Chủ Nhật, 22/09/2024 06:27 SA
Phú Yên thế kỷ XIX - cửa ngõ bang giao giữa triều đình Huế với Thủy Xá và Hỏa Xá
Thứ Sáu, 07/01/2011 10:00 SA

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long tiếp tục chính sách bang giao hòa hiếu với nước Nam Bàn, mà đại diện là hai vua Thủy Xá (Pơtao Ea) và Hỏa Xá (Pơtao Pui), vốn trước đây là phiên thuộc của nước Đại Việt từ thời Lê Thánh Tông.

 

Do Phú Yên nằm tiếp giáp với Tây Nguyên, giao thông thủy bộ thuận lợi, vào thế kỷ XIX, Phú Yên được triều đình Huế chọn làm cửa ngõ bang giao vào Thủy Xá, Hỏa Xá.

 

Về con đường từ Phú Yên đến Thuỷ Xá, Hỏa Xá, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết:

 

“Từ nguồn An Lạc đi lên các thôn Hà Nghiêu, Đất Cày, qua đèo La Hai giáp đất phủ Phú Yên, đến các xứ Sông Lôi, Nước Nóng, Thượng Nhà đến nguồn Hà Lôi là chỗ các Sách người Đê, người Man ở (tục gọi Đê là người Chàm, Man là người Mọi) cộng 3 ngày, lại từ đây cho người Man tiền bảo họ dẫn theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá và Hỏa Xá nước Nam Bàn. Thủy Vương ở phía Đông núi, Hỏa Vương ở phía Tây núi 1.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí chỉ rõ thêm:  Từ huyện lỵ (Đồng Xuân) đi về phía Tây 20 dặm đến xã Phước Đức, lại đi 2 dặm đến thôn Phú Thành, lại đi 1 dặm đến thôn Cự Phú, lại đi thêm 5 dặm đến thôn Vân Hòa, từ đây đi về phía Tây suốt đến địa giới nước Thủy Xá, Hỏa Xá. Hai bên đường có nhiều trại sách người Man, núi khe hiểm trở, lại có nhiều cọp 2.

 

I. VỀ NƯỚC THỦY XÁ, HỎA XÁ

 

Về hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá được các sử sách ghi chép sớm nhất là sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn vào năm 1776, khi ông được cử vào Thuận Hóa giữ chức Hiệp Trấn tham tán Quân cơ 3.

 

Về vị trí hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá sách Phương đình dư địa chí của Nguyễn Siêu cho biết:  Nước Thủy Xá và Hỏa Xá nằm ở phía Nam nước Chiêm Thành cũ, nay trên đường Phú An (Phú Yên) có núi tên là Bà Nam rất cao. Nước Thủy Xá ở phía Đông ngọn núi, giáp với đồn Phước-Sơn, tỉnh Phú An, phía Nam là thuộc Man Thạch Thành. Trong Thạch Thành có tượng đá gọi là Hồ Vương Thành, vuông ước 4 mẫu, phía Bắc là sách Man tỉnh Chiêm. Nước Hỏa Xá ở phía Tây ngọn núi giáp sở Sơn Bốc nước Chân Lạp, phía Nam là Lạc Man, trên Đại Giang dưới Ba Giang là giới hạn phong vực hai nước.

 

Cũng theo tài liệu trên: Từ nước Thủy Xá đến nước Hỏa Xá đi mất 1 ngày rưỡi thì đến địa giới hai nước, rồi đi tiếp nửa ngày thì đến nơi ở vua  Hỏa Xá. Vua Hỏa Xá ước chừng 70 tuổi. Khi ra tiếp, khăn áo đều vải trắng, đứng đầu giường niệm chú xong mới ngồi, đem rượu thịt mời, hai bên tả hữu đều đánh chiêng trống, có 4 người múa, người trong sách đều quy phục 4.

 

Theo ông Phan Huy Chú thì khi vua Lê Thánh Tông bình định Chiêm Thành, lấy núi Thạch Bi làm ranh giới và phong con cháu Quốc vương Chiêm Thành làm vua nước Nam Bàn ở phía Tây núi ấy.

 

Nước Nam Bàn có chừng 50 thôn ấp, có núi Bà Nam rất cao, đó là trấn trọng yếu của nước ấy. Có hai vua Thủy Xá và Hỏa Xá ở phía đông núi và tây núi. Mỗi vua có hàng trăm thủ hạ. Họ dùng dao cày đất và đốt cây cỏ để trồng trọt. Cứ tháng giêng làm, tháng 5 thu hoạch, nhưng có lúc trời hạn không thu được gì do không biết lịch canh tác. Khi đi thu thuế, các vua thường cỡi voi, đoàn đi khoảng 10 người, đến buôn thôn nào thì khua chiêng 3 hồi, người trong buôn nghe được liền tìm vật liệu dựng các lều tranh cho vương ở. Vì theo lời truyền khẩu, vua vào nhà nào thì nhà ấy gặp điều không may, nên không dám vào. Tùy theo dân số mỗi buôn mà nộp thuế, thường là 1 nồi đồng, 1 tấm vải trắng, 1 buồng chuối. Vua nhận lấy rồi mang về để còn đi nơi khác.

 

Hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá mặt đen và xấu xí, nhưng thê thiếp của họ thì rất đẹp và ưa ăn mặc theo lối người Chàm. Thời hai vua này, mọi người tin có 1 vật thần là tinh dương, nó toát ra ánh sáng như đốt đuốc, có khi lại như tấm thảm, có khi như tấm vải lụa. Khi vua chết, chất tinh ấy nhập vào người khác mà ai cũng thấy. Người nào nhập cái tinh ấy vào thì được người xứ đó tôn làm vương, chuyện xưa là thế.

 

Trong nước Thủy Xá có Bạch thạch thành, rộng chừng 4 mẫu, có 4 cửa ra vào, bên trong có bệ đá, voi đá, ngựa đá gọi là thành Vua Hồ. Thời hai vua còn sống không ai dám ở. Sau khi tân vương lên nối ngôi mới vào thành trải đệm lên voi đá, ngựa đá rồi tiến lên nơi ngồi. Tù trưởng, cùng dân làng có chừng bốn năm mươi người đi vào bái yết, rồi vương trở về núi cũ 5 .

 

Theo truyền thuyết của người Ê đê, Hỏa Xá là người giữ lưỡi gươm thần do Pô-Thê giao lại. Lưỡi gươm này có thể làm ra lửa, làm cho trời đất tối tăm và được bọc trong một lớp vải. Nếu mang lưỡi gươm thần ra khỏi bọc vải sẽ có bệnh dịch xảy ra trong vùng. Nếu để lưỡi gươm ở bên ngoài lâu ngày thì trong buôn làng có nhiều người gặp hoạn nạn. Do vậy, mỗi khi buôn làng nào bị dịch bệnh thì họ tổ chức lễ cúng thần Ad M’dao. Trong lễ này, lễ vật phải có 1 con trâu trắng hoặc 1 con heo đực thiến và 3 ché rượu cần. Lễ cúng thực hiện ở ngoài hàng rào của làng và tất cả dân làng được mời đến tham dự.

 

(Còn nữa)

 

----------------------

1. Lê Quý Đôn, sđ d, tr. 122.

2.Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, quyển X, Tỉnh Phú yên, Thuận Hoá, 1992, trang 64.

3.Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1: Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 14.

4.Nguyễn Siêu, Phương đình dư địa chí, bản dịch: Ngô Mạnh Nghinh, Tự do xuất bản, Sài Gòn,1960, tr. 198-199.

5.Phan Huy Chú, Hoàng việt dư địa chí, Phan Đăng dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, năm 1997, tr.17-18.

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thắng cảnh Hang Cọp
Chủ Nhật, 02/01/2011 07:30 SA
Phú Yên -thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 31/12/2010 09:21 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek