Chủ Nhật, 22/09/2024 06:23 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo và hết)
Thứ Năm, 06/01/2011 07:34 SA

8.5. Các quân binh chủng

 

Quân đội nhà Nguyễn từ Gia Long đến Tự Đức là quân đội được tổ chức khá mạnh, từng bước được tăng cường và đi vào chính quy hóa, từ tổ chức cho đến trang bị. Quân đội thời Nguyễn được tổ chức với 4 binh chủng chính là bộ binh, thủy binh, pháo binh và tượng binh. Với tổ chức quân đội gồm 4 binh chủng thì bộ binh và thủy binh là chủ lực, còn binh chủng pháo binh và tượng binh là binh chủng phụ thuộc, được chỉ huy thống nhất theo ngành dọc từ trung ương tới địa phương. Ở từng hạm thuyền thì các khẩu pháo được bố trí và chỉ huy dưới sự điều khiển của thuyền trưởng; ở các thành lũy, pháo được bố trí và chịu sự chỉ huy của những viên võ quan quản lý đồn bảo. Đội tượng binh do quan Lãnh binh, Quản cơ chỉ huy.

 

Bộ binh ở Phú Yên cũng được phiên chế thành các cơ, vệ, đội, thập, ngũ; đơn vị là cơ sở ngũ (5 người), tiếp đó là thập (10 người = 2 ngũ), rồi đội (50 người = 5 thập), vệ (500 người = 10 đội). Vũ khí quân đội thời Nguyễn ở Phú Yên không hiện đại mà chủ yếu là gươm giáo, mã tấu, súng điểu thương... bộ binh ở Phú Yên có Cơ Phú Yên, Vệ Phú Yên và đội Tuần thành.

 

- Vệ Phú Yên: Nguyên lính vệ Long Vũ Hậu nhất, năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đổi làm Vệ Phú Yên.

 

- Cơ Phú Yên: Năm Minh Mạng thứ 2 (1831), chọn lấy hạng thợ 168 người, chia làm 4 đội, 1, 2, 3, 4 thuộc Cơ Phú Yên. Năm 1836 tâu chuẩn, lại được tuyển lính các hạng. Trích lấy biền binh ở 3 đội cơ phú tráng, gộp với lính mới tuyển 500 người, chiếu theo địa bàn các xã thôn mà đặt làm 10 đội thuộc Cơ Phú Yên.

 

- Đội Tuần thành: Năm 1836 nghị chuẩn cho 50 tên lính mới mộ đặt làm đội Tuần thành. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tâu chuẩn cho đội lính tuần thành phần nhiều trốn thiếu. Vậy trích lấy đội binh pháo thủ Phú Yên cho nhận cả 1 tên đội trưởng, 2 tên binh đinh ở đây đổi làm đội tuần thành, giao cho viên Thành phủ úy trông coi.

 

- Tượng binh ở Phú Yên có đội Phú tượng. Đội này nguyên là Cơ tượng Đinh Kiên 2 ở lại đồn thú. Năm 1829, tâu chuẩn:  Lính cơ tượng Đinh Kiên 2 đóng đồn thú và biền binh còn lại 14 người dồn bổ làm một đội, cơ Phú tượng trấn ấy, định ngạch là 50 người. Nếu thiếu, mộ thêm cho đủ số. Voi ở đây định cho 7 thớt.

 

Năm Thiệu Trị thứ 1(1841) dồn Cơ Phú tượng làm Đội Phú tượng.

Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), định lại điều lệ Tượng binh ở kinh và ngoài: Ở Phú Yên, tượng binh có 1 đội 31 người, ngạch voi 6 thớt, đều chia làm 3 ban, 2 ban ở quân ngũ, 1 ban nghỉ ngơi.

 

- Pháo binh ở Phú Yên có đội Pháo thủ. Đội này nguyên là lính đội thứ 11,  ở vệ Chấn uy, phái đi đồn thú ở trấn ấy.

 

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đổi làm đội Pháo thủ.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), tâu chuẩn số súng đạn ở tỉnh dùng gấp hai chia phát người không đủ, nên mộ thêm dân ngoại tịch, từ Quảng Bình vào 50 tên, đặt làm đội pháo thủ thứ 2.

 

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), lại tuyển lính trích lấy đội 1, cơ Phú Yên là lính mộ thuộc tỉnh, hiện có 34 người gộp với lính mộ đội pháo thủ, hiện có 11 người, dồn làm pháo thủ đội 1.

 

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tâu chuẩn lính mộ ở đội pháo trước, chỉ có 37 người, phần nhiều già yếu. Vậy đổi làm đội Tuần thành và cho lính tuyển các hạng, đặt làm đội pháo thủ.

 

- Thủy binh đóng vai trò quan trọng thứ 2 sau bộ binh, mặc dù không cơ động như bộ binh. Nhưng do giáp biển, nhiều sông nên thủy binh ở đây là binh chủng rất quan trọng. Thủy quân ở Phú Yên đó là đội Thủy vệ Phú Yên, vệ này có 3 đội Kiên thủy 1, 2 và 3 thuộc thủy quân. Năm 1832, đổi làm 3 đội Kiên thủy là Thủy cơ Phú Yên. Năm 1834, lựa lấy dân các xã, thôn, phường, ấp ven bể hạt ấy, cộng 350 tên, dồn bổ thành 7 đội, gộp với 3 đội 1, 2, 3 Thủy cơ Phú Yên đặt làm 10 đội Thủy vệ Phú Yên.

 

Đối với thuỷ binh vấn đề quan trọng là thuyền bè. Thuyền gỗ thì tỉnh nào cũng được đóng: các tỉnh ở ven biển... mỗi tỉnh đóng 2 chiếc còn tỉnh nào mà phận biển rộng thì đóng 3 - 4 chiếc; đều gọi là thuyền tuần dương.

 

Như vậy, ở Phú Yên thời Nguyễn, tổ chức quân đội có 4 binh chủng là bộ binh, thủy binh, pháo binh và tượng binh. Tất cả đều dưới sự chỉ đạo của lãnh binh quan ở đây. Tổ chức quân đội ở Phú Yên thời Nguyễn đã xây dựng được một đội quân thường trực đông, đảm bảo cho canh phòng, trật tự trị an ở đây.

 

Triều Nguyễn vào nửa đầu thế kỷ XIX, là thời kỳ có bộ máy tổ chức Nhà nước hoàn thiện nhất so với các triều đại quân chủ tập quyền Việt Nam. Quá trình hoàn thiện diễn ra dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng từ trung ương đến các cấp địa phương. Bộ máy Nhà nước đó đủ năng lực để quản lý lãnh thổ, dân cư; phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh; trấn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Nhưng càng về sau cơ chế tập quyền đó trở nên bảo thủ mang tính đóng kín, trước yêu cầu cần phải cải cách thì bộ máy đó trở nên trì trệ, vận hành nặng nề thành lực cản trước yêu cầu bảo vệ độc lập dân tộc và phát triển kinh tế, trở thành mục tiêu đấu tranh của nhân dân và các thế lực ngoại nhập.

 

Bộ máy Nhà nước triều Nguyễn trong quá trình vận hành của nó cũng thể hiện khá rõ nét ở Phú Yên.

 

Bộ máy nhà nước ở Phú Yên thời Nguyễn theo tổ chức 4 cấp : cấp  Doanh (Trấn /Tỉnh / Đạo) -  Huyện (Phủ) - Tổng - Xã. Quan lại từ cấp huyện trở lên đều được đào tạo và đỗ đạt qua các kỳ thi Hương (văn bằng cử nhân) trở lên, được triều đình bổ nhiệm (qua bộ Lại và phê duyệt của nhà vua), năng lực được đánh giá qua công việc cụ thể hoặc sau mỗi lần khảo khóa (sát hạch) do triều đình tổ chức. Phép hồi tỵ ở Phú Yên cũng được thực hiện nghiêm túc nên đã hạn chế được những tiêu cực của bộ máy quan lại ở địa phương.

 

Lý trưởng (Xã trưởng) lại do dân tín nhiệm bầu lên và được cấp trên phê duyệt; đây là một cơ chế dân chủ truyền thống của làng xã nước ta. Lý trưởng vừa giữ phép nước vừa theo lệ làng để điều hành công việc xã thôn.

 

Phú Yên không phải là tỉnh lớn nhưng là tỉnh có vị trí quan trọng trong việc phòng thủ và an ninh nên triều Nguyễn rất chú trọng về tổ chức quân đội và quốc phòng cả vùng biển và miền núi.

 

Ngoài một vài vụ trộm cắp và trách nhiệm công vụ đã được phát hiện và xét xử nghiêm minh, dưới triều Nguyễn ở Phú Yên không có những biến cố lớn về trị an đã nói lên tính hiệu lực trong việc thực thi của bộ máy quản lý Nhà nước ở địa phương.

 

Phó Giáo sư  ĐỖ BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek