Chủ Nhật, 22/09/2024 06:39 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 14/12/2010 14:00 CH

Trong công trình Toàn Nhật Quang Đài toàn tập, GS. Lê Mạnh Thát đề cập nhiều chi tiết quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ văn của thiền sư Toàn Nhật. Căn cứ vào long vị tìm thấy ở chùa Phổ Quang xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định bước đầu xác định năm sinh và mất của Toàn Nhật: sinh ngày 10/12/1757, mất ngày 14/5/1834. Toàn Nhật xuất gia năm 30 tuổi tại chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng) huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thầy của Toàn Nhật là thiền sư Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm. Trước khi xuất gia, Toàn Nhật đã từng tham gia triều đình Tây Sơn. Về sau, ông trụ trì tại chùa Viên Quang (gần chợ Đèo), huyện Đồng Xuân cho đến khi qua đời. Ông là vị thiền sư nổi tiếng ở Nam Trung bộ thời bấy giờ, long vị của ông được thờ tự ở nhiều chùa từ Phú Yên đến vùng Thừa Thiên. Về sáng tác thơ văn, GS. Lê Mạnh Thát khẳng định tập Hứa sử truyện vãn và nhiều tác phẩm khác như Tam giáo nguyên lưu ký, Tống Vương truyện, Lục tổ truyện diễn ca, Bát nhã đạo quốc âm vãn, Tham thiền vãn, Thiền cơ yếu ngự vãn, Giới hành đồng từ, Khuyến tu hành quốc ngữ phú, Thơ bà vãi, Phá thô bát tống văn, Văn đưa cây bắp, Sa di oai nghi tăng chú giảo ngụy tự tiểu thiên, Thủy sám bạt, Vô lượng nghĩa kinh hậu bạt,… và hơn 30 bài thơ Nôm, 14 bài thơ chữ Hán do Toàn Nhật viết trong thời gian sau khi xuất gia đến lúc tạ thế (1).

 

Nhận xét về sự nghiệp sáng tác thơ văn của Toàn Nhật, GS. Lê Mạnh Thát viết: “Toàn Nhật là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta. Nói Toàn Nhật là một nhà thơ, nhà văn lớn của lịch sử văn học dân tộc, bởi trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam chưa bao giờ có một nhà thơ, nhà văn để lại một số lượng lớn tác phẩm bằng tiếng quốc âm (chữ Nôm-ĐNK) như Toàn Nhật. Chỉ với số lượng đó thôi, nó đã biểu thị không những sức sống dào dạt của dân tộc đang dâng lên, thể hiện qua tiếng nói nhân dân và kết tinh thành những tác phẩm, mà còn chứng tỏ sức sống ấy đã được giải phóng từ cuộc cách mạng vĩ đại của Tây Sơn để nhà thơ có thể nói lên tiếng nói trung thực của mình” (2).

 

Đề cập khía cạnh tư tưởng của Toàn Nhật trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, GS. Lê Mạnh Thát cho rằng: “Là một nhà tư tưởng có những quan điểm độc đáo đầy sáng tạo đối với lịch sử tư tưởng Việt Nam, bởi Toàn Nhật đã nêu lên trong thời đại mình những luận đề hết sức mới mẻ và táo bạo, liên quan tới vấn đề chống tôn quân, vấn đề lao động và bản chất của các vấn đề nhân đạo và chiến đấu. Đây là những luận đề mà ta rất hiếm gặp, nếu không nói là chưa bao giờ gặp trong những tác phẩm của lịch sử tư tưởng Việt Nam” và “ở Toàn Nhật ta sẽ thấy Phật giáo đã tiếp thu như thế nào qua bản lĩnh và yêu cầu khách quan của dân tộc ta, đã nhào nặn trong thực tiễn Việt Nam nhuần nhuyễn tới mức nào, để đáp lại cái bản lĩnh và yêu cầu khách quan đó. Tác phẩm của Toàn Nhật sẽ cho ta thấy trong vườn hoa muôn màu của tư tưởng Phật giáo, người dân Việt qua Toàn Nhật đã lựa chọn và chấp nhận những bông hoa nào”(3).

 

Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn trong Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên khi nói đến thiền sư Toàn Nhật đều cho rằng ông là mưu thần của vua Quang Trung, về sau xuất gia và sáng lập chùa Viên Quang gần chợ Đèo (4).

 

Từ những tư liệu trên đây đã hé mở nhiều điều bất ngờ và thú vị về nhân vật Nguyễn Thế Tử- một tướng lĩnh có nhiều cống hiến cho nhà Tây Sơn và Toàn Nhật- một thiền sư có những đóng góp lớn lao về tư tưởng, văn hóa trong lịch sử dân tộc vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

 

(Còn nữa)

 

----------------------------------

 (1) Tham khảo Lê Mạnh Thát (2005)-Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài- Tập 1- Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

(2) Lê Mạnh Thát (2005)- Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài - Tập 1- Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.10-11.

 (3) Lê Mạnh Thát (2005) - Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài - Tập 1- Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.11.

(4) Nguyễn Đình Chúc, Huệ Nguyễn (1999)- Lược sử Phật giáo và các chùa Phú Yên - Nxb Thuận Hóa, tr.90.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek