Chủ Nhật, 22/09/2024 06:38 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 04/01/2011 07:00 SA

Để tăng cường việc phòng thủ, năm 1839, theo dụ của vua Minh Mạng, tỉnh Phú Yên huy động thêm: “quan binh đắc lực, súng ống, khí giới đầy đủ, chia ngồi vào tàu thuyền nhanh chóng ra ngoài biển cả, cốt cho đến khi trông về không thấy bờ biển, tổ chức qua lại tra xét. Khi gặp thuyền giặc thì lập tức treo cờ, bắn súng, cho những thuyền binh đi tuần biển đến tiếp, nhanh chóng tiến lại, góp sức vây đánh1.

 

Bai-choi-6110104.jpg

Chơi bài chòi ở Đền thờ Lương Văn Chánh (huyện Phú Hòa) – Ảnh: M.NGUYỆT

 

Cũng theo dụ trên: nếu bắt được thuyền hạng lớn thì mỗi chiếc thuyền được thưởng 1000 quan, hạng vừa được thưởng 5 trăm quan tiền, bắt sống được 1 tên giặc thì thưởng 30 quan tiền, chém được một cái đầu thưởng 20 quan tiền.

 

Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) “Phái 1 viên quan Quản vệ, 2 viên Suất đội của bộ quân, 2 viên Suất đội của thủy sư, biền binh thủy bộ đều 70 tên và 7 tên pháo thủ, chia ngồi vào một chiếc thuyền hiệu Tuần hải, 2 chiếc thuyền Ô, chạy từ Thừa Thiên về phía nam đến Bình Thuận. Lại phái 1 viên Quản vệ, 3 Suất đội của thủy sư, 3 viên Suất đội của bộ binh, biền binh thủy bộ đều 100 tên và 11 tên pháo thủ chia ngồi vào một chiếc thuyền hiệu Tỉnh hải, một chiếc thuyền hiệu Tuần hải. Chia nhau làm hai chuyến, chạy từ Thừa Thiên trở về phía bắc tới tỉnh Phú Yên. Tất cả đều nên sửa sang thuyền binh, nhận lệnh súng ống, thuốc đạn, ống phun lửa, dụng cụ chiến đấu và kính thiên lý, đầy đủ2.

 

Năm Tự Đức thứ 4 (1851) lại quy định : “Hải phận nào có giặc nổi lên mà không bắt được, nếu là nơi chuyên trách của một đồn biển thì viên Tấn thủ sở tại bị giáng 3 cấp lưu nhậm. Còn về giặc nổi lên ở chỗ hai đồn biển tiếp giáp nhau thuộc về các điều khoản đặt ra để xử lý đối với kinh phái, tỉnh phái đi tuần thám, cùng viên tỉnh sở tại, thì vẫn tuân theo nghị định trước mà làm”3.

 

Những quy định chặt chẽ và nghiêm túc này đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lãnh hải và trị an vùng duyên hải của tỉnh Phú Yên vào thế kỷ XIX.

 

8.3. PHÉP TUYỂN QUÂN VÀ  BINH CHẾ

 

Trong việc tổ chức quân đội ở Phú Yên, thì tuyển lính luôn được coi trọng. Ở Phú Yên, từ năm Gia Long thứ 4 (1805), triều đình đặt ra phép giản binh, cứ 3 đinh lấy 1 lính.

 

Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), triều đình quy định ở Phú Yên, nơi nào chưa đủ số mà chưa từng được lựa chọn, xét ra cứ 3 đinh trở lên thì cứ 3 đinh lấy một.

 

Phép duyệt tuyển cũng được đặt ra để tuyển chọn binh lính. Năm 1832, triều đình quy định cứ 6 tháng một kỳ duyệt tuyển, đặt một trường duyệt tuyển ở Phú Yên để tuyển lính.

 

Trong vấn đề tuyển quân có nhiều tiêu cực xảy ra như trường hợp nhà giàu có bỏ tiền ra mua chuộc để tránh binh dịch. Theo lời thỉnh cầu của Bố chánh Phú Yên là Đỗ Cảnh Huy: “Hạt ấy hồi trước những nhà vật lực nhiều tìm cách khôn khéo trốn tránh, hoặc là cha con anh em trong một nhà mà đều cư trú đăng tịch mỗi người một nơi để cố tránh phần ra lính. Lý dịch và chánh quán của chúng thường cho là số hộ đã thành rồi bỏ không hỏi đến nữa. Thế rồi người nọ bắt chước người kia tập thành thói quen, xin nhắc lại điều lệ cấm, để những người cùng một tộc  thuộc của họ có liên lạc với nhau”4.

 

Trước tình hình đó, vua sai bộ Hộ bàn tâu để tránh tình trạng ẩn lậu binh đinh: theo chuẩn định của bộ Hộ: “Từ Bình Thuận trở về Bắc, phàm dân các tỉnh hạt đều phải khai sổ đinh theo nơi chánh quán ông cha, không được khai sổ đinh ở nơi khác. Nếu để kẻ nào có quê quán cha anh ở đó mà trót đã đăng ký vào sổ ở nơi hiện ngụ hoặc quê mẹ, quê vợ, những nơi này xét ra không rõ gốc tích và hơi gần với chánh quán thì cho phép được tự thú tội, hoặc do lý dịch tố giác ra đều theo sự thực cho đổi về chánh quán, nếu điềm nhiên không tự thú, không tố giác, mà bị người khác vạch ra, tức thời đem đích danh kẻ mạo quán và Lý dịch nơi ngụ quán ấy chiếu luật gia trị tội và bắt kẻ mạo quán ấy phải về nguyên quán chịu sai dịch. Kẻ nào từ trước đi nhập tịch quê quán mấy đời hiện thành cơ nghiệp rồi, cũng là vì nghèo túng đi xiêu giạt, đi trú ngụ xa nơi chánh quán, không tiện bắt về, hoặc lưu lạc từ bé, không biết quê quán cha ông ở đâu, đều cho được khai vào sổ nơi đương ngụ để cho có căn cước. Dân sở tại đấy nếu cứ coi là kẻ lưu ngụ, không đem khai vào sổ, một khi bị phát giác ra thì bắt về tội ẩn lậu”5.

 

Như vậy, triều đình đã định ra phép giản  binh cho Phú Yên cứ 3 đinh lấy 1 lính, thành lập  ra 10 đội lính chuyên trách.

 

2. Tổ chức

 

Năm 1832, Minh Mạng tiến hành cải tổ bộ máy hành chính  trong cả nước, quan phụ trách quân đội hàng tỉnh là Lãnh binh. Lãnh binh Phú Yên chuyên coi cơ Phú Tráng, Cơ Phú Yên, Cơ Phú Tượng, Cơ An Man kiêm quản Thủy Cơ Phú Yên.

 

Quân đội Phú Yên năm 1832 chia ra:

 

- Cơ Phú Tráng (3 đội)

- Cơ Phú Tượng (3 đội)

- Cơ Phú Yên  (4 đội)

- Đội  Pháo thủ

- Thủy cơ có 3 đội.

 

Năm 1833, đặt các vệ  Hương dũng  ở Phú Yên: có 500 người gọi là Nghị võ nghệ. Mỗi vệ 10 đội, mỗi đội 50 người. Mỗi đội cử lấy 1 người làm đầu mục, cấp cho văn bằng làm Ngoại ủy suất đội. Trong đội chọn lấy một Cai tổng, lấy cho văn bằng Ngoại ủy phó vệ, cấp khí giới và cho tiền gạo.

 

Năm 1833, lấy các cơ Phú Yên dồn lại lập thành vệ Phú Dũng và trích lấy người bổ làm quản viên, nhận lĩnh đi đánh giặc. Sau khi việc đã yên rồi sẽ trở về hàng ngũ với danh hiệu cũ.

 

Năm 1834, thủy cơ Phú Yên thăng vệ Phú Yên mỗi vệ 10 đội, nếu thiếu thì lấy dân ở ven biển sung vào, còn phẩm trật, lương bổng đều xếp dưới Ngũ thủy quân ở kinh.

 

Năm 1835, tỉnh Phú Yên đổi quan Lãnh binh làm quan Phó lãnh binh. Đặt Phó lãnh binh Phú Yên Nguyễn Hữu Y đều cho nguyên hàm quan Tòng tam phẩm.

 

Năm 1836, dùng nguyên Vệ úy hữu vệ Bắc Ninh là Phạm Văn Thư làm phó Lãnh binh Phú Yên.

Phó Lãnh binh Phú Yên là quan cai quản quân gồm: Vệ Phú Yên, cơ Phú Yên, đội Phú Tượng, vệ thủy Phú Yên.

 

Năm 1836, đổi cơ Phú Yên làm vệ Phú Yên.

 

Năm 1847, tâu chuẩn Thủy vệ Phú Yên chỉ có 1 viên Phó vệ úy vẫn phải đặt thêm 1 viên Hiệp quản.

 

Về chia ban lính ở tỉnh được chia làm hai ban. Theo số quy định năm 1803, lệ chia làm 3 phiên: 2 phiên về quê quán làm ăn, 1 phiên ứng trực, hết hạn lại bắt đầu thay đổi nhau.

 

 (Còn nữa)

Phó Giáo sư  ĐỖ BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek