Chủ Nhật, 22/09/2024 06:27 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 24/12/2010 07:00 SA

Lãnh binh chuyên trách về quân sự, coi quản binh lính dưới sự chỉ đạo của Tổng đốc.

Các quan chức hoạt động theo nguyên tắc:

 

Các quan Bố chánh, Án sát và Lãnh binh có công việc thì tâu, báo cho Tổng đốc biết rồi nhận nhiệm vụ thực hiện. Duy việc có quan hệ đến sự lợi hại của nhân dân mà ý kiến khác nhau hoặc bị quan trên (Tổng đốc, Tuần phủ) chèn ép thì cho đệ sớ niêm phong tâu báo thẳng về triều đình.

 

4. TỔ CHỨC VÀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG BỘ MÁY CẤP PHỦ, HUYỆN

 

4.1. Tổ chức

 

Để thực hiện cơ chế tập quyền và kiểm soát chặt chẽ các địa phương, triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều biện pháp tăng cường hơn nữa việc quản lý, tổ chức bộ máy cấp phủ, huyện.

 

- Cấp phủ: Năm 1826, triều đình đổi trấn Phú Yên làm phủ Phú Yên, đặt quan Tri phủ để trông coi. Phủ Phú Yên kiêm lý huyện Đồng Xuân, thống hạt huyện Tuy Hòa.

 

Năm 1831, đổi phủ Phú Yên làm phủ Tuy An.

 

Theo quy định năm 1831, phủ Tuy An nằm trong 20 phủ giản khuyết (phủ ít việc) của cả nước.

 

Ở phủ trung khuyết và giản khuyết, đặt một tri phủ kiêm quản một huyện (không đặt huyện thừa), mỗi huyện còn lại đặt một Tri huyện.

 

Phủ Tuy An thuộc diện giản khuyết kiêm lý huyện Đồng Xuân, thống hạt huyện Tuy Hòa. Do vậy, Tri phủ Tuy An kiêm quản huyện Đồng Xuân, còn huyện Tuy Hòa có đặt Tri huyện nhưng dưới quyền Tri phủ Tuy An. Địa danh hành chánh Phú Yên không còn được sử dụng.

 

Quan lại ở các phủ quy định:

 

Năm 1820, triều đình quy định mỗi phủ lúc này có 2 Đề lại và 8 Thông lại; đó là trường hợp phủ Phú Yên sau năm 1826 và phủ Tuy An năm 1831.

 

Năm 1832, bỏ phủ Tuy An, triều đình đặt tỉnh Phú Yên; tên gọi Phú Yên được khôi phục. Trực thuộc tỉnh Phú Yên có hai  huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

 

- Cấp huyện: Là cấp trực thuộc dinh, trấn, phủ (1802 - 1831); trực thuộc tỉnh từ năm 1832. Phú Yên dưới thời Nguyễn (1802 - 1884) có hai huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa.

 

Theo thống kê địa bạ Gia Long năm thứ 14- 15 (1815- 1816), trấn Phú Yên có hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, toàn trấn gồm: 6 tổng, 2 thuộc.

 

Huyện Đồng Xuân gồm 3 tổng, 1 Hà Bạc thuộc.

 

Huyện Tuy Hòa gồm 3 tổng, 1 Hà Bạc thuộc.

 

Ở cấp huyện, đứng đầu huyện là Tri huyện, giúp việc cho Tri huyện có các chức quan Đề lại, Thông lại.

 

Năm 1831, đặt phủ Tuy An kiêm lý huyện Đồng Xuân và thống hạt huyện Tuy Hòa. Do vậy, ở Đồng Xuân không đặt Tri huyện mà chịu sự quản lý điều hành của Tri phủ. Huyện Tuy Hòa đặt một  Tri huyện nhưng dưới quyền của Tri phủ Tuy An.

 

Sau năm 1832, hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa trực thuộc tỉnh Phú Yên, đứng đầu là Tri huyện.

 

Năm Tự Đức thứ 6 (1853), đặt đạo  Phú Yên quản lý hai huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa. Năm 1875, đặt lại tỉnh Phú Yên, tỉnh tiếp tục quản lý hai huyện Đồng Xuân, Tuy Hòa.

 

 Tri huyện là người thay mặt cho triều đình trực tiếp làm việc với làng xã, nên triều Nguyễn rất chú trọng đến chức quan này. Vua Gia Long cho rằng: “chức huyện lệnh là bậc thầy, bậc tướng của dân, có thể dùng người tẹp nhẹp được ư?”1 .

 

Năm 1802, quy định mỗi huyện đều 2 Đề lại, 8 Thông lại .

 

Năm 1813, định lại số lại dịch ở các huyện, mỗi huyện nha đặt 1 Đề lại, 2 Thông phán, 6 Chính sai, 50 Lệ dịch. Lệ dịch làm việc tại huyện được miễn phu dịch. Nếu mộ dân ngoại tịch làm lệ dịch thì được miễn 5/10 thuế thân.

 

 Năm 1813, theo lời tâu, triều đình chuẩn cho trấn Phú Yên, mỗi huyện đặt 1 Đề lại, 1 Thông lại, 6 Chính sai.

 

Năm 1831, triều đình lại quy định: Mỗi phủ, huyện đặt một Lại mục. Làm việc ở các huyện thì tùy nơi nhiều ít việc mà đặt các Thông lại cho tương ứng từ 8, 7, 6, 5 và 4.

 

Huyện Tuy Hòa 1 viên Lại mục và 5 Thông lại .

 

Tuy Hòa thuộc vào loại huyện vừa và ít việc.

 

Năm 1837, theo lời tâu triều đình chuẩn phân cho các huyện nào công việc vừa phải hay ít việc thì đặt 8 Thông lại như cũ.

 

Trong buổi đầu các chức quan ở huyện được bổ nhiệm chủ yếu theo tiến cử, từ thời Minh Mạng hầu hết các quan chức đứng đầu huyện đều được tuyển chọn qua thi cử.

 

Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), có chỉ dụ cho phép các cử nhân bổ làm Thự Tri huyện. Đối với các huyện quan trọng, triều đình bắt các tân Tri huyện trước khi đến địa phương nhậm chức phải trực tiếp yết kiến nhà vua để kiểm tra năng lực, nghe vua căn dặn; qua đó có thể biết được sức học, đức độ, phong thái của người sắp được bổ nhiệm làm Tri huyện.

 

 Vua Minh Mạng bảo rằng: “triều đình đặt quan chức, cốt ở được lòng người, bọn hèn kém đâu được lạm dự2.

 

Đối với cấp phủ, huyện, triều đình quy định về công đường sở tại như sau:  phủ, huyện nào có hai viên tri phủ- đồng tri phủ,  Tri huyện, huyện thừa thì sảnh đường hai bên tả, hữu (mỗi bên 3 gian 2 chái). Trường hợp còn lại như huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa của Phú Yên thì chỉ dựng một công đường, mặt trước là nơi làm việc, mặt sau để ở. Vuông góc với  công đường nơi làm việc của quan huyện, ở hai bên phía trước dựng hai nhà 3 gian 2 chái cho nha lại và thuộc lệ ở. Kỳ đài được xây dựng theo quy định chung chỉ khác nhau là cao hay thấp tùy theo quy mô phân cấp của huyện; xung quanh có đắp tường đất và mở cửa ra vào.

 

4.2. Cơ chế hoạt động

 

 Kế thừa tổ chức cấp phủ, huyện của các triều đại trước, triều Nguyễn quy định cơ chế hoạt động của phủ, huyện như sau:

 

 Ở phủ, Tri phủ giữ chính lệnh, chấn hưng giáo hóa, quân bình phú thuế sưu dịch, xét xử kiện tụng tuyên dương mệnh vua, quản trị các huyện thuộc trong phủ hạt, làm cho mọi nơi tin phục. Phủ Tuy An kiêm lý huyện Đồng Xuân nên giữ việc của huyện Đồng Xuân, đồng thời cai quản huyện Tuy Hòa.

 

 Ở huyện, Tri huyện giữ chính lệnh của một huyện, phụ trách sưu thuế, xét xử, chấn hưng phong hóa, tế thần linh, trừ trộm cướp, chăm lo đời sống của dân, để dân được an cư lạc nghiệp.

 

Đề lại, Thông lại giúp Tri huyện về việc thu tiền thóc, binh lương.

 

Trong cơ chế hoạt động của phủ, huyện rất coi trọng việc sử dụng ấn triện; đó là cơ sở pháp lý để xác định các văn bản của triều đình cũng là thể hiện vai trò chính quyền ở địa phương nên luôn được triều đình quan tâm:”Việc nhận giữ ấn triện phủ nào chỉ có tri phủ và đặt Tri huyện ở các huyện thống hạt thì đều nhận giữ ấn triện làm việc3.                      

 

(Còn nữa)

------------------

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch,Giáo Dục, 2004, Tập I, tr. 740.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch,Giáo Dục, 2004, Tập V, tr. 391.

3.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch,Giáo Dục, 2004, Tập  III, tr. 439.

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek