Chủ Nhật, 22/09/2024 06:37 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 03/01/2011 07:32 SA

Dân phu tuần phòng các đồn ải luôn được Nhà nước cấp  tiền gạo, lương mỗi người 5 tiền, 1 phương gạo.

 

nuinhan110103.jpg

Núi Nhạn Sông Đà   - Ảnh: Đ.LÊ

 

Các nguồn trở thành cứ điểm quân sự để quân đội kịp thời trấn áp các cuộc nổi dậy của các dân tộc ít người. Năm 1825, triều đình Huế truyền dụ cho trấn thần Phú Yên là Trương Văn Chánh đem binh trấn do đường nguồn Thạch Thành tiến thẳng đến địa giới Đồng Hương, chọn lấy chỗ hiểm yếu để đánh hai mặt.

 

Các cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số là mối lo thường xuyên của triều đình Huế nên nhiều lúc việc tổ chức đánh dẹp được thực hiện ở một quy mô lớn do quan quân nhiều trấn phối hợp. Năm 1826, Biện lý trấn Phú Yên Nguyễn Hữu Thị dâng sớ tâu vua cho được cùng hội quân với trấn Bình Hòa (nay là Khánh Hòa) để đánh dẹp. Châu bản triều Nguyễn có chép:

 

Lính tới đồn trú tại Cà Tuân, hợp với trấn thủ Bình Hòa Nguyễn Văn Quế, tiến đánh 38 buôn Man Cà Tuân, khiến chúng đều chạy tan tác, lần lượt quy phục được 22 buôn, còn 16 buôn nữa tất cũng tiếp tục quy hàng. Ba Sách, Lục Vạn, và A Nhân đều đem trâu và rượu đến xin đầu thú. Lại tư cho thần vận chuyển chỉ số tiền và gạo nửa tháng. Nay thần chiếu theo số của Trương Văn Chánh là 646 người, vậy phát tiền gạo nửa tháng, mướn dân phu 323 tên, lương tính từ trấn đến đồn Hương Giang đi mất 3 ngày đường, phát cho mỗi tên 30 đồng gạo, 1 bát cho dân phu chi dụng1.

 

Bên cạnh biện pháp dùng võ lực để tấn công, triều Nguyễn còn tìm cách chiêu dụ để quy phục các thổ tù dân tộc thiểu số nhằm hạn chế những tổn thất không đáng có.

 

Cùng với tổ chức phòng thủ ở các đồn ải miền núi, nhà Nguyễn cũng rất chú trọng phòng thủ mặt biển. Năm 1828, theo dụ của vua Minh Mạng các tỉnh từ Quảng Nam vào Nam, đều đóng 3, 4 chiếc thuyền binh đi tuần xét vùng biển. Nếu gặp thuyền giặc nước Thanh có nghi ngờ bắt giải về thành trấn áp.

 

 Hàng năm cứ đến tháng 2, các tỉnh đều phái biền binh đi tuần biển để bắt giặc cướp. Năm 1837, vua Minh Mạng có dụ cho  việc đi tuần biển: “Tháng 5 là thời tiết gió nam, Giặc Đồ Bà thường xuyên rình sơ hở để  cướp thuyền buôn ở vùng ven biển các tỉnh phía nam, ắt nên phái thêm thuyền đi tuần thám để yên mặt biển. Vậy cho trích trong số 6 chiếc thuyền nhiều dây phái đi Thuận An thao diễn lần này, lấy ra hai chiếc thuyền Tỉnh Hải, Bình Hải, đem theo hỏa pháo, hỏa khí, dụng cụ chiến đấu và binh lương đầy đủ. Lại phái Quản vệ thủy sư quản đốc tất cả từ viên Quản vệ cho đến  binh đinh đều thưởng trước cho nửa tháng tiền lương. Đợi khi việc thao diễn xong, thì lập tức dong thuyền đến các hải phận Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, tổ chức chạy đi, chạy lại. Nếu gặp thuyền giặc thì lập tức chặn bắt  kết án, ắt có thưởng hậu’’2.

 

 Từ năm 1838, triều đình sai phái các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận cử người đi tuần biển thường xuyên không cứ và tháng 2 hàng năm .

 

 Năm 1838, triều đình quy định thưởng phạt các quan trông coi hải phận ở các địa phương: “ Chỗ nào nếu giặc nổi lên một lần, mà viên tấn thủ hoảng sợ, sơ suất không biết, xét bắt không nhanh, để đến nỗi bọn giặc trốn thoát được thì đem viên Thủ ngự ở hải phận ấy giáng 4 cấp, Quản vệ, Quản cơ do tỉnh phái đến giáng 2 cấp. Thuyền binh kinh phái ở hạt ấy mà không biết đánh dẹp thì Quản vệ cũng bị giáng 2 cấp, Suất đội giáng 1 cấp. Nếu gặp giặc cứ lén lút đến 2 lần, 3 lần, 4 lần, thì mỗi lần đều theo như thế xử lý. Nếu ai là người đã có thành tích được thưởng có kỷ lục rồi thì cho được xét  trừ. Nếu không có cấp kỷ lục để khả dĩ trừ được mà kê hết sổ cấp bị giáng quá nhiều (Thủ ngự lần trước giáng 4 cấp, lần sau giảm 4 cấp nữa là 8 cấp, Quản vệ lần trước 2 cấp sau 2 cấp nữa là 4, các trường hợp khác cũng như vậy mà suy) thì ghi giáng lưu chức để xem công hiệu ngày sau 3 

 

 Để tăng cường phương tiện phòng thủ, triều đình phát kính thiên lý cho các địa phương. Phú Yên trước năm 1840  là 1 ống nay cấp thêm một ống nữa.

 

Năm 1837, trang bị cho Phú Yên 2 thuyền Đại dịch để tổ chức hoạt động phòng thủ. “Mỗi  khi tiết gió nam phái biền binh đắc lực giả làm thuyền buôn ngồi  thuyền ấy chuẩn bị thuốc đạn, súng ống, khí giới, ngầm ra ngoài biển, thứ nhất nhân bọn nhận lầm lại đón hoặc bắt gặp chúng cướp bóc thuyền buôn nhân đó mà chẹn bắt, tự có thể bắt được;  thứ hai thì làm ra thuyền binh ở tỉnh đi truyền tiễn để phòng giữ mặt biển thêm mạnh thì làm một việc mà tiện cả hai4.

                                          

  (Còn nữa)

 

1. Mục lục Châu bản triều Nguyễn, T.II, Cục Lưu trữ  Nhà nước, Đại học Huế, TT Nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hoá, Văn Hóa, 1998, tr. 381.

2. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, T.IX, Sđd, tr.689-690.

3.Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, T.IX,  Sđd, tr. 696

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Giáo Dục, Sđd, T.V, tr. 159.

 

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Suối nước khoáng Lạc Sanh
Chủ Nhật, 26/12/2010 15:17 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek