Chủ Nhật, 22/09/2024 06:25 SA
Phú Yên - thế kỷ XIX(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 21/12/2010 13:00 CH

 

2. Giai đoạn 1832 - 1884:

 

Dưới triều Minh Mạng, nhà vua cho thực hiện công cuộc cải cách hành chính từ trung ương đến các địa phương theo chiều hướng tập trung quyền lực cho triều đình ở kinh đô Huế đứng đầu là nhà vua. Trong đó có việc bãi bỏ cơ chế phân quyền Bắc Thành (1831) và Gia Định Thành (1832). Triều đình Huế trực tiếp nắm lấy các tỉnh. Từ đó, chính quyền địa phương được tổ chức và vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước.

 

Sau khi giải thể Bắc Thành, thành lập 18 tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc thành công, Minh Mạng cho tiến hành cải cách hành chính các tỉnh ở phía nam kinh đô từ Quảng Nam trở vào. Nhà vua ban lệnh:

 

 Việc chia hạt đặt quan ở Bắc Kỳ, hiện đã quy định xếp đặt thi hành rồi, vậy Nam Kỳ từ Quảng Nam đến Gia Định cũng nên theo các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc, đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát và Lãnh binh để tổ chức thống nhất1.

 

 Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ cấp Gia Định Thành, bỏ các tên gọi dinh, trấn trước đây, thành lập 12 tỉnh từ Quảng Nam trở vào trực thuộc kinh đô Huế. Công việc cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở chỗ thay đổi tên gọi cấp tỉnh và các chức danh phụ trách chính quyền địa phương mà còn bỏ các ty, phòng cũ thành lập một hệ thống chính quyền mới với quyền lực lớn hơn và nhân sự cũng nhiều hơn.

 

Ở Phú Yên vào năm 1831, triều đình đổi phủ Phú Yên làm phủ Tuy An cho thuộc vào trấn Bình Định. Nay lập tỉnh Phú Yên trực thuộc triều đình Huế trong  cơ chế liên tỉnh Bình Định - Phú Yên, gọi tắt là Bình Phú, đứng đầu liên tỉnh là Tổng đốc - quan đại thần của triều đình được cử về trấn nhậm các địa phương. Quan Tổng đốc Bình Phú đóng ở tỉnh Bình Định, kiêm quản chức Tuần phủ của tỉnh Phú Yên. Tổng đốc có hàm Chánh nhị phẩm, thường lấy Thượng thư, Đô thống, Thống chế bổ nhiệm.

 

Giúp việc cho Tổng đốc, ở Phú Yên có các quan Bố chánh, quan Án sát và Lãnh binh.

 

 Sau cải cách hành chính, các chức danh đứng đầu trấn trước đây là Trấn thủ, Hiệp trấn, Tham hiệp đều bị bãi bỏ; hai ty Tả thừa và Hữu thừa cũng bị bỏ, thay vào đó các cơ quan Bố chánh, Án sát, Lãnh binh. Bố chánh sứ hay còn gọi là ty Phiên do Bố chánh đứng đầu, Án sát sứ còn gọi là ty Niết do Án sát đứng đầu; 6 Phòng trực thuộc hai ty Tả thừa và Hữu thừa theo ngành dọc của 6 bộ ở triều đình cũng đều bị bỏ.

 

Ty Bố chánh sứ (ty Phiên): gồm có Thông phán, Kinh lịch đều 1 viên, chánh Bát phẩm Thư lại 2 viên, Chánh Cửu phẩm thư lại 3 viên, Vị nhập lưu thư lại 30 người.

 

Ty Án sát sứ (ty Niết): gồm có Thông phán, Kinh lịch đều 1 viên, Chánh bát phẩm thư lại 1 viên, Chánh cửu phẩm thư lại 2 viên, Vị nhập lưu thư lại 20 người2.

 

Lấy kinh sư làm trung tâm, năm 1834 Minh Mạng đặt ra cơ chế Trực và Kỳ để bảo vệ kinh đô.

Tả trực gồm hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi,

 

Hữu trực gồm hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình,

 

Tả kỳ gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận,

 

Hữu kỳ gồm các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa,

 

Nam kỳ gồm 6 tỉnh miền Nam (thuộc Gia Định Thành cũ),

 

Bắc kỳ gồm 13 tỉnh miền Bắc (thuộc Bắc Thành cũ).

 

Năm 1838, do yêu cầu tinh giản bộ máy cai trị nên triều đình quy định hàng Thư lại của tỉnh Phú Yên như sau:

 

Ty Phiên: 2 Bát phẩm thư lại, 3 Cửu phẩm thư lại, 20 Vị nhập lưu thư lại.

 

Ty Niết: 1 Bát phẩm thư lại, 2 Cửu phẩm thư lại, 12 Vị nhập lưu thư lại.

 

Tỉnh Phú Yên, vào năm 1853, triều đình Tự Đức đổi làm đạo, bởi đây là 1 tỉnh nhỏ muốn giảm quan, bớt việc. Khi tỉnh Phú Yên đổi làm đạo Phú Yên, thì nơi đây đặt một quan cai trị gọi là Quản đạo, trực thuộc tỉnh Bình Định.  Năm 1859, triều đình đặt thêm chức Tuyên phủ sứ tại đạo Phú Yên. Năm 1863, để giúp việc cho quan Quản đạo triều đình đặt thêm chức Phó Quản đạo ở Phú Yên, hàm chánh ngũ phẩm, đặt thêm Bát, Cửu phẩm thư lại (2 người); 16 người là Vị nhập lưu thư lại (cũ 10 người, mới 6 người) để giúp việc3.

 

 Quản đạo Phú Yên kiêm lý hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

 

Năm 1875, đạo Phú Yên lại được nâng lên làm tỉnh Phú Yên. Tổ chức bộ máy cai trị lúc này các chức quan đều có tên gọi như cũ. Phú Yên là một tỉnh nhỏ nên chỉ đặt 1 Bố chánh, 1 Án sát để giúp việc cho Tổng đốc và điều hành mọi hoạt động của hai ty Bố chánh và Án sát. Tổng đốc Bình Phú đóng tại Bình Định.

 

 Sau khi đổi phủ Tuy An thành tỉnh Phú Yên (1832) các cơ quan chuyên trách vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, mặc dù có sự thay đổi về danh xưng.

 

Ty Lễ sinh: có một Tự thừa và 12 Lễ sinh, Ty Chiêm hậu: có 1 Linh đài lang, 5 Vị nhập lưu thư lại, Ty Lương y: 1 Chánh Cửu phẩm Y Sinh, 5 Y thuộc.

 

Trong bộ máy cai trị cấp tỉnh còn có quan Lãnh binh phụ trách về quân sự, an ninh và quan Đốc học phụ trách việc học hành thi cử.

 

Năm Tự Đức 18 (1865), triều đình đặt Nha Doanh điền tại Phú Yên.

 

Như vậy, từ những phân tích trên ta có thể hình dung bộ máy hành chính cấp tỉnh được thiết lập theo sơ đồ sau:    

 

b101221.jpg

 

Phó Giáo sư ĐỖ BANG

 

(1) Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, Giáo Dục, 2004, (5 tập), Tập III, tr. 392-393.

(2) Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, bản dịch, Thuận Hóa, Tập II, tr. 170.

(3) Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, bản dịch (38 tập),Tập 30, KHXH, 1974, tr.65.           

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek