Chủ Nhật, 22/09/2024 06:25 SA
Phú Yên thế kỷ XIX - cửa ngõ bang giao giữa triều đình Huế với Thủy Xá và Hỏa Xá (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 10/01/2011 08:00 SA

Năm 1868, nhân lễ tứ tuần của vua Tự Đức, Thủy Xá và Hỏa Xá xin đến ngày vào lạy khánh tiết và được vua nghị chuẩn. Vua giao cho đạo Phú Yên nhận lễ vật của nước Thủy Xá 2 ngà voi, nước Thủy Xá 1 ngà voi, 1 sừng tê giác và cho hai nước khỏi đến kinh làm lễ.

 

Tháng 7/1873, nước Thủy Xá và Hỏa Xá lại đến tiến cống, nhưng do chánh sứ và phó sứ đều bị bệnh nên không phải đến kinh.

 

Năm 1884, nước Thủy Xá và Hỏa Xá sai các sứ thần về kinh làm lễ tiến hương. Đây là lần thông giao cuối cùng giữa triều đình Huế với hai thủ lĩnh người Gia - Rai là Thủy Xá và Hỏa Xá. Sau lần này, các sử sách không còn ghi lại sự bang giao giữa hai nước nữa.

 

Trong các cống vật của Thủy Xá và Hỏa Xá nộp cho các vua Nhà Nguyễn là những thứ lâm đặc sản quý hiếm của núi rừng như ngà voi, sừng tê giác, kỳ nam, trầm hương, mật ong. Đặc biệt là các loại gỗ có hương thơm như kỳ nam, trầm hương được đánh giá cao dưới thời thuộc Chămpa, được triều đình Huế kế tục tín nhiệm và ưa thích.

 

Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng: cống phẩm của hai phiên vương Thủy Xá và Hỏa Xá dâng nộp cho các vua triều Nguyễn là một thứ thuế khá nặng và mang tính chất bóc lột. Nhưng sự thật cống phẩm của Thủy Xá và Hỏa Xá dâng nộp chưa ngang bằng với những khoản chi phí mà triều đình nhà Nguyễn đã bỏ ra như chi phí đưa sứ bộ từ Phú Yên về kinh, khoản đãi, ban tặng phẩm vật, xem hát. Do có số sản vật thu lại tương đối lớn và có giá trị sử dụng cao, nên các phiên vương đều mong muốn được đi tiến cống nhiều lần, chứ không hạn chế theo quy định 3 năm 1 lần. Mục đích của nhà Nguyễn là muốn tuyên dương “thanh cung giáo hóa” hơn là trị giá tương đương của cống phẩm, và việc làm ấy đã được các phiên vương chấp nhận, quy thuận, đồng tình.

 

Sau khi nhận được cống vật, các vua triều Nguyễn bao giờ cũng tặng lại cho vua Thủy Xá, Hỏa Xá và các sứ thần một số phẩm vật có giá trị.

 

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), vua ban tặng vua Hỏa Xá 1 tấm sa có vôn màu xanh, 1 tấm sa có vôn màu đỏ, 20 tấm sa nam. Năm 1832, vua Minh Mạng quy định: tặng cho vua Hỏa Xá 2 mảnh gấm thêu kim tuyến thời nhà Tống, 2 cuốn sa tanh, 2 tấm nhiễu đen, 8 mảnh nhiễu địa phương, 10 tấm lụa địa phương, 1 tấm lụa thêu màu đỏ, 1 tấm lụa màu chàm. Ngoài ra, vua Hỏa Xá còn nhận thêm một số hiện vật quý như:

 

+ 1 bộ ấm trà phương tây;

 

+ 1 bộ đồ uống rượu bằng thủy tinh;

 

+ 1 cái hộp bằng thủy tinh có chân mạ vàng;

 

+ 1 hộp thủy tinh trang trí 2 biểu tượng nhỏ bằng đá.

 

Đến năm Tân Sửu (1841) đời vua Thiệu Trị, tặng phẩm cho vua Thủy Xá được quy định:

 

+ Khăn nhiễu màu lam dài 8 thước,

 

+ Áo dài bằng sa dày, màu lam, màu trắng, một cặp;

 

+ Áo nhung vải trong lót lụa màu, tay hẹp, 1 cái;

 

+ Áo sa dày màu lam trắng, tay hẹp, 1 cặp;

 

+ Áo sa nam toàn tơ tay hẹp các màu, 5 chiếc;

 

+ Quần nhiễu màu lam hồng mỗi màu, 1 chiếc;

 

+ Quần lụa nam màu cánh kiến 2 chiếc;

 

+ Một bộ đồ uống rượu có 1 cái nậm, 3 cái chén, 1 cái khay.

 

Đồng thời, vua nước Hỏa Xá cũng được nhận thêm:

 

+ Một cái khăn nhiễu màu lam dài 8 thước;

 

+ Áo dài bằng sa dày màu lam, màu trắng, 1 cặp;

 

+ Áo nhung vải trong lót lụa màu, tay hẹp, 1 chiếc;

 

+ Áo sa nam màu hồng mỗi màu, 1 chiếc;

 

+ Một bộ đồ uống rượu;

 

+ Mỗi vua được nhận 1 cặp áo hàm tam phẩm.

 

Năm Kỷ Mão (1879) vua Tự Đức ban tặng phẩm cho Thủy Xá và Hỏa Xá kim tiền lưỡng long, kim tiền vạn sự như ý, ngân tiền phi long, ngân tiền lưỡng long, đồng tiền mỹ hiệu mạ bạc, sa vũ hoa sắc đỏ, sa hoa chính đỏ, chén độc bạc sắc trắng của phương Tây, ấm pha trà, chén đĩa bằng sứ, kim loại.

 

Ngoài ra, các sứ bộ cũng được nhận một phần tặng phẩm như: Năm Giáp Ngọ (1834), vua Minh Mạng ban tặng cho sứ bộ Hỏa Xá bộ triều phục hàm “thất phẩm”; năm Đinh Dậu (1837) sứ bộ Hỏa Xá được vua Minh Mạng ban yến; năm Bính Ngọ (1846) đời vua Thiệu Trị, sứ thần Thủy Xá, Hỏa Xá được xem diễn trò ở nhà Duyệt thị.

 

Các vua triều Nguyễn cũng thường ban họ, tên cho Thủy Xá, Hỏa Xá và sứ bộ. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) ban cho vua Hỏa Xá là Ma Lam mang họ Vĩnh tên Bảo và sứ bộ tên Duyên mang họ Vĩnh tên Tài. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vua Minh Mạng ban tên Vĩnh Liệt cho vua Thủy Xá và ban cho phó sứ nước ấy họ Sơn tên Bút. Năm 1841, vua Thiệu Trị ban tên Lại họ Cửu cho Thủy xá. Năm Giáp Tý (1864) và Ất  Hợi (1875), vua Tự Đức ban tên Vĩnh Thuận, Vĩnh Khắc cho các vua Thủy Xá, Hỏa Xá.

 

Trong các lần tiến cống, nhiều lần sứ bộ chỉ đến Phú Yên dâng lễ cống và nhận tặng phẩm như các năm: 1803, 1822, 1842, 1855, 1859, 1868, 1878. Trường hợp các sứ giả được phép đến kinh, thì tỉnh Phú Yên phải chuẩn bị phương tiện đi lại và hộ tống họ từ Phú Yên ra kinh đô và ngược lại.

 

Về chi phí cho cuộc hành trình đi về kinh đô, năm 1834, vua Minh Mạng quy định tiền thức ăn và tiền đi lại của đoàn đại biểu gồm:

 

- 30 quan tiền đồng;

 

- 1 con lợn, 5 con gà, 5 con vịt;

 

- 20 giạ gạo nếp;

 

- 5 giạ gạo trắng;

 

- Cá ướp muối và nước mắm;

 

- 1 vò rượu;

 

Trầu và cau đầy đủ số lượng;

 

+ Phương tiện đi lại được ấn định bằng đường thủy.

 

Có thể xem đây là trường hợp đặc biệt, vì triều Nguyễn không làm vậy ở bất cứ một đối tác nào trên lãnh thổ Việt Nam đương thời.

 

Mỗi lần được đến kinh, sứ bộ Thủy Xá và Hỏa Xá đến đồn Phước Sơn chờ viên chức Phú Yên lên đón sứ bộ về công quán của tỉnh nghỉ và khoản đãi. Đến khi sứ bộ lên đường, tỉnh Phú Yên phải cử 1 viên Thông phán hoặc Kinh lịch sung chức Trường tống, đưa phái bộ ra kinh.

 

(Còn nữa)

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek