Chủ Nhật, 22/09/2024 06:39 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 13/12/2010 10:30 SA

* Nguyễn Thế Tử: Từ bản phổ hệ Nguyễn Tộc thế truyền do Hội đồng Nguyễn tộc các tỉnh Nam Trung bộ phụng lập, chúng ta biết được đôi nét về gia thế của Nguyễn Thế Tử. Ông thuộc thế hệ thứ 7 của tộc họ Nguyễn có nguồn gốc từ huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi. Đến đời Nguyễn Tấn Đức làm Cai bộ ở Phú Yên thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, đã lập ra chi phái họ Nguyễn tại đây.

 

chuadatrang101213.jpg

Chùa Từ Quang  - Ảnh: Đ.LÊ

 

Nguyễn Thế Tử người làng Cần Lương, huyện Đồng Xuân (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An). Lúc trẻ, ông có theo học tại Sầm Sơn thi xã và nổi tiếng là văn võ toàn tài, nhưng thiên bẩm về văn chương, binh pháp có phần hơn.

 

Khi nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy lật đổ chúa Nguyễn, ông tham gia lập nhiều công lớn. Trong các lần đánh nam dẹp bắc từ lúc Tây Sơn khởi nghiệp đến chiến dịch giải phóng Thăng Long đánh tan quân Thanh năm 1789 ông đều có mặt. Nhờ vậy, Nguyễn Thế Tử được phong Đô đốc, rồi quan Nội hầu. Đây là một chức quan trọng yếu của triều Tây Sơn (trụ cột triều đình có các quan Đại Tư mã, Đại tư khấu, Thiếu Phó, Thái úy, Nội hầu). Năm 1778, khi mới lập triều chính, Nguyễn Nhạc phong chức Nội hầu cho Phan Văn Lân. Đến triều Quang Trung, Nguyễn Thế Tử đảm nhận chức vụ này. Tư liệu về hoạt động của Nguyễn Thế Tử trong thời gian dưới triều Quang Trung cho đến nay chúng ta chưa tìm thấy nhiều, nên những hiểu biết về đóng góp của ông đối với nhà Tây Sơn giai đoạn này vẫn chưa rõ và còn nhiều bí ẩn. Tác giả sách Nhà Tây Sơn có đôi lần nhắc đến Nguyễn Thế Tử trong thời gian sau khi Quang Trung mất. Năm 1795, Trần Quang Diệu đang bao vây quân Nguyễn tại Diên Khánh nghe tin Võ Văn Dũng kéo quân từ Bắc Hà về dẹp loạn thần Bùi Đắc Tuyên, liền vội vã đưa quân về Phú Xuân để chỉnh trị triều cương. Khi quân của Trần Quang Diệu dàn thế trận bờ nam sông Hương thì “Võ Văn Dũng cùng quan Nội hầu Nguyễn Thế Tử cũng đem quân bản bộ ra đóng ở bờ bắc sông Hương, ỷ mệnh vua cự nhau với Trần Quang Diệu(1). Ở một đoạn khác, sách này cũng cho biết Nguyễn Thế Tử rời bỏ quan trường khi nội bộ triều Cảnh Thịnh chia rẽ sâu sắc: “Cảnh Thịnh lại sợ Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng là bạn cố giao, ở gần nhau bất lợi cho mình, bèn phong cho Tú chức Binh bộ Tham tri vào coi quân ở Quy Nhơn và Phú Yên. Kế đó Phạm Công Hưng bị bệnh mất. Nguyễn Thế Tử bị thất sủng, lén đem gia quyến đi khỏi Phú Xuân”(2).

 

Trong một tài liệu khác, Nguyễn Hồng Sinh cho biết: sau chiến thắng Mãn Thanh năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Thế Tử được vua Quang Trung cho về phụng dưỡng cha mẹ lâm trọng bệnh đang nương nhờ chùa Từ Quang (quê nhà của Thế Tử). Sau khi cha mẹ qua đời cũng là lúc Quang Trung mất, Bùi Đắc Tuyên thao túng triều chính, quan lại chia bè kéo cánh hãm hại lẫn nhau làm cho thế lực Tây Sơn suy yếu. Nhận thấy đất nước đang trên đường suy vong không thể cứu vãn, đồng thời hàm ơn hòa thượng Diệu Nghiêm đã cưu mang cha mẹ lúc khó khăn nên Thế Tử quyết từ bỏ triều đình quy y cửa Phật. Khi trở thành vị chân tu ở chốn cửa thiền, ông lấy pháp danh là Toàn Nhật viết Hứa sử truyện kể lại cuộc đời của mình(3).

 

Việc Nguyễn Thế Tử xuất gia cũng được đề cập trong phổ hệ Nguyễn Tộc thế truyền: Thế Tử đi tu theo phái Thiền Tông Lâm Tế tại một cái am ở chợ Đèo (nay thuộc xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên) với pháp danh Toàn Nhật và viết tập truyện kể về cuộc đời người chiến sĩ trở thành tu sĩ và lương y để cứu đời(4).

 

Như vậy, tác giả của hai nguồn tư liệu trên đã xác định Nguyễn Thế Tử sau khi rời bỏ triều đình Tây Sơn đã xuất gia theo hệ phái Thiền tông Lâm Tế, lấy pháp danh là Toàn Nhật, viết Hứa sử truyện - tập thơ lưu hành phổ biến ở các chùa khu vực Nam Trung bộ.

 

Khi xuất gia, Nguyễn Thế Tử nhận được lời nhắn nhủ của Phan Văn Biên gọi ông trở lại quan trường. Thế Tử đã trả lời bạn qua bài thơ Giữ mãi niềm tin.

 

Sức mạnh vì bởi niềm tin

Tin ở đại nghĩa, tâm đồng chen vai

Tin về cuộc sống ngày mai

Công bằng xã hội nhơn loài hòa vui

…Cho nên tất thảy vùng lên

Hướng theo cờ nghĩa Tây Sơn vẫy vùng

Thù nhà hận nước rửa xong

Diệt loài tham bạo, thù trong giặc ngoài

Niềm tin sức mạnh khôn nây

Đánh đâu thắng đó nào ai dễ bì

Nhưng mà cũng lẽ suy vi

Quang Trung tạ thế dân thì đảo điên

Vì chưng trẻ dại cầm quyền(5)

Lão phu quê vụng ngồi trên quần thần(6)

Mấy thằng gian nịnh ngoi lên

Trung lương bại hoại, quân dân não nề

Khiến ta nỡ ở, nỡ về

Ở thì gượng gạo, bỏ về sao đang

Dẫu còn nghĩa khí trung can

Niềm tin đã mất như thân không hồn

Hè nhau quyết tử xung phong

Kiếm cung dẫu cứng, khí hùng còn đâu

Nghĩ thôi luống những buồn đau

Đành quy cửa Phật, dốc bầu thiện tâm

Xả thân cứu độ chúng sinh

Tu nhơn, tích đức làm lành với nhau

…Đôi lời nhắn bạn cố tri

Cùng nhập Phật pháp từ bi cứu đời” (7).

 

Qua nội dung bài thơ, chúng ta hiểu được phần nào lý do Nguyễn Thế Tử có mặt trong phong trào Tây Sơn cũng như khi quy y cửa Phật. Ông tham gia nghĩa quân là để “diệt trừ tham bạo, thù trong giặc ngoài”, kiến tạo “xã hội công bằng”, làm cho mọi nhà “yên vui” dưới cờ nghĩa Tây Sơn. Nhưng sau khi vua Quang Trung mất, chứng kiến cảnh gian thần hãm hại trung lương dưới triều Quang Toản nên ông tìm đến chốn cửa thiền, đồng thời là dịp để “cứu độ chúng sinh, cứu đời” bằng đức từ bi của nhà Phật.          

 

 (Còn nữa)

(1)(2) Quách Tấn, Quách Giao (2000)-Nhà Tây Sơn-Nxb.Trẻ, tr.166, 167.

(3) Nguyễn Hồng Sinh (2005)-Văn thơ trên đất Tây Sơn quật khởi-Nxb.Văn học, tr.123.

(4) Dẫn theo Nguyễn Tộc thế truyền của Hội đồng Nguyễn tộc ấn hành, tr.38.

(5) Vua Quang Toản lên ngôi lúc 10 tuổi.

(6) Thái sư Bùi Đắc Tuyên lúc này đã 80 tuổi nắm quyền chi phối triều chính.

(7) Trích từ Nguyễn Gia văn tập do Nguyễn Quang Kỳ cung cấp.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek