũng như trong suốt thời gian tồn tại của phong trào.          

 

 (Còn nữa)

Tiến sĩ  ĐÀO NHẬT KIM

Phó soái Bùi Giảng (1859-1929) – Nguồn: Tư liệu gia đình Bùi Lập

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek