Chủ Nhật, 22/09/2024 06:35 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 30/12/2010 10:00 SA

Thưởng, phạt là phương thức nâng cao hiệu quả của bộ máy công quyền.

 

Thưởng phạt được thực hiện theo định kỳ và quy thành khóa gọi là “khảo khóa”. Khảo khóa nhằm xem xét đánh giá năng lực, đạo đức để phân loại quan chức. Dựa trên kết quả đó, triều đình xét thăng chức hay giáng chức, lưu đày hay chuyển đi nơi khác đối với quan lại.

 

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) triều đình ra nghị chuẩn đặt lệ mới khảo xét thành tích quan lại phủ, huyện. Trước đây chỉ căn cứ vào các vụ án xử lý có đúng hay không để định thứ bậc. Từ nay về sau, xét thành tích quan phủ, huyện, ngoài việc văn án còn căn cứ vào việc thu thuế, tuyển quân, trị dân, nha lại dưới quyền có nhũng tệ hay không, lại căn cứ vào việc đã được cấp kỷ lục mấy lần, hợp thành sổ tâu nộp, đủ 6 năm 2 lần làm một khóa, căn cứ vào đó để thăng giáng 1.

 

Tỉnh Phú Yên, năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), tổ chức sát hạch Lại dịch ở  ty Phiên và ty Niết; bình hạng được 2 người, thứ hạng 21 người”. Và theo đó “bình hạng đều được thưởng tiền, mỗi người 3 quan, thứ hạng 2 quan và cho Bố chánh Phú Yên thăng bổ Hộ bộ Tả thị lang” 2.

 

Năm Tự Đức thứ 3 (1850), tiếp sớ  của tỉnh thần Phú Yên tâu về việc sát hạch các Lại dịch ở hai ty Phiên, Niết đã làm việc cần cù suốt năm từ Thông phán Trương Hữu Quỳnh đến thơ lại Nguyễn Ngọc Quyền, cộng 9 viên danh, xin xếp vào hạng bình, từ bát phẩm thơ lại Nguyễn Tấn Quyền đến vị nhập lưu thơ lại Nguyễn Lại Thuật, cộng 10 viên danh, xin xếp vào thứ hạng. Xin tâu chờ chỉ và bộ Lại trong số phân hạng đều đúng như lời tâu, xin chiếu lệ trước, thưởng cấp tiền theo hạng khác nhau 3.

 

6.2. Vấn đề hồi tỵ

 

“Hồi tỵ” có nghĩa là tránh đi. Chế độ này nhằm làm trong sạch bộ máy Nhà nước, tránh tiêu cực như kéo bè, kéo cánh, cục bộ, lạm dụng riêng tư do quan hệ gắn bó lâu ngày giữa quan lại và địa phương gây nên. Vì thế, quan lại phải thường xuyên thuyên chuyển từ địa phương này sang địa phương khác để tránh gây ra hiện tượng tiêu cực như trên.

 

Quan lại ở Phú Yên khi về kinh chầu thì cho phép từ Tham biện trở lên dự đình nghị, nếu đang bàn gặp việc liên quan đến địa phương thì phải xin tránh mặt, tức hồi tỵ.

 

Tại các nha môn của tỉnh Phú Yên, nếu có cha, con, anh em ruột, anh em chú bác đều phải trích ra bổ đi nha môn khác. Riêng hai ty Chiêm hậu và Lễ sinh thì không phải hồi tỵ. Bởi ty Chiêm hậu coi về lịch, Lễ sinh chuyên coi về nghi lễ.

 

Những Lại mục, Thông lại các nha thuộc hạt, phủ, huyện ai là người cùng làng, cùng là những người đã làm ở nha đã hơn 3 năm trở lên thì phải chuyển bổ đi nơi khác làm việc.

 

Những Lại mục, Thông lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Người làm quan không được làm quan ở chính quán (quê quán), trú quán (cư trú lâu ngày), quê mẹ, quê vợ, thậm chí cả nơi đi học lúc trẻ tuổi.

 

6.3. Việc thực thi pháp luật

 

Dưới thời Nguyễn, quan lại tại chức làm việc không đúng pháp luật cũng bị trừng phạt nặng. Năm 1807: “Cai bạ Phú Yên là Nguyễn Hữu Đồng, lúc tại chức làm nhiều việc trái pháp bị dân kiện, án trấn Quy Nhơn tâu lên; xét hỏi tội trạng, đều thú nhận. Đồng bị giết” 4.

 

Việc xử phạt nghiêm khắc của triều Nguyễn đã góp phần chấn chỉnh quan chức địa phương tại tỉnh Phú Yên.

 

Về tội ăn trộm, ăn cướp cũng bị xét xử rất nặng.

 

Năm 1851, bộ Hình tấu: “Nguyên Bình- Phú Tổng đốc Phan Thanh Giản kết đệ án bọn Lê Công Dõng ăn cướp. Đến khi đem bọn ấy ra xét hỏi, bọn ấy đều nhìn nhận trong một đêm ăn cướp 2 nhà, được của chia nhau, thủ phạm là bọn Lê Công Dõng, Diệp Quang Biểu chiếu lệ mới đều xử tội trảm giam hậu, Quang Biểu hiện chờ bắt được sẽ chiếu án mà xử. Tòng phạm bọn Lê Văn Vạn 5 tên giảm tội tử, phát khởi tên Khái đương trốn, bắt được sẽ xử, Lê Văn Sở khai tên những bọn ăn cướp đồng đảng với nó chiếu luật phạm tội tự thú, xin cho tha. Viên suất đội Văn Công Thị bắt được 2 tên cướp xin cho thưởng. Bộ chúng tôi tâu lên chờ chỉ phụng chỉ gia ân cho Lê Công Dõng trảm giam hậu, suất đội Văn Công Thị có công bắt cướp cho thưởng 20 quan tiền, còn nữa cho y nghĩ” 5.

 

Ở Phú Yên, các chỉ dụ cấm theo đạo Gia Tô của triều đình cũng được thực hiện một cách nghiêm ngặt.

 

7. MỘT SỐ QUAN CHỨC TIÊU BIỂU

 

Phú Yên thời nhà Nguyễn (1802- 1884) có một số quan chức tiêu biểu như:

 

- Vũ Xuân Cẩn (1772-1852), người huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông đã là Cống sĩ triều Tây Sơn. Năm Gia Long thứ 1 (1802), bổ vào viện Hàn Lâm, năm thứ 2, bổ làm Hiệp trấn Hưng Hóa, trải làm Cai bạ Bình Định. Đầu triều Minh Mạng được thăng làm Hiệp trấn Sơn Nam, rồi bổ làm Tả tham tri bộ Hình. Năm 1824, lại ra làm Hiệp trấn Nghệ An.

 

Năm 1833, bổ làm Tổng đốc Bình Phú. Ông được vua khen nhiều lần, thăng đến chức Hiệp biện đại học sĩ, gia Thái tử thiếu bảo.

 

Vũ Xuân Cẩn nhận thấy sự bất hợp lý về sở hữu ruộng đất ở Bình Định, nên ông đề xuất chia lại ruộng đất ở đây. Công việc được hoàn thành vào tháng 10 /1839, vua ban thưởng cho 1 cấp trác dị.

 

(Còn nữa)

 

---------------------------

1. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, sđd, T. III. Tr. 98.

2.  Mục lục Châu bản triều Nguyễn, bản thảo chép tay, Triều Thiệu Trị, Tập 14, tr. 12.

3. Mục lục Châu bản triều Nguyễn, bản thảo chép tay, Triều Tự Đức, Tập 20, tr. 58.

4. Đại Nam thực lục, Giáo Dục, Tập I, tr.730.

5. Mục lục Châu bản triều Nguyễn, Triều Tự Đức, T.24, tr. 58-59.

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Suối nước khoáng Lạc Sanh
Chủ Nhật, 26/12/2010 15:17 CH
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 26/12/2010 11:17 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 25/12/2010 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek