Chủ Nhật, 22/09/2024 06:37 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 23/12/2010 07:01 SA

Trong cải cách hành chính năm 1832, vua Minh Mạng đã khôi phục lại tổ chức giám sát các khoa, các đạo ; thành lập cơ quan giám sát gọi là Đô Sát Viện ở triều đình do nhà vua trực tiếp điều hành. Cơ quan này gồm:

 

Tả, Hữu Đô Ngự Sử, tương đương với Thượng thư.

 

Tả, Hữu phó Đô Ngự Sử, tương đương với Tham tri.

 

Giám sát Ngự Sử đạo phụ trách giám sát việc hoạt động của quan lại và sự vận hành của bộ máy hành chính địa phương.

 

 Xem xét về cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước cấp tỉnh thời Minh Mạng đã thể hiện một bước tiến lớn so với các giai đoạn trước đó. Tổ chức này vừa quản lý chặt chẽ các địa phương, vừa tăng quyền cho trung ương nhằm xây dựng một cơ chế quân chủ chuyên chế tập quyền cao độ.

Sau khi thiết lập đơn vị hành chính cấp dinh (trấn) Phú Yên, lỵ sở đóng tại làng Hội An về sau đổi tên là làng Hội Phú (nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An). Làng Hội Phú có 5 xóm: Phú Thọ, Phú Thạnh, Phú Xuân, Phú Thành (tức xóm Thành Cũ) và Phú Quý; xóm Thành Cũ được chọn làm nơi đặt thủ phủ chính quyền phong kiến của dinh Phú Yên từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1629) nay được triều Gia Long tiếp tục chọn làm nơi trấn trị của dinh - trấn Phú Yên.  Dinh Phú Yên ở xóm Thành Cũ nay rải rác còn ít dấu tích nằm cạnh sông Bình Bá (tên một đoạn sông Cái). Do thành ở xóm Thành Cũ bị thấp lụt và đất chật nên năm 1836, tỉnh lỵ Phú Yên được chuyển về thôn Long Uyên thuộc tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân cách Thành Cũ hơn 2 km về phía tây - bắc (nay là thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An). Thôn An Thổ được tách ra từ Long Uyên và tỉnh lỵ Phú Yên đóng ở  địa phận thôn An Thổ.

 

Theo Đại nam thực lục : Bính Thân, Minh Mạng thứ 17 (1836), “ dời dinh Phú Yên ra chỗ khác (ở địa phận thôn Long Uyên, huyện Đồng Xuân, cách lỵ sở cũ hơn 560 trượng. Bốn mặt thành đều dài 60 trượng, thân thành cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 tấc)1.

 

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “thành có chu vi 333 trượng, cao 8 trượng linh, mở 4 cửa, ngoại thành có hào, ở thôn Long An huyện Đồng Xuân, thành đất đắp từ Minh Mạng thứ 19 (1838)”2 .

 

Qua khảo sát  di tích thành An Thổ, cho thấy vị trí thành  ở trung tâm thôn An Thổ, nằm giữa sông Cái và sông Vét. Mặt tiền quay về hướng Đông, mặt Nam cách sông Phú Ngân (nhánh của sông Cái) khoảng 400m, mặt Bắc cách sông Vét  khoảng 150m, gồm có Thành Ngoại và Thành Nội được hệ thống  chiến hào bao quanh rộng từ 10-15 mét, có nơi rộng đến 30 mét, sâu khoảng 3 mét; bên trong là ở vào vị trí trung tâm của khu thành, nơi đặt công đường làm việc của bộ máy quan lại.

 

Với bộ máy cai trị được quân sự hóa và một tòa thành mang tính phòng thủ vững chắc chứng tỏ nhà Nguyễn rất coi trọng chính quyền địa phương; quan tâm đến phòng thủ và chiến đấu của các dinh - trấn - tỉnh của chính quyền cấp tỉnh nhằm đảm bảo cho sự vận hành có hiệu quả của bộ máy cai trị đã thể hiện trong cơ chế hoạt động của bộ máy Nhà nước tại Phú Yên trong thế kỷ XIX.

 

3. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY CẤP TỈNH (1802 -1884)

 

1. Từ năm 1802 - 1831

 

Trong giai đoạn từ năm 1802 - 1831, đứng đầu bộ máy nhà nước ở dinh Phú Yên là Lưu thủ, đến năm 1808 đổi dinh làm trấn, đứng đầu là Trấn thủ. Đó là các võ quan kiêm nhiệm phụ trách việc quân dân sự vụ tại địa phương.

 

Giúp việc cho Lưu thủ có Cai bạ và Ký lục; hai chức quan này đến năm 1827 đổi làm Hiệp trấn và Tham hiệp. Hiệp trấn và Tham hiệp là chức quan văn, quản lý hai ty Tả thừa và Hữu thừa.

 

Hai ty Tả thừa và Hữu thừa quản lý, đảm nhận các hoạt động chuyên ngành làm tham mưu cho quan Trấn thủ Phú Yên. Hai ty này phụ trách 6 phòng tương ứng theo ngành dọc 6 Bộ của triều đình Huế.

 

Phòng Lại: coi giữ việc chính sự, chỉnh đốn quan chức, định ngạch về quan văn tại địa phương.

Phòng Hộ: giữ việc sổ sách, tiền lương, thuế lệ, thu phát, vận tải.

 

Phòng Lễ: giữ việc tế lễ, nghi chế, giáo dục thi cử, ngoại giao...

 

Phòng Binh: phụ trách về quân sự, an ninh, kiểm điểm quân số, đốc thúc việc binh, tuyển chọn và cấp phát binh lính, kiểm tra bến đò cửa ải, chạy trạm dịch.

 

Phòng Hình: giữ việc hình án, kiện tụng, tra xét.

 

Phòng Công: xây dựng cầu cống, đường sá, sông ngòi, đê điều, quản lý  vật liệu xây dựng, thợ thuyền.

 

2. Từ năm 1832 – 1884

 

Sau năm 1832, triều đình bãi bỏ ba chức danh đứng đầu tỉnh là Trấn thủ, Hiệp trấn,Tham hiệp thay bằng Tổng đốc, Tuần phủ và các thuộc quan Bố chánh, Án sát, Lãnh binh, Đốc học. Hai ty Tả thừa và Hữu thừa cũng bị bỏ, không còn 6 phòng chuyên trách theo 6 bộ của chính quyền trung ương. Công việc của tỉnh nay tập trung vào việc thuế khóa, hình án, quân sự, giáo dục.

 

Tổng đốc giữ việc cai trị quân dân, đứng đầu các quan văn võ trong liên tỉnh Bình Phú, khảo hạch các quan, giữ gìn an ninh, sửa sang bờ cõi3.

 

Tuần phủ giữ việc tuyên bố đức ý của triều đình, vỗ về nhân dân, coi giữ các việc chính trị, giáo dục, mở điều lợi, bỏ điều hại. Trên thực tế ở Phú Yên không có chức quan Tuần phủ.

 

Bố chánh giữ việc thuế khóa, tài chính, nội an, tuyên đạt chính lệnh của triều đình.

 

Án sát giữ việc hình án, xét xử, chấn hưng phong hóa kỷ cương, thanh trừng quan lại vi phạm, kiêm coi bưu trạm.

 

Khi có việc trọng sự (giặc cướp, cướp biển), hai ty Bố chánh, Án sát  bàn bạc với Tổng đốc để thống nhất thực hiện nhiệm vụ.

 

(Còn nữa)

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

 

1.Đại Nam thực lục, bản dịch,Giáo Dục, 2004, Tập VI, tr. 997.

2. Đại Nam nhất thống chí, Bản dịch, Thuận Hóa, Tập III, tr. 66.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek