Chủ Nhật, 22/09/2024 06:33 SA
Phú Yên với “Mười điều nước lấy dân làm gốc” của nhà Tây Sơn
Thứ Sáu, 17/12/2010 07:30 SA

Phong trào Tây Sơn bùng nổ mùa xuân năm 1771 từ rừng núi Tây Sơn thượng đạo và được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân nên đã nhanh chóng giành thắng lợi, chính quyền họ Nguyễn bị lật đổ từng mảng lớn. Đến năm 1776, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn vương, phong cho Nguyễn Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Lữ là Thiếu phó, đóng đô ở thành Đồ Bàn.

 

Sau khi tiêu diệt quân đội họ Nguyễn và hai vị chúa cuối cùng là Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương ở Gia Định, ngày rằm tháng 8 năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thái Đức, đổi thành Đồ Bàn làm thành Hoàng Đế và cắt đặt quan lại, thiết lập hệ thống triều chính mang dáng dấp của một nhà nước phong kiến. Để ổn định chính quyền, bên cạnh việc thay đổi về hành chính, thuế khóa, quản lý kinh tế - xã hội, Nguyễn Nhạc cho thực thi chủ trương “nước lấy dân làm gốc”(quốc dĩ dân vi bản), làm cơ sở tồn tại của triều đại Tây Sơn khi mới thành lập. Chủ trương này phản ánh tính chất của phong trào Tây Sơn là phong trào nông dân- lực lượng đông đảo, to lớn trong khối quảng đại quần chúng cách mạng tham gia khởi nghĩa và là lực lượng quyết định thắng lợi trong suốt quá trình tồn tại của triều Tây Sơn. Thắng lợi nhanh chóng của cuộc khởi nghĩa nhờ vào sự tham gia, ủng hộ to lớn của nhân dân, do đó nhà nước Tây Sơn muốn tồn tại phải lấy dân làm gốc, mọi chính sách phải phục vụ nhân dân, đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu.

 

Sau khi ổn định tình hình kinh tế - xã hội ở Phú Yên, từ năm 1778, vua Thái Đức cho thực hiện Mười điều nước lấy dân làm gốc (Thập điều quốc dĩ dân vi bản)(*). Đây là bản huấn dụ thể hiện tính chất tiến bộ của nhà nướcTây Sơn trong việc chăm lo đời sống nhân dân, coi đó là kế sách xây dựng đất nước bền vững. Phần mở đầu, bản huấn dụ nêu mối quan hệ hữu cơ giữa “dân” và “nước”:

 

Kể từ thuở dân ta lập nước

Nước có dân mới gọi là nước

Dân có nước mới được sanh tồn

…Nhà Tây Sơn cũng do Kinh-Thổ cố kết thành

Muốn xã hội công bằng thực nghiệp đại hanh thông

Trước hết phải thực thi “Thập điều quốc dĩ dân vi bản”.

 

Trong Điều thứ nhất, bản huấn dụ”Thập điều quốc dĩ dân vi bản” nhấn mạnh giai cấp cầm quyền phải tin tưởng ở lòng dân (Tín dân tâm), quan chức nhà nước phải là công bộc của nhân dân: “Vua quan, tướng sĩ vừa là phụ mẫu chi dân, vừa là nô bộc chi dân tức là thay mặt cho dân cả nước cũng như cha mẹ thay mặt con cái trong gia tộc mà điều hành mọi công việc trọng đại của quốc gia. Nhưng đó là thay mặt toàn dân làm theo ý nguyện, quyền lợi của nhân quần xã hội cho tốt, vì vậy phải cúc cung tận tụy với công vụ do dân giao cho như người đầy tớ (nô bộc) của dân vậy. Chớ không phải lạm dụng bốn chữ “phụ mẫu chi dân” mà hà hiếp hãm hại dân, hay xuôi theo dân không phải, không đúng ắt dẫn đến chỗ sai lầm và bại vong cho cơ đồ của nước nhà. Mà chỉ có tin tưởng vào dân tình, dân trí và dân lực thì mọi việc lớn lao và khó khăn tới đâu cũng có thể làm tốt được cả”.

 

Điều thứ hai, huấn dụ nêu rõ nhà cầm quyền phải nhớ, nghĩ đến tình cảm của dân (tư dân tình), sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình với dân: “Nước với dân cũng như cá với nước, hễ nước khô thì cá chết. Mà người đại diện cho dân ngày nay là nhà nước Tây Sơn ta. Trong nhà nước này gồm có vua quan, tướng sĩ, lại viên (nhân viên thừa hành công vụ) đều từ dân mà ra, thay mặt cho dân làm những công vụ do dân, vì lợi ích của quân dân Kinh-Thổ từ ngày dấy nghĩa đến việc “canh tân thực nghiệp đại hanh thông”. Cho nên mọi người trong nhà nước Tây Sơn phải luôn luôn nhớ đến tình nghĩa của dân và ăn ở cho trọn tình nghĩa với dân, tức là non sông nòi giống vậy”.

 

Điều thứ ba, quan chức nhà nước phải biết lắng nghe ý nguyện, những lời đề đạt của nhân dân (thính dân nguyện) để có cơ sở giải quyết công việc, phục vụ ngày càng tốt hơn cho dân: “Bất kỳ lúc nào, ở đâu từ triều hội đến các nha môn, doanh trại, đình làng đều phải định ngày gặp dân để góp ý, đề đạt nguyện vọng của mình. Người nghe phải tiếp nhận nghiêm trang, sử dụng đúng mực, lý giải rõ ràng những điều họ chưa hiểu hay nghe sai, không được bài bác, trù dập hay thù oán họ”.

 

Điều thứ tư, hoạt động của bộ máy nhà nước phải do dân kiểm soát, giám sát thường xuyên (thọ dân kiểm), có như vậy mới tránh được sai lầm, tổn thất và đội ngũ quan lại ngày càng tiến bộ hơn và được nhân dân tin yêu: “Việc làm của vua, quan, tướng, sĩ ta là do dân nghị luận, hợp dân tình, thuận dân lợi. Cho nên mọi việc phải để cho dân kiểm biện, sát hạch thường xuyên mới tránh được sai lầm, tổn thất; thấy sai đâu sửa liền đó, không để kéo dài trầm trọng: nhỏ thành to, ít thành nhiều, hại càng lớn thì có sửa cũng là việc đã rồi, càng thêm tổn hại mà thôi. Cũng qua việc dân kiểm đó, giúp cho những người đương quyền thêm ý hay, điều tốt gọi là “nghiêm phương” cho công vụ xuôi thuận tốt hơn và bản thân tiến bộ bặt thiệp hơn, thì dân càng tin, càng phục, càng yêu. Chớ chẳng hề mất mát hư hại cái gì”.

 

Điều thứ năm, mọi chủ trương, chính sách liên quan đến đất nước, quyền lợi nhân dân nên công khai cho dân góp ý, biện luận (giao dân biện), bổ sung cho hoàn chỉnh: “Mọi việc về quốc kế dân sinh đều phải đưa cho toàn thể quân dân Kinh-Thổ biện luận thẳng thắn công tâm. Hễ điều nào đúng và có lợi thì bổ sung vào điểm còn khiếm khuyết đã ban hành. Và, dân có thông thì hành mới tốt, mới đến nơi đến chốn, phần ta cũng bớt ôm đồm, bao biện nhức cả óc, nặng cả đôi vai, căng cả bụng, mà cũng không sao lo liệu cho xuể”.

 

Điều thứ sáu, chính quyền phải kiểm tra, đốc thúc, xem việc thi hành các chủ trương chính sách của nhà nước trong dân (thị dân hành), kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái: “Công vụ đã giao cho dân biện luận và hành động rồi, nhưng không phải chỉ phó cho họ làm đến đâu hay đến đấy, được chăng hay chớ, hoặc nói một đường làm một nẻo. Thì dù chủ xướng có đúng đến mấy cũng hóa thành sai, hay đến mấy cũng trở nên dở. Cho nên kiểm tra, đôn đốc, thúc giục dân ta làm cho mau, cho đúng, cho tốt mới đặng”.

 

Điều thứ bảy, chăm lo bảo vệ an ninh, sửa sang cầu đường, giúp dân ổn định nhà cửa, cuộc sống là trách nhiệm của chính quyền nhà nước (an dân cư): “Đời thường nói:”có an cư mới lạc nghiệp và kiến tạo quốc gia”. Cho nên bất kỳ ở đâu, tất cả toàn dân Kinh-Thổ đều phải kết tổ thành đội dân phòng, dân vệ hay tổ tự quản cộng với quan quân đóng tại đó hợp thành sự yên vui của xóm làng, buôn sóc, phường ấp cho nghiêm ngặt.

 

Mỗi gia tộc hay già làng cần phải gộp các gia thành liên gia với gia trưởng, tộc trưởng hay liên gia trưởng để nhắc nhở, đốc thúc nhau họp cùng các tổ chức canh phòng, bảo vệ cho tốt. Không những vậy, tùy theo hoàn cảnh thực tế từng nơi, cộng với sự hỗ trợ của quan quân tại chỗ mà lo sửa sang hay kiến trúc cầu đường, đê đập, cơ cấu phòng ốc cho dân nhờ. Ai có tiền thì mua sắm vật dụng cần thiết cho việc làm đó, còn công cán thì phường hội, tổ đội, quan quân giúp đỡ. Người quá nghèo thì dùng công lực, công vật, công quỹ giúp đỡ, mà làm cho tốt. Quyết không để ai phải chịu cảnh nhà dột, cột xiêu, không chỗ trú thân- là có tội”. 

 

(Còn nữa)

Tiến sĩ  ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek