LTS: Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đặt ách cai trị tàn khốc lên toàn cõi Việt
Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ sử học Đào Nhật Kim (Trường Đại học Phú Yên) với nhiều tư liệu, hình ảnh quý mới phát hiện, lần đầu tiên công bố về phong trào Cần Vương và những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm tại Phú Yên cuối thế kỷ XIX. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
![]() |
Thống soái Lê Thành Phương (1825-1887)
|
Ở Phú Yên, ngày 15/8/1885, các đạo quân ứng nghĩa Cần Vương đã thống nhất dưới ngọn cờ chỉ huy của Lê Thành Phương tiến hành lễ tế cờ tại núi Một, thôn Tân An, tổng Xuân Vinh, ban bố Hịch Chiêu quân, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược và chính quyền tay sai.
I. VÀI NÉT VỀ THỦ LĨNH LÊ THÀNH PHƯƠNG
Lê Thành Phương sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An), trong một gia đình trung lưu. Năm 1855, ông đỗ tú tài tại trường thi Bình Định nên thường được gọi là Tú Phương. Sau khi đậu tú tài, ông trở về quê dạy học.
Tổng Xuân Vinh, quê hương của Lê Thành Phương là một vùng quê có truyền thống yêu nước. Từ năm 1773 -1800, Xuân Vinh là nơi tranh chấp quyết liệt giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, có lúc quân Nguyễn chiếm cứ, có lúc nhà Tây Sơn giành lại. Năm 1773, Châu Văn Tiếp lấy danh nghĩa bảo vệ chúa Nguyễn chống lại quyền thần Trương Phúc Loan đã dấy binh ở huyện Đồng Xuân, lấy tổng Xuân Vinh và vùng núi Chà Rang lập căn cứ, đóng bản doanh ở làng Mỹ Phú. Từ căn cứ này, đã có những cuộc đụng độ giữa Châu Văn Tiếp và Tây Sơn khi ông ra mặt chống lại anh em nhà Tây Sơn. Năm 1775, bằng đòn tấn công quyết định vào Xuân Vinh, Chà Rang (Trà Lương), quân Tây Sơn đã đập tan căn cứ này, xóa bỏ đồn Phong Phú. Châu Văn Tiếp bỏ chạy theo chúa Nguyễn vào phía nam.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống, Lê Thành Phương sớm hình thành tinh thần yêu nước và nhân cách cao đẹp để về sau trở thành thủ lĩnh có uy tín, tập hợp sĩ phu và nhân dân tổng Xuân Vinh cũng như toàn tỉnh Phú Yên đứng lên chống giặc bảo vệ quê hương. Theo tài liệu của Lê Thành Thao, cháu 4 đời của Lê Thành Phương, tổ tiên của ông ở vùng Thanh Hóa. Vào triều Gia Long, dòng họ Lê Thành Phương rời quê hương vào định cư ở Phú Yên. Bố của Lê Thành Phương là Lê Thành Cao sinh vào khoảng thập niên 80 thế kỷ XVIII, đậu cử nhân, được triều đình bổ làm đốc học ở Thừa Thiên. Chú của Lê Thành Phương là Lê Thành Ba cũng là dân khoa bảng và từng là án sát tỉnh Phú Yên. Cả hai ông Lê Thành Cao và Lê Thành Ba khi còn làm quan, đều là người hiền lành, thanh bạch, không tơ hào đến của cải nhân dân(1). Năm 1860, cụ thân sinh Lê Thành Phương qua đời cũng là lúc tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp nổ ở Gia Định. Lê Thành Phương tuy là một đồ nho dạy học ở quê nhà, nhưng luôn theo dõi tình hình đất nước với sự lo âu.
Trong những năm 1861-1862, Lê Thành Phương đã gặp Nguyễn Tri Phương, Ngô Quang Bích tại đình làng Phong Phú (tổng Xuân Vinh) trong chuyến vào Nam chỉ đạo việc phòng thủ chống Pháp ở các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú và chuẩn bị khôi phục lại Biên Hòa rơi vào tay Pháp. Cuộc gặp gỡ này đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời làm thủ lĩnh của Lê Thành Phương sau này (2).
(Còn nữa)
Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM
_____________
(1)(2) Danh nhân Lê Thành Phương (1825-1887), Bảo tàng Phú Yên xuất bản năm 1997, tr.14-15