Chủ Nhật, 22/09/2024 06:31 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 12/12/2010 10:30 SA

*Võ Văn Thành: sinh năm Bính Tý (1756) tại làng Bình An, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân (nay là thôn Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu) là con của Hộ bộ Thượng thư Võ Văn Cao.

 

Lúc nhỏ Võ Văn Thành đã bộc lộ tư chất của một người văn võ song toàn. Về văn, ông được người cha dạy dỗ thông thuộc kinh sử, nắm vững các học thuyết của Bách gia chư tử. Về võ, ông thọ giáo với các võ sư danh tiếng thời bấy giờ ở Phú Yên, Bình Định được người cha mời về giảng dạy các thế võ nổi tiếng như lão hổ thượng sơn, tứ linh đao, Thái sơn côn. Các môn quyền, cước, cung, kiếm ông đều biết và sử dụng thành thạo.

 

Khi phong trào Tây Sơn bùng nổ ở Phú Yên, dù còn trẻ tuổi nhưng Võ Văn Thành đã theo cha tòng quân, tham dự nhiều trận đánh. Ông không chỉ giỏi võ mà còn tinh thông thao lượt, thạo về bày binh bố trận. Đặc biệt ông rất giỏi về thủy chiến nên được nghĩa quân Tây Sơn cho tham gia vào đội thủy binh.

 

Năm 1775, khi chiếm Phú Yên tướng chúa Nguyễn là Tống Phúc Hiệp triển khai lực lượng thủy quân đóng ở Vũng Lấm phối hợp với quân bộ hạ trại ở núi Xuân Đài tạo thế ỷ giốc hỗ trợ lẫn nhau. Để tiêu diệt hai đạo quân thủy-bộ của Tống Phúc Hiệp, Nguyễn Huệ chủ trương sử dụng bộ binh và thủy binh cùng phối hợp tác chiến. Cánh quân bộ do Nguyễn Huệ chỉ huy từ La Hiên tràn xuống, nhanh chóng tiêu diệt quân Nguyễn đóng ở La Hai do đội Lăng chỉ huy. Một số sống sót chạy xuống Hảo Mính, Mỹ Lương bị quân Tây Sơn đón lõng diệt sạch. Thừa thắng hai cánh quân thủy - bộ cùng tiến đánh Xuân Đài và Vũng Lấm. Quân thủy xuôi dòng sông Cái do các tướng Lưu Quốc Hưng, Trần Văn Nhâm, Võ Văn Thành chỉ huy đã nhanh chóng đánh tan quân thủy của chúa Nguyễn ở Vũng Lấm  vào lúc nửa đêm. Sau đó tập kích vào bản doanh của Tống Phúc Hiệp tại Hội Phú khiến cho viên tướng già này phải hốt hoảng chạy tháo thân về Diên Khánh, bỏ lại toàn bộ binh lực bị Tây Sơn tiêu diệt. Sau đó Võ Văn Thành cùng với các tướng lĩnh trong đội quân Tây Sơn hữu đạo chặn đánh quân tiếp viện của chúa Nguyễn tại đèo Cả, giết Tống Văn Khôi, bắt sống Bùi Công Kế.

 

Về sau, trong các lần quân Tây Sơn kéo vào Gia Định tiêu diệt Nguyễn Ánh đều có mặt Võ Văn Thành. Ông được Nguyễn Huệ và phò mã Trương Văn Đa yêu mến cho theo bên cạnh. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút cuối tháng 1 năm 1785 tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm là chiến công nổi bật của Tây Sơn đập tan sự câu kết giữa thế lực phản động chúa Nguyễn mà đại diện là Nguyễn Ánh với ngoại bang. Thắng lợi Rạch Gầm-Xoài Mút có sự góp sức của Võ Văn Thành và nhiều tướng lĩnh của Tây Sơn như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng. Sau thắng lợi này, Võ Văn Thành được Nguyễn Nhạc phong chức Đô đốc thủy quân đóng ở Thị Nại.

 

Năm 1799, Đại Đô đốc thủy quân Lê Chất chạy sang đầu hàng tướng Nguyễn là Võ Tánh. Sở dĩ Chất sang hàng quân Nguyễn là sợ vạ lây từ vụ Tư lệ Lê Trung (cha vợ Chất) bị Quang Toản giết oan. Võ Văn Thành được Cảnh Thịnh cử làm Đại đô đốc chỉ huy lực lượng thủy quân trấn giữ cửa Thị Nại. Sau đó thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh chiếm. Sự kiện này đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần binh sĩ Tây Sơn. Đây không chỉ là đất thang mộc của nhà Tây Sơn đã mất, mà một khi Quy Nhơn rơi vào tay Nguyễn Ánh thì Phú Xuân bị đe dọa. Do đó tháng 1/1800, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem cả bộ binh và thủy binh cùng tiến vào Quy Nhơn. Đạo quân bộ do Trần Quang Diệu chỉ huy tiến đánh thành Bình Định. Tướng Võ Tánh ra giao chiến nhưng vì đại binh Tây Sơn quá mạnh nên chống đỡ không nổi phải rút vào thành cố thủ, đồng thời báo tin Gia Định xin cứu viện.

 

Lực lượng thủy quân do Võ Văn Dũng chỉ huy kéo vào hội quân với Võ Văn Thành trấn giữ cửa Thị Nại, ngăn không cho thủy binh của Nguyễn Ánh tiếp viện bằng đường thủy. Dường như toàn bộ sức mạnh thủy binh của Tây Sơn đều tập trung tại đây với 40 tàu lớn, 20 tàu nhỏ hơn, 100 ghe chiến đậu san sát. Ngoài ra có hai chiếc Định quốc Đại hiệu thuyền chở từ 5 đến 60 khẩu đại bác (1). Võ Văn Dũng giao nhiệm vụ cho Võ Văn Thành đốc thúc quân lính canh phòng cẩn mật sẵn sàng nghênh chiến với thủy quân Nguyễn Ánh.

 

Ngày 28/2/1801, quân Nguyễn “thừa đêm tối và gió xuôi, tiến vào tàu thứ nhất, nhảy lên đốt phá. Họ xông vào cửa biển, ném vung các bó đuốc và đồ dẫn hỏa”(2) làm cho thuyền Tây Sơn đang đậu san sát bén lửa và đám cháy lan rộng. Quân Tây Sơn từ các tàu bắn đạn như mưa giết chết Tổng thủy Võ Duy Nghi nhưng tướng quân Nguyễn là Lê Văn Duyệt hăng hái đánh mạnh không chịu lui. Dù bị đánh bất ngờ, Đại Đô đốc Võ Văn Thành không hề nao núng, ông ra lệnh cho quân lính kiên quyết giữ vững trận địa, bám tàu “cố chống giữ trong các giàn súng tới khi cuối cùng đám cháy lan đến các thùng thuốc súng làm nổ tung hết lên” (3). Kết thúc trận hải chiến, lực lượng thủy binh Tây Sơn bị đốt cháy.                              

 

(Còn nữa)

 

(1) Tạ Chí Đại Trường-Việt Nam thời Tây Sơn-Nxb Công an nhân dân, 2007, tr.378.

(2) Dẫn theo Việt Nam thời Tây Sơn,Sđd, tr.380.

(3) Dẫn theo Việt Nam thời Tây Sơn,Sđd, tr.381.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek