Chủ Nhật, 22/09/2024 06:38 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 28/12/2010 10:00 SA

Để Lý trưởng tăng cường trách nhiệm quản lý dân đinh trong xã, nhà Nguyễn thường xuyên tiến hành duyệt tuyển theo định kỳ cứ 5 năm (sau đó tăng lên 6 năm/lần). Năm 1823, triều đình quy định cử các quan văn, võ từ hàm tam phẩm trở lên phối hợp của các quan đứng đầu huyện tổ chức duyệt tuyển.

 

bien-song-cau101228.jpg

Vùng biển Sông Cầu. - Ảnh: N.LÊ

 

Mục đích của phép duyệt tuyển là để thải người già, nắm chính xác dân đinh để đóng thuế cho hợp lý. Kết quả duyệt tuyển đóng thành sổ làm 3 bản Giáp, Ất, Bính, bìa vàng, biên rõ họ, tên, tuổi 1.

 

 Người đứng khai sổ là Lý trưởng. Nhà Nguyễn quy định, Lý trưởng bị tội nặng trong trường hợp ẩn lậu suất đinh, thu lương trái kỳ hạn hoặc để cho dân trốn sai dịch.

 

Vấn đề đốc thúc thu thuế ruộng đất và dân đinh, gọi lính luôn được các cấp chính quyền coi trọng. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), định rõ lại lệ trừng phạt các tổng, lý về việc gọi binh thu lương. Hàng năm có hai quý gọi lính, nếu để thiếu hai thành trở lên, thì Lý trưởng phải phạt 80 trượng; cứ thiếu mỗi thành nữa lại thêm 1 bậc; Lý trưởng để thiếu 4 thành thì bị cách chức, nếu trong 2 quý mà Lý trưởng điền đủ được 3 thành trở lên thì cho khai phục, không sung thì dịch; Lý trưởng để thiếu 5 thành thì phải cách chức không được làm việc nữa.

 

Trong việc thu lương, theo quy định năm 1876, Lý trưởng chiếu theo số thuế trong xã chia làm 10 phần, thiếu chưa đến 1 phần thì phạt 100 trượng, nộp tiền chuộc được lưu làm việc, thiếu 1 phần trở lên thì bãi dịch.

 

Trong hoạt động giữ gìn trật tự an toàn trong làng xã, năm 1856, triều đình định lệ bắt trộm cướp “nếu can phạm là người cùng làng với Lý trưởng mà là kẻ can phạm rất quan yếu thì Lý trưởng phải xử tội trảm giam hậu; là chính yếu phạm thì Lý trưởng phải tội 100 trượng phát lưu, là thứ yếu phạm thì Lý trưởng xử phạt 100 trượng đồ 2 năm rưỡi, là đồng đảng phạt Lý trưởng đồ 2 năm rưỡi. Nếu xảy ra việc ăn cướp, bọn kẻ cướp tụ họp ở xã nào mà đi ăn cướp thì Lý trưởng phải xử tội phạt 100 trượng đồ 3 năm; nếu tụ tập ở làng mình mà đi ăn cướp ở làng khác hay làng khác không canh phòng để đến nỗi mất cướp thì Lý trưởng các làng ấy đều bị xử phạt 100 trượng, đóng gông đem bêu 3 tháng hết hạn bắt bãi dịch; nếu có thông đồng với cướp là lấy của đút thì theo luật xử đoán” 2.

 

 Nhà nước không trao quyền tư pháp cho cấp cơ sở nên xã, thôn chỉ xử những vụ án nhỏ ở làng xã mang tính chất hòa giải, bảo đảm an ninh trong thôn xóm.

 

Bên cạnh những quy định trên, để khuyến khích các Lý trưởng làm việc, triều đình đặt ra lệ khảo hạch, định ra 3 năm 1 lần: nếu làm việc tốt, cần mẫn thì được khen thưởng (Lý trưởng sẽ được bổ làm Phó tổng).

 

Nếu hèn kém, tham ô thì bị cách chức, người bầu cử cũng phải tội thất sát (tức là không xem kỹ đề tài mà cử lập).

 

Xã trưởng (Lý trưởng), Thôn trưởng là người quản lý bộ máy hành chính của xã, thôn với trách nhiệm nặng nề và rất dễ bị sai phạm, nhưng họ không được hưởng lương bổng, không được nằm trong ngạch viên chức của Nhà nước.

 

Cùng với tổ chức thiết chế Nhà nước, ở cấp làng xã còn có tổ chức tự trị cùng song song tồn tại. Nhà nước rất khó can thiệp vào tổ chức tự trị của làng xã.

 

Trong tổ chức bộ máy Nhà nước các cấp, các vua Nguyễn vẫn phải thừa nhận bộ máy tự quản xã thôn. Trong quản lý xã thôn, cơ chế lưỡng quyền này làm người dân vừa phải tuân thủ lệ làng, vừa phải theo phép nước.

 

Tổ chức thiết chế cổ truyền xã thôn tự trị được duy trì suốt thời Nguyễn ở Phú Yên. Tổ chức này gồm 2 cơ quan: cơ quan quyết nghị và cơ quan chấp hành.

 

Cơ quan quyết nghị còn gọi là Hội đồng Kỳ mục ( hoặc Hội đồng xã, Hội đồng làng).

 

Thành phần của Hội đồng Kỳ mục gồm có thân hào, những người có danh tiếng trong xã, không định số lượng, nhiệm kỳ. Muốn tham dự hội đồng này phải đủ điều kiện theo hương ước quy định (có chân trong khoa bảng, hoặc có phẩm hàm của vua ban hoặc giữ chức vụ công và phải nộp tiền khao dân, bao gồm nộp vọng và khao dân. Đây là vấn đề được quy định tùy theo lệ tục mà ấn định vị thứ cho Kỳ mục (tùy từng nơi là căn cứ tuổi, phẩm hàm, địa vị…). Người giữ chức cao nhất gọi là Tiên chỉ, được ngồi ở vị trí cao nhất trong làng.

 

Trong sinh hoạt làng xã thì đình làng là nơi quan trọng nhất, nơi để họp hành, bàn việc làng. Thông thường họp vào 2 ngày sóc và vọng (1, 15). Những việc bàn ở đình là những việc liên quan đến dân trong xã như thu thuế, tuyển lính, quân cấp công điền…

 

Điều hành công việc xã thôn đứng đầu là Xã trưởng và bộ máy giúp việc.

 

Xã trưởng do dân bầu và được triều đình cấp bằng và con triện; giúp việc có Phó Lý trưởng, Trương tuần và các Tuần đinh. Trương tuần do Hội đồng Kỳ mục chỉ định, phụ trách việc tuần phòng trong xã.

 

Xã trưởng (Lý trưởng), Phó Lý trưởng có ruộng hương lý, ruộng bút chỉ để cày cấy thu hoa lợi chi tiêu.

 

Trong suốt thời Nguyễn vẫn duy trì quyền tự quản của làng xã về tài chính, tài sản; sinh hoạt đình làng; quyền tự quản về trật tự an ninh trong xã; quyền tế tự, đình đám, hội hè và các tục lệ riêng của xã.

 

(Còn nữa)

 

--------------------------

1.Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch,Thuận Hóa, Tập V, tr.137.

2.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, KHXH,Tập 28, 1973, tr. 289-290.

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Suối nước khoáng Lạc Sanh
Chủ Nhật, 26/12/2010 15:17 CH
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 26/12/2010 11:17 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek