Chủ Nhật, 22/09/2024 06:34 SA
Phú Yên thời mở cõi
Thứ Năm, 09/12/2010 10:01 SA

Tôi nhớ lại lúc tôi còn ấu thơ, mẹ kể tôi nghe rằng: Quê mẹ ở thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ, huyện Đồng Xuân, nhà ở bên đường quốc lộ 1A, trước mặt có Đầm Vũng Lắm thuộc Vịnh Xuân Đài, có cảnh trí thiên nhiên, cấu kết thành “Danh lam thắng cảnh” nên có bài thơ ca ngợi như sau:

 

vung-lam101209.jpg

Vũng Lắm - Ảnh: Đ.LÊ

 

“Cảnh Đầm Vũng Lắm thật là xinh

Sơn thủy kề nhau rất hữu tình

Phú Vĩnh bên kia làn khói tỏa

Vũng La ngoài ấy cánh buồm giăng

Vườn dừa gió thổi khua xào xạc

Thuyền mảng sóng xô gợn bập bềnh

Non nước trời mây, cò thẳng cánh

Êm đềm cảnh vật tựa như tranh”.

 

Mẹ còn kể thêm rằng: Đầm Vũng Lắm xưa kia là một thương cảng, thuyền buồm các nước thường lui tới cập bến, chở hàng hóa đến bán rồi mua nông sản chở đi, nên quốc lộ 1A này rất sầm uất và nhộn nhịp. Tương truyền cũng tại nơi đây, có một thương nhân người Hoa ở Hải Nam tên Ngô Kim Ký; thường xuyên mua số vũ khí ở nước ngoài, lén lút chở về cảng Vũng Lắm, vừa bán và giúp cho nghĩa quân của Lê Thành Phương, để dùng vào việc đánh trận tỉnh thành Phú Yên ở làng An Thổ sau này.

 

Năm 1936, người Pháp làm đường sắt, từ ngã ba Chí Thạnh chạy xuyên qua hầm Đèo Thị, chạy lên La Hai, Mục Thịnh giáp với Vân Canh (tỉnh Bình Định). Từ đó trở đi, quốc lộ 1A, từ Chí Thạnh chạy ra TX Sông Cầu và Gò Duối (Xuân Lộc, đèo Cù Mông), trở nên thưa thớt, thương cảng Vũng Lắm cũng trở nên ngày một vắng vẻ.

 

*

*                  *

Sau này tôi lớn lên, đi học và được biết qua danh nhân lịch sử Phú Yên, nội dung như sau:

 

Dưới thời Hậu Lê năm 1470, vua Lê Thánh Tôn mở rộng lãnh thổ đến núi Đá Bia, vua cho khắc bia Hồng Đức trên núi đèo Cả, phân chia ranh giới, từ đó vào Nam là đất của Chiêm Thành, từ đây ra Bắc là lãnh thổ của Đại Việt.

 

Đến năm Mậu Dần 1578, Chúa Nguyễn Hoàng ủy ông Lương Văn Chánh vào Phú Yên làm Trấn Biên quan. Ông chiêu mộ dân từ Cù Mông đến Đà Diễn để khai hoang, phá rừng lập ấp, biến nơi hoang vu thành nơi canh tác lúa, bắp, khoai, từ đó dân cư được no đủ, cho nên người dân Phú Yên nhớ ơn Lương Văn Chánh như vị Thành hoàng của tỉnh nhà.

 

Thầy Trần Sĩ là hiệu trưởng sáng lập ra Trường Lương Văn Chánh trong thời chiến, có viết bài vịnh ca ngợi Lương Văn Chánh như sau:

 

“Nghìn năm ân đức nhớ Lương Công

Mở đất trời Nam cứu giống dòng

Phá thạch khai sơn, rung đất nước

Di dân lập ấp, dậy non sông

Phụng Tường miếu cổ còn vang bóng

Hồng Đức bia cao vẫn đứng trông

Trường cũ chín năm ghi dạ trẻ

Nghìn năm ân đức nhớ Lương Công”.

 

Ngày nay, nhân dân Phú Yên được thái bình yên vui và ấm no hạnh phúc, không thể quên công ơn to lớn của Lương Văn Chánh, hằng năm đều tổ chức kỷ niệm công đức của ông tại đền thờ và mộ phần ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) vào ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch.

*

*            *

Người dân Phú Yên còn thương tiếc một danh nhân lịch sử nữa là chí sĩ Lê Thành Phương. Ông sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, xã An Hiệp (huyện Tuy An) trong một gia đình nho giáo.

 

Lê Thành Phương là người có tư tưởng yêu nước, thấy nước nhà đang bị quân Pháp đô hộ, còn triều đình Huế thì nhu nhược, yếu hèn, ở nông thôn thì bị cường hào ác bá đàn áp, bóc lột nhân dân, ông không thèm theo giới quan trường mà ở nhà dạy học và giao du với một số người cùng lý tưởng yêu nước.

 

Năm 1885, ông hưởng ứng ngay chiếu chỉ Cần Vương của Vua Hàm Nghi đứng ra chiêu tập nghĩa quân chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 2/1886 ông chỉ huy mở chiến dịch tấn công tập đoàn cứ điểm tỉnh thành An Thổ. Nghĩa quân Cần Vương đã giết và làm bị thương nhiều lính viễn chinh Pháp và ngụy tề tay sai, trong đó có tên đại úy Pháp, bắt sống viên Bố chánh và tên án sát Hoàng Cân, số còn lại của địch bỏ chạy ra cửa biển Tiên Châu, lên tàu thuyền của Pháp chạy trốn ra Quy Nhơn. Cuộc khởi nghĩa do Lê Thành Phương đứng đầu giành thắng lợi là trang sử vẻ vang, chống ngoại xâm hào hùng của nhân dân Phú Yên, nên ông được Vua Hàm Nghi phong làm “Thống soái quân vụ đại thần”.

 

Sau này vào giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân ta ngày càng bị suy yếu và tan rã, trước sức tấn công ác liệt của bọn giặc có trang bị vũ khí hiện đại, Lê Thành Phương đã sa vào tay giặc. Tương truyền rằng: đêm trước hôm bị hành hình (tức ngày 27 tháng Giêng năm Đinh Hợi 1887), ông viết bài Tuyệt Mệnh Thi bằng chữ Hán như sau:

 

Tạm dịch: “Nguyện hiến thân mình cứu núi sông

Sự đời mờ mịt hận buồn không?

Ghét thay bán nước – loài cuồng cẩu

Thương bấy mòn răng – chúa hổ rừng

Tổ quốc tội gì, sao sỉ nhục

Anh hùng thua được, há sờn lòng

Tấm thân dù thác, tinh thần sống

Thầm tưởng mai sau ... nổi gió giông!”.

 

Chí sĩ Lê Thành Phương bị địch chém chết tại bến đò Cây Dừa thuộc bãi cát Từng cạnh Gò Chung thôn Bình Hóa, xã An Dân. Trước khi bị chém đầu, ông khẳng khái hô to: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”. Thi thể ông sau được đem về chôn tại thôn Mỹ Phú õ, cạnh đèo Quán Cau, trước mộ ông có xây tấm bia khắc chữ - Hán Lê Thành Phương chi mộ. Hai bên trái phải có hai câu: Quốc gia tri ân và Anh hùng liệt sĩ. Đền thờ ông hiện nay được xây tại chân núi Đá Chồng, phía trong chân đèo Quán Cau. Hàng năm, vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch, tỉnh Phú Yên tổ chức kỷ niệm ngày giỗ ông tại đền thờ, nhân dân đều nô nức đến vọng bái rất nghiêm trang và long trọng.

 

*

*                    *

Điểm lại thời gian, không gian 400 năm qua, nhân dân Phú Yên vô cùng kính trọng vị Thành hoàng Lương Văn Chánh đã có công khai hoang mở rộng đất Phú Yên, đem về sự no ấm cho toàn dân. Nhân dân Phú Yên cũng không quên và tự hào có nhà chí sĩ Lê Thành Phương đã anh dũng đứng lên đánh bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai để giành độc lập tự do cho dân tộc, nét sử vàng ghi nên chói lọi cho nhân dân Phú Yên, hãnh diện tự hào cùng với cả nước.

 

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân Phú Yên đã cùng khí thế cả nước, làm nên các chiến công lẫy lừng như: Trận đánh giao thông chiến tại Suối Cối, xã Xuân Quang (huyện Đồng Xuân) và trận chùa Hiềm, xã Hòa Xuân (huyện Tuy Hòa), qua thời chống Mỹ có trận đánh đồn Gò Thì Thùng, xã An Xuân (huyện Tuy An) và trận Cầu Cháy, xã Hòa Đồng (huyện Tuy Hòa). Ngoài ra, có một chiến tích vô cùng oai hùng mà thầm lặng là Con tàu không số tại Vũng Rô vào những năm 1964 -1967. Đến mùa xuân 1975 có trận chiến tại Đường 5, tiếp theo quân dân ta giải phóng toàn tỉnh Phú Yên ngày 1/4. Đến ngày 30/4/1975, quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh tan ngụy quân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Ôn lại các ký ức kể trên, tôi cảm tác hai bài thơ để nói lên ý nghĩ của mình:

 

1. ĐẤT PHÚ KIÊN CƯỜNG

 

Phú Yên ta, mảnh đất kiên cường

Chống giặc hai thời đổ máu xương

Miền núi vùng lên trừ ác bá

Đồng bằng đứng dậy dẹp tai ương

Thực dân, tề ngụy luôn kinh hãi

Đế quốc, tay sai bị tổn thương

Hậu thế noi gương Người chí sĩ

Lương Văn Chánh với Lê Thành Phương.

 

2. CHIẾN TÍCH VŨNG RÔ

 

Nhớ lại năm xưa tại chốn này

Con tàu không số cập vào đây

Trời mây bảng lảng màn đêm tối

Sóng nước bập bùng mãi bủa vây

Bộ đội khẩn trương dời vũ khí

Dân công nhanh nhẹn lẫn chân tay

Quyết tâm chống Mỹ không nao núng

Đại thắng mùa xuân được giải bày

 

HÀ HÒA ÍCH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek