Chủ Nhật, 22/09/2024 06:39 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 25/12/2010 07:00 SA

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) đổi cấp dấu kiềm cho các phủ, huyện. Theo quy định trước, dấu kiềm làm bằng gỗ, đều khắc chữ “tín”, nay đổi lại; dấu của phủ, huyện làm bằng đồng. Dấu của phủ, 5 phân vuông; của huyện, 4 phân 5 ly vuông, đều khắc rõ danh hiệu của địa phương trấn nhậm.

 

Quan phủ, huyện thường xuyên theo dõi biến động của dân đinh trong địa hạt của mình. Năm 1838: sai các địa phương làm sổ tâu về sổ đinh các phủ, huyện, trong hạt tăng hay giảm, nghị định thưởng phạt có thứ bậc.

 

Năm 1870, quy định lậu đinh có gia sản đối với cấp phủ, huyện như sau: nếu phủ, huyện lậu 1 đinh, phạt 50 roi, chuẩn phạt 9 tháng lương; 2 đinh phạt 6 trượng, bị phạt lương 1 năm; 3 đinh phạt 70 trượng, bị giáng một cấp, 4 đinh phạt 80 trượng, bị giáng 2 cấp; 5 đinh phạt 90 trượng, giáng 3 cấp, 6 đinh phạt 100 trượng, bị giáng 4 cấp, đều lưu tại chức, mỗi 3 đinh ra 1 bậc (nếu 7 đinh, 8 đinh cũng chỉ tội 100 trượng, giáng 4 cấp lưu); 9 đinh đến 11 đinh cũng chỉ phải tội 100 trượng, giáng 4 cấp đổi đi nơi khác, mỗi 5 đinh ra 1 bậc; tội chỉ đến cách mất chức.

 

Xét xử án kiện là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc cai quản thần dân của người đứng đầu phủ, huyện. Nhà Nguyễn không trao quyền tư pháp cho làng xã, mọi việc kiện tụng từ hộ, hôn, điền sản cho đến hình sự lớn nhỏ đều do phủ, huyện trở lên mới có quyền xét xử.

 

Bên cạnh quản lý dân đinh, xét xử án kiện là việc thu thuế, gọi lính. Năm 1836, quy định của triều đình, trong 3 năm viên nào thu thuế, gọi lính được 10 phần hoàn toàn được thăng. Viên nào thiếu từ 2% trở xuống thì đổi đi nơi khác. Cho phép quan trên cấp bằng được ly chức (làm chức quan khác hoặc đổi đi nơi khác). Nếu thiếu quá 2%, thì tâu xin lưu lại; thiếu từ 1 phần 10 trở lên, cho hạn 6 tháng; thiếu từ 6% trở lên cho hạn 5 tháng; 2% trở lên cho hạn 3 tháng. Nếu trong hạn không làm đủ được thì cho ly chức. Ngoài hạn mà lương thiếu binh đủ hoặc ngược lại binh thiếu lương đủ thì tâu xin đợi chỉ. Cả hai đều thiếu thì định lại, không được thay nữa.

 

Trong cơ chế hoạt động của cấp phủ, huyện vấn đề chính sự, ban bố các lệnh dụ của triều đình, xét xử kiện tụng, quản lý dân đinh, thu thuế, bắt lính, trừ trộm cướp để yên  dân, luôn được coi trọng và xem đó là nhiệm vụ trung tâm của quan chức cấp phủ, huyện.

 

5. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY CẤP TỔNG, XÃ

 

5.1. Cấp tổng

 

Đầu  thế kỷ XIX, Gia Long cho thiết chế hệ thống chính quyền các cấp,  trong đó vẫn duy trì  đơn vị hành chính cấp tổng từ thời các chúa Nguyễn.

 

 Tổng là cấp trung gian giữa huyện và làng xã; đây là một biện pháp để triều đình can thiệp sâu hơn đối với đơn vị hành chính cấp cơ sở và cũng là để nâng cao năng lực thu thuế và thực hiện an ninh xã hội của hệ thống chính quyền nhà Nguyễn.

 

Dưới thời Gia Long, trấn Phú Yên có 2 huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa gồm 6 tổng, 2 thuộc.

 

Huyện Đồng Xuân có 3 tổng 1 thuộc:

 

Tổng Hạ, tổng Thượng, tổng Trung, thuộc Hà Bạc.

 

Huyện Tuy Hòa có 3 tổng 1 thuộc:

 

Tổng Hạ, tổng Thượng, tổng Trung, thuộc Hà Bạc.

 

Từ năm 1832- 1898, hai huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa gồm 7 tổng.

 

Huyện Đồng Xuân có 3 tổng:

 

Tổng Xuân Đài, tổng Xuân Sơn, tổng Xuân Vinh.

 

Huyện Tuy Hòa có 4 tổng:

 

Tổng Hòa Mỹ, tổng Hòa Bình, tổng Hòa Lạc, tổng Hòa Đa.

 

Cai tổng là người đứng đầu tổng, giúp việc có Phó cai tổng.

 

Năm 1822, theo lệnh của triều đình các địa phương từ Quảng Bình trở vào Nam từ Nghệ An trở ra Bắc mỗi tổng chỉ đặt một viên Cai tổng. Tổng nào có số đinh trên 5000 người, số điền trên 1000 mẫu, công việc nhiều, đường đi từ huyện lỵ đến tổng mất từ 2- 3 ngày trở lên thì mỗi tổng, ngoài viên Cai tổng còn đặt 1 viên Phó cai tổng.

 

 Dưới thời Gia Long, việc bổ nhiệm Cai tổng chọn trong số quan võ thăng bổ; đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), lại quy định: “chức Cai tổng về quy chế tùy thuộc ban võ, nhưng thực thì theo làm việc quan ở các phủ, huyện không liên quan đến việc quân, vậy từ nay trở đi, doanh trấn, các thành tâu xin bổ Cai tổng thí sai hoặc thực thụ, thì chuẩn bộ Lại xét định1.                                                          

 

(Còn nữa)

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

(1) Nội các triều Nguyễn,  Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch,Thuận Hóa, Tập II, tr.255.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek