LST: Thế kỷ XIX đối với Phú Yên là thời kỳ phát triển mọi mặt trong khuôn khổ của chế độ quân chủ Việt
Thế kỷ XIX, mang đầy đủ tầm vóc về sự trưởng thành của tỉnh Phú Yên so với các thế kỷ trước đó, thế kỷ bản lề cho sự phát triển kinh tế-xã hội và phong trào yêu nước - cách mạng của thế kỷ XX. Di sản lịch sử của Phú Yên vào thế kỷ XIX vẫn còn lưu dấu đậm nét trong cuộc sống hôm nay.
Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu kết quả nghiên cứu “Phú Yên - thế kỷ XIX” của các nhà khoa học, với sự mở đầu của Phó Giáo sư Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: “Tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước ở Phú Yên thời tự chủ (1802-1884)”.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ MÁY NHÀ NƯỚC Ở PHÚ YÊN THỜI TỰ CHỦ (1802-1884)
1. GIAI ĐOẠN 1802- 1831
Sau khi lên ngôi (1802), Gia Long xây dựng kinh đô Huế, lợi thế của vùng đất nằm ở vị trí trung độ trong việc quản lý lãnh thổ và dân cư sau khi đất nước đã được thống nhất. Gia Long và tiếp theo là Minh Mạng ngày càng hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước từ trung ương đến địa phương theo hướng tập quyền của chế độ quân chủ chuyên chế mang tính độc tôn của dòng họ cầm quyền.
Buổi đầu Gia Long thực hiện cơ chế phân quyền cho Bắc Thành trực tiếp cai quản 11 trấn phía bắc (Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái nguyên, Quảng Yên, Lạng Sơn, Hưng Hóa) và Gia Định Thành gồm 5 trấn ở phía nam (Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên). Minh Mạng duy trì cơ chế phân quyền này cho đến năm 1831 đối với Bắc Thành và năm 1832 đối với Gia Định Thành. Năm 1832, triều đình Huế trực tiếp quản lý 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên, trong đó có tỉnh Phú Yên.
Cơ chế phân quyền trong bộ máy Nhà nước thời Nguyễn giai đoạn 1802- 1831 mang tính chất quá độ để đi đến hoàn chỉnh bộ máy trung ương tập quyền trong giai đoạn sau mà nhiều người gọi là cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng.
Đối với khu vực miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Bình Thuận, ban đầu triều Nguyễn sử dụng các đơn vị hành chính địa phương và chức danh quản lý được đặt từ thời các chúa Nguyễn gọi là dinh.
Dinh Phú Yên, tên gọi này bắt đầu từ năm 1802 đến năm 1808 đổi làm trấn Phú Yên. Năm 1826, đổi trấn Phú Yên làm phủ Phú Yên và năm 1831, đổi phủ Phú Yên làm phủ Tuy An cho thuộc vào trấn Bình Định.
Trong buổi đầu, triều đình Huế đặt chức Lưu thủ đứng đầu dinh Phú Yên, giúp việc cho Lưu thủ có Cai bạ và Ký lục.
Năm Gia Long thứ 2 (1803), lấy Lê Văn Vạn làm Lưu thủ Phú Yên.
Năm 1808, triều đình cho đổi danh xưng làm trấn Phú Yên, quan phụ trách trấn được gọi là Trấn thủ.
Năm 1827, Minh Mạng đổi chức Cai bạ, Ký lục làm Hiệp trấn và Tham hiệp để cai quản phủ Phú Yên.
Bộ máy quan lại cai trị dinh Phú Yên vào năm Gia Long thứ nhất (1802) đặt các chức Cai án, Tri bạ, ty Xá sai, ty Tướng thần lại.
Năm Gia Long thứ 3 (1804), đổi hai ty Xá sai và Tướng thần lại làm 2 ty Tả thừa và Hữu thừa.
Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều đình chuẩn định Hữu thừa ty và Tả thừa ty ở các dinh - trấn và các ty thuộc lại các đạo, quy định số nhân viên phẩm trật có khác nhau, 2 ty Tả và Hữu thừa ty chia làm 6 phòng.
Tả thừa ty có 3 phòng: Lại, Binh, Hình.
Hữu thừa ty có 3 phòng: Hộ, Lễ, Công.
Theo quy định đó (1808), Phú Yên được xếp hạng vào các trấn loại II, có bộ máy Nhà nước và tổ chức nhân sự như sau:
![]() |
Bộ máy Nhà nước và nhân sự của Phú Yên theo quy định năm 1808 có 117 thành viên làm việc trong hai ty Tả thừa và Hữu thừa. Trong bộ máy cai trị này có sự ưu tiên đặc biệt cho phòng Hình và phòng Hộ với số quan lại là 27 người; cho thấy triều đình rất chú trọng việc xét xử hình án và phát triển kinh tế, tài chính ở các địa phương.
(Còn nữa)