Chủ Nhật, 22/09/2024 06:41 SA
Khởi nghĩa Lê Thành Phương - đỉnh cao phong trào Cần Vương Phú Yên (1885 -1887) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 13/01/2011 10:00 SA

Về chức vụ của Lê Thành Phương khi dựng cờ khởi nghĩa, có nhiều ý kiến khác nhau. Nguyễn Đình Tư trong Non nước Phú Yên cho rằng là Tổng thống quân vụ đại thần (1), còn theo giáo sư Charles Fourniau (dẫn theo nguồn tài liệu lưu trữ Pháp) thì chức tước chính thức của Lê Thành Phương là Tổng thống hoặc là Nguyên soái nghĩa là Tổng tư lệnh (2). Tài liệu của Bảo tàng Phú Yên cho biết, khi dựng cờ khởi nghĩa Lê Thành Phương tự xưng là Thống soái (3).

 

cua-song-da-rang110113.jpg

Cửa sông Đà Rằng. -Ảnh: Đ.LÊ

 

Qua khảo sát thực địa nơi Lê Thành Phương từng đóng quân và lời kể của các cụ cao niên cho biết: khi làm lễ tế cờ tại núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, Lê Thành Phương được toàn thể giới sĩ phu, văn thân và một số quan lại trong tỉnh tôn làm Thống soái bình Tây chỉ huy các đạo quân ứng nghĩa trong tỉnh.

 

Về tài năng quân sự, sau khi thành lập quân thứ Xuân Vinh, Lê Thành Phương cho xây dựng một hệ thống phòng thủ kiên cố, bao gồm nhiều cứ điểm liên hoàn đặt nơi hiểm yếu để bảo vệ căn cứ. Trong các trận đánh, Lê Thành Phương chủ trương chia nhỏ lực lượng, đánh mai phục để giảm bớt ưu thế hỏa lực của địch, phát huy tối đa sức mạnh của nghĩa quân.

 

Có một điều làm cho các nhà nghiên cứu về Lê Thành Phương băn khoăn là vì sao ông chỉ là một bậc tú tài mà có khả năng tập họp một phong trào ứng nghĩa Cần Vương rộng lớn ở Phú Yên, trong khi có rất nhiều vị khoa bảng hàng cử nhân văn, võ lúc bấy giờ tài năng đức độ chẳng kém lại không thể làm được? Điều này có thể lý giải về hoàn cảnh xuất thân trong gia đình giàu truyền thống yêu nước của Lê Thành Phương, nhưng chủ yếu là do uy tín về đạo đức, tài năng cũng như sự giao kết rộng rãi với các nho sĩ đương thời làm cho họ mến phục, ủng hộ. Thêm vào đó, có thể lần gặp gỡ với Nguyễn Tri Phương đầu năm 1862 đã tạo cho ông một uy thế tuyệt đối so với các sĩ phu trong tỉnh lúc bấy giờ.

 

Lê Thành Phương không thuộc vào lớp người nho học cố bám lấy công danh theo con đường làm quan. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức phong kiến nhưng sống gần gũi với nhân dân, Lê Thành Phương sớm rời con đường công danh để về sống với người dân thường, đem đạo lý nho giáo truyền bá trong dân gian. Vì sao ông lại sớm chấm dứt con đường công danh như vậy để lui về trí sĩ? Có lẽ trong thời buổi quan trường trở thành nơi giành giật địa vị, quyền lợi, nhũng nhiễu nhân dân và bằng kinh nghiệm bao nhiêu năm làm quan của người thân trong gia đình, ông đã nhìn thấy được tệ “quan lạc nát làng”.

 

Phẩm chất để Lê Thành Phương trở thành thủ lĩnh phong trào là tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Điều đó phản ánh rõ trong bài Hịch chiêu quân kêu gọi văn thân, sĩ phu trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa đánh Pháp. Trong thư gửi thống đốc Nam Kỳ, công sứ Phú Yên là Tirant cũng phải thừa nhận Lê Thành Phương là “người chỉ huy chính những văn thân Phú Yên, một người dũng cảm và có nghị lực thực sự, quê quán ở làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh...; vùng này là trung tâm hoạt động của ông, ở đó ông đã đắp thành lũy để phòng thủ với một sự thông minh hiếm có…” (4).

 

Trước khi dựng cờ khởi nghĩa, Lê Thành Phương đã cùng với những bạn bè tâm giao bàn phương lược cứu nước. Đó là cử nhân Nguyễn Lễ, người cùng làng Mỹ Phú, sau theo lệnh vua Hàm Nghi đi tổ chức phong trào Cần Vương ở Bắc kỳ; Nguyễn Bá Sự, người làng Cự Phú, tổng Xuân Sơn; Nguyễn Sách người làng Quang Thuận, tổng Xuân Vinh; Hồ Trọng Đìa người làng Hòa Đa, tổng Xuân Vinh, sau làm đến chức Tả tham quân dưới trướng Lê Thành Phương. Ngoài ra, ông còn quan hệ mật thiết với tổ chức “Nam Trung nghĩa sĩ” ở Khánh Hòa và phong trào chống Pháp của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định để bàn mưu tính kế chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa.

 

II. XÂY DỰNG CĂN CỨ, CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG KHỞI NGHĨA

 

Trước khi phong trào Cần Vương bùng nổ, các thủ lĩnh nghĩa quân ở Phú Yên đã chú trọng xây dựng các căn cứ địa, coi đó là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của phong trào. Hàng loạt căn cứ được xây dựng trên địa bàn khắp tỉnh với các chức năng khác nhau như tích trữ quân lương, sản xuất vũ khí, luyện tập quân đội… và án giữ ở những nơi trọng yếu. Các căn cứ này không ngừng được củng cố và hoàn chỉnh trong quá trình phát triển của phong trào để có thể vừa huy động lực lượng tại chỗ tiến hành đánh giặc, vừa có thể rút lui khi gặp thế bất lợi.

Khu vực phía bắc tỉnh có các căn cứ Định Trung, Tổng Binh vừa là nơi tập hợp lực lượng để giành chính quyền tại chỗ và chi viện các nơi.

 

- Căn cứ Định Trung: bao gồm các cứ điểm liên hoàn như Hòn Đình, Hòn Đồn, Gò Bánh Xe, Đồng Miếu, Đồng Gò, Đồng Nây. Trong đó quan trọng nhất là Hòn Đồn và Gò Bánh Xe.

 

Hòn Đồn gồm những dãy núi thấp liền nhau, nằm giữa hai cánh đồng nhỏ là Đồng Miếu và Đồng Nây. Từ đỉnh Hòn Đồn có thể khống chế cả một vùng đồng bằng Phong Hậu, đường bộ Ngân Sơn-La Hai cũng như toàn bộ vùng châu thổ sông Cái đến vịnh Xuân Đài. Tên Hòn Đồn xuất hiện từ khi Bùi Giảng đem quân trấn giữ và bố trí hệ thống súng thần công bảo vệ khu căn cứ này. Phía dưới Hòn Đồn là dân cư đông đúc của các thôn: Phong Lãnh, Phong Hanh, Phong Hậu, Phong Nhiêu, Phong Niên, Phong Phú. Tại đây chợ Đèo được hình thành để tiện việc trao đổi sản vật giữa cư dân trong vùng với nhau và cung cấp lương thực, thực phẩm cho nghĩa quân. Các cánh đồng như Đồng Miếu, Đồng Gò, Đồng Nây, Đồng Lau là những cánh đồng nhỏ nhưng đất đai tươi tốt do phù sa sông Cái mang lại. Ngoài cây lúa, các cây hoa màu khác như ngô, sắn, đậu, rau quả cũng được gieo trồng. Đây là nguồn lương thực đảm bảo cung cấp cho nghĩa quân tiến hành kháng chiến.

 

Cứ điểm Gò Bánh Xe nằm trong hệ thống phòng thủ của căn cứ Định Trung. Nơi này nghĩa quân lập trạm hậu cần gồm kho chứa vũ khí, bãi tập cho quân lính, trại ngựa và lò xưởng chế tác vũ khí đạn dược. Dấu tích Gò Bánh Xe cho đến nay còn được nhận diện qua các chiến hào chạy vào các hóc núi là những đường rút lui của nghĩa quân về các căn cứ sơn phòng Vân Hòa, Tổng Binh. Ngoài ra, trong vùng này nghĩa quân tiến hành khai thác quặng sắt ở Lò Thổi, Lò Đúc để chế tạo vũ khí (những địa danh này xuất hiện khi nghĩa quân đóng giữ ở đây).

 

(Còn nữa)

 

------------------------------

(1) Nguyễn Đình Tư, Non nước Phú Yên, Tiền Giang xuất bản, năm 1965, tr.144

(2) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.35

(3) Danh nhân Lê Thành Phương (1825-1887), Bảo Tàng Phú Yên xuất bản năm 1997, tr.56, tr.26

(4) Charles Fourniau, “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bình Định-Phú Yên (1885-1887)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6/1982, tr.35

 

Tiến sĩ Đào Nhật Kim

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek