Chủ Nhật, 22/09/2024 06:33 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 15/12/2010 08:00 SA

* Nguyễn Ký Chiêu: là người mở đầu chi phái họ Nguyễn ở vùng đất Đồng Cọ, Phú Yên, và là một võ tướng tài giỏi, có nhiều đóng góp trong phong trào Tây Sơn.

 

nt-ho-nguyen101215.jpg

Nhà thờ họ Nguyễn, chi phái Mỹ Hòa, Phú Yên – nơi thờ tự Nguyễn Ký Chiêu. - Ảnh: do Nguyễn tộc cung cấp

 

Nguyễn Ký Chiêu sinh năm Ất Dậu (1765) là con của Nguyễn Ký Sanh-Phó Viện trưởng Viện tu chính nhà Tây Sơn triều Nguyễn Nhạc. Từ thuở nhỏ, ông được theo học tại Liên Chiểu học xá (huyện Mộ Đức, phủ Quảng Nghĩa) nên văn, võ đều tinh thông. Đặc biệt, ông giỏi nhất là các môn võ của trường phái Thiếu Lâm, mỗi lần biểu diễn đều đem lại sự thán phục sâu sắc cho người xem. Khi ra trận, ông sử dụng “tuyệt kỹ Thiếu Lâm tự” làm cho kẻ thù kinh hồn bạt vía.

 

Mặc dù tuổi còn trẻ, nhưng Nguyễn Ký Chiêu sớm tham gia nghĩa quân Tây Sơn. Sau khi làm chủ một vùng rộng lớn từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận, Tây Sơn tổ chức các cuộc hành quân vào Gia Định quyết tiêu diệt lực lượng chúa Nguyễn. Trong những lần đánh Gia Định, Nguyễn Ký Chiêu tham gia tùng chinh với các tướng lĩnh đàn anh như Châu Hữu Mỹ, Nguyễn Văn Chiến, Huỳnh Văn Thuận, Đặng Sĩ Nguyên (cùng học ở Liên Chiểu học xá) và lập nhiều chiến công. Trong trận đánh tiêu diệt quân Xiêm-la ở Rạch Gầm-Xoài Mút năm 1885, ông tham chiến trong đội quân của Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, tổ chức mai phục chém bay đầu tướng Xiêm-la là Lục Côn. Thấy chủ tướng bị giết, quân Xiêm rối loạn, một số nhảy bừa xuống sông chết đuối, số còn lại ùa vào rừng dừa nước bị quân Tây Sơn diệt sạch. Kết thúc trận đánh, cả quân thủy và quân bộ của Xiêm bị đánh tan tác. Lúc đi hơn 5 vạn, khi trở về chỉ mươi ngàn lục quân và vài ngàn thủy quân.Từ đó quân Xiêm sợ nghĩa quân Tây Sơn như sợ cọp (1).

 

Sau khi quét sạch quân Xiêm, đuổi Nguyễn Ánh ra khỏi nước, Nguyễn Huệ giao đất Gia Định cho hai tướng Trương Văn Đa, Đặng Văn Trấn trấn thủ và rút lực lượng Tây Sơn về Quy Nhơn. Vua Thái Đức tặng thưởng cho các tướng lập công lớn trong chiến dịch này như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân. Nguyễn Ký Chiêu được phong chức tổng quản, đảm nhận việc chỉ huy đội quân túc trực bảo vệ vua Thái Đức tại kinh thành Hoàng đế. Đến lúc này, hai cha con của Nguyễn Ký Chiêu được nhà Tây Sơn giao nắm giữ những chức vụ trọng yếu của triều đình- một người bảo vệ an nguy của nhà vua, một người đảm nhận việc biên soạn các bản huấn dụ giúp vua cai trị đất nước (2). Vợ của Nguyễn Ký Chiêu là nữ Đề đốc Lê Thị Mỹ Trinh (con gái của Đại Đô đốc Lê Văn Hưng ở vùng Bầu Sấu, Kiên Dõng, huyện Tuy Viễn) đảm nhận việc làm nón lá cho quan quân Tây Sơn (3).

 

Tháng 5-1786, vua Thái Đức biết được tình hình Thuận Hóa phòng bị sơ hở qua tướng chúa Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh vừa mới quy thuận, liền sai Nguyễn Huệ làm Tiết chế, Võ Văn Nhậm làm Tả quân đô đốc, Nguyễn Văn Lộc làm Thủy quân đô đốc cùng Nguyễn Lữ hộ tống thủy binh tiến ra đánh Thuận Hóa. Bằng kế ly gián nội bộ hai tướng họ Trịnh là Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể, quân Tây Sơn nhanh chóng hạ được thành Phú Xuân, chiếm trọn đất Thuận Hóa. Sau đó, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, giúp vua Lê ổn định lại triều chính sau 200 năm bị họ Trịnh hiếp đáp. Khi tin Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc mà không bẩm báo, sợ sinh biến, Nguyễn Nhạc liền đem theo 500 nhuệ binh, ngày đêm đi thẳng ra Thăng Long. Dọc đường vua Thái Đức bị toán cướp Chưởng Tấn và bọn thảo khấu tìm cách ám hại đều nhờ vào đội quân túc vệ do Nguyễn Ký Chiêu chỉ huy nên được an toàn (4).

 

(còn nữa)

 

-----------------------------

(1) Dẫn theo Tạ Chí Đại Trường (2007)-Việt Nam thời Tây Sơn-Nxb.Công an nhân dân, tr.144.

(2) Nguyễn Ký Sanh làm việc tại Viện tu chính triều Thái Đức chuyên soạn thảo chiếu chỉ, huấn dụ liên quan đến việc trị nước.

(3) Bình Định nổi tiếng với nón lá chợ Gò Găng, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn bắt đầu từ thời Tây Sơn.

(4) Đến Nghệ An, Nguyễn Nhạc gặp toán cướp Chưởng Tấn vốn là bộ hạ của viên trấn thủ tại đây bị Tây Sơn tiêu diệt, nên chúng giả danh ăn mày, vờ nhờ sự giúp đỡ rồi ra tay chém nhà vua. Khi ra Thanh Hóa, thuyền của nhà vua đến giữa sông thì bị bọn thảo khấu lặn nước đâm thủng đáy khiến thuyền bị chìm.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek