Chủ Nhật, 22/09/2024 06:34 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 11/12/2010 13:20 CH

* Phạm Văn Điềm: Trong số các tướng lĩnh Tây Sơn chiến đấu, gắn bó mật thiết với vùng đất Phú Yên phải kể đến Phạm Văn Điềm. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với những thắng lợi cũng như thất bại của nghĩa quân Tây Sơn diễn ra trên chiến trường Phú Yên suốt từ năm 1793-1801. Ngày nay những địa danh như La Hai, Vũng Lắm, Hội An, Đất Đỏ, Cù Mông, Đồng Thành, La Hiên... còn ghi dấu những chiến công vang dội của ông trong phong trào Tây Sơn.

 

Theo bản phổ hệ Phạm tộc tông đồ do Phạm Long Hiến soạn thảo cuối thế kỷ XIX, thì Phạm Văn Điềm sinh năm 1750 tại xứ Trà Ninh (nay là xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Phạm Văn Trọng, nguyên là tri huyện Phù Ly (Bình Định), vì chán cảnh loạn thần Trương Phúc Loan lộng hành tham bạo đã từ quan về nhà mở Phù Ly học xá chiêu tập anh hùng hào kiệt chống lại.

 

Tháng 8 năm Quý Tỵ (1773), Nguyễn Nhạc sai Trần Quang Diệu cùng La Xuân Kiều đem quân chiếm huyện Phù Ly. Khi quân Tây Sơn tiến đánh, Phạm Văn Trọng đem các hào kiệt gia nhập nghĩa quân. Lúc này Phạm Văn Điềm tuy còn trẻ nhưng võ nghệ cao cường, binh pháp đã thông suốt và trở thành một tiểu tướng nổi bật của nghĩa quân Tây Sơn. Trong trận đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, sau đó giải phóng Quảng Ngãi và các tỉnh nam Trung bộ, Phạm Văn Điềm tham gia tích cực và lập nhiều công lớn nên được phong đô đốc.

 

Sau khi Nguyễn Nhạc chết (năm 1793), vùng đất từ Bình Thuận đến Quảng Nam được sáp nhập vào cương thổ của Quang Toản. Và cũng từ đây thế lực của Nguyễn Ánh mạnh lên, hàng năm dựa theo mùa gió nam đem quân ra đánh phá các phủ dọc biển Bình Thuận đến Quy Nhơn. Phú Yên trở thành chiến trường tranh chấp quyết liệt giữa hai họ Nguyễn. Thời gian này, Phạm Văn Điềm được Quang Toản đưa vào Phú Yên làm tham đốc, trấn giữ bảo La Thai (La Hai) - một vị trí trọng yếu trên đường Phú Yên đi Quy Nhơn. Kể từ đây cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Văn Điềm gắn bó vùng đất Phú Yên với bao phen chìm nổi, nghiêng ngả của triều đại Tây Sơn sau khi người anh hùng Quang Trung tạ thế (8/1792).

 

Tháng 5/1793 Nguyễn Ánh thân chinh đưa lực lượng ra chiếm Phú Yên để làm bàn đạp tiến ra Quy Nhơn. Trước đó, Mai Tiến Vạn được lệnh đem quân đến vùng thượng đạo Phú Yên đặt phục binh ở nơi hiểm yếu và cùng Võ Tánh đánh La Thai. Trước lực lượng hùng hậu của quân Nguyễn, Phạm Văn Điềm lui quân khỏi Phú Yên.

 

Năm 1798, con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo nổi dậy chiếm Quy Nhơn chống lại triều Cảnh Thịnh và sai Đô đốc Nguyễn Văn Thiệu đang đóng ở Hội An (phủ lỵ Phú Yên) đưa thư hàng Nguyễn Ánh. Cuộc nổi dậy nhanh chóng bị dập tắt, Phạm Văn Điềm trở lại trấn giữ Hội An. Đến tháng 4/1799, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thành đem quân ra đánh Phú Yên. Trong lực lượng quân Nguyễn lúc này có quân Xiêm tham gia và một đội quân chân Lạp do Cao La Hâm chỉ huy. Quân Nguyễn bao vây và chiếm bảo Hội An, triệt đường rút quân buộc Phạm Văn Điềm phải ra hàng. Do tình thế thúc ép, để tránh sự thiệt hại cho binh sĩ dưới quyền nên Phạm Văn Điềm đã chọn giải pháp tạm hàng quân Nguyễn, khi có cơ hội sẽ quay về với Tây Sơn. Dịp đó đã đến. Tháng 1/1800, nhân việc Nguyễn Văn Thành điều ra giải cứu Võ Tánh đang bị vây ở thành Quy Nhơn, khi đến đèo Cù Mông thì Phạm Văn Điềm quay lại đánh úp quân Nguyễn, đuổi cai bạ Trần Minh Đức, ký lục Võ Đức Thông chạy về Diên Khánh. Việc Phạm Văn Điềm phản lại quân Nguyễn”sẽ mở đường cho một loạt những hàng tướng trở giáo tiếp theo, gây khốn đốn cho Nguyễn Ánh(1). 

 

Sau khi lấy lại Phú Yên, Phạm Văn Điềm được giao làm An trấn. Ông tổ chức phòng thủ Phú Yên trong thế tử chiến “biên hết dân làm lính, chia đặt đồn sở” (2) để chống lại quân Nguyễn. Chỉ trong mấy tháng, quân Tây Sơn đã đắp hơn 90 đồn lũy(3), khiến cho Nguyễn Đức Xuyên nghe thế mạnh không dám tiến nữa mà phải dừng ở Diên Khánh.

 

Tháng 4/1800, nghe tin đại binh của Nguyễn Ánh ra đánh Phú Yên, Trần Quang Diệu liền cử Đại Đô đốc Đào Công Giản và Đô đốc Tuấn đem quân Hổ hầu vào Phú Yên họp với Phạm Văn Điềm đóng giữ các bảo Hội An và La Thai. Tháng sau, thuyền của Nguyễn Ánh tiến đến Vũng Tích, sai Nguyễn Văn Thành điều quân chia làm 3 đạo đánh lấy Đất Đỏ, Thạch Kỳ và Hội An. Phạm Văn Điềm lui về giữ gò Ải Thạch, sau đó về La Thai, nhưng bị quân Nguyễn tập kích nên phải rút lên núi La Hiên chờ cơ hội phản công.

 

Tháng 3/1801, sau thời gian củng cố lực lượng, Phạm Văn Điềm đem 500 quân xuống đánh lấy bảo Hội An, đuổi lưu thủ Phạm Tiến Tuấn chạy về cửa biển Xuân Đài. Sau đó, Điềm tiến ra đốt phá lửa đài hiệu ở Vũng Lắm. Lưu Đức Hòa đem quân chống cự, bị phục binh giết chết. Nguyễn Long đóng ở La Thai không chống nổi phải bỏ chạy về sông Đà Diễn (Đà Rằng), khí giới lương thực bị quân Tây Sơn thu hết.

 

Hoạt động của Phạm Văn Điềm tại Phú Yên một cách dằng dai đã làm mệt nhọc quân Nguyễn, khiến cho Nguyễn Ánh phải sai danh tướng Lê Chất phối hợp Hoàng Văn Khánh đánh chiếm Mễ Tân (Bến Gạo), bảo Hội An. Điềm lui về giữ vùng Đồng Thành củng cố lực lượng, sau đó phản công đánh bại quân Nguyễn làm chủ Phú Yên(4).

 

Tháng 6-1801, Nguyễn Văn Thành sai Hoàng Viết Toản đem quân đánh Phạm Văn Điềm ở Mễ Tân (Bến Gạo). Tống Phước Lương đem binh thuyền họp cùng quân Nguyễn Văn Tánh tiến đánh các bảo Bang Quán, Lệ Uyên, Trúc Khê. Quân Tây Sơn chạy về La Thai. Quân Nguyễn tiến đánh La Thai thu được ấn đồng, cờ trống, khí giới do quân Tây Sơn bỏ lại. Đến đây quân Nguyễn hoàn toàn làm chủ Phú Yên. Phạm Văn Điềm đưa tàn quân về núi La Hiên và sau đó thỉnh thoảng xuống quấy rối chính quyền chúa Nguyễn khu vực phụ cận La Thai. Về sau nhà Tây Sơn sụp đổ, Phạm Văn Điềm giải tán lực lượng và sống trên núi La Hiên đến khi qua đời. Trong thời gian ở núi La Hiên, Phạm Văn Điềm có liên hệ với các văn thần võ tướng nhà Tây Sơn thành lập Bảo Nghĩa kiến nghiệp hội nhằm mục đích chống lại sự tảo phạt của nhà Nguyễn vào căn cứ Tây Sơn trung đạo để truy diệt tận gốc tướng lĩnh Tây Sơn. Nhờ rừng núi La Hiên hiểm trở và sự ủng hộ của đồng bào Ba-na đã làm thất bại các cuộc hành quân tảo phạt của chính quyền nhà Nguyễn. Đến đời cháu nội của ông là Phạm Tự Cung dời xuống vùng Kỳ Lộ sinh sống (5).                                   

 

 (Còn nữa)

_________________ 

(1) Tạ Chí Đại Trường-Việt Nam thời Tây Sơn-Nxb Công an nhân dân, 2007, tr.368.

(2) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.405.

(3) Dấu tích các đồn lũy của nghĩa quân Tây Sơn còn lại đến ngày nay qua các địa danh Bờ Đồn ở Hòa Thịnh, đồn Phú Hòa ở đèo Cả, Quang Trại ở Hòa Xuân, Trường Thịnh ở Hòa Vinh, Vạn Lộc ở Hòa Mỹ… làm thành một hệ thống đồn lũy án ngữ phía nam Phú Yên.

(4) Đồng Thành thuộc làng Phước Thành (sau đổi là Thạnh Đức) có thành lũy thời Champa xây dựng. Phạm Văn Điềm sau khi bị đánh bại lui về dựa vào thành lũy này để củng cố lực lượng. Ngày nay đình làng Triêm Đức gần đồng Thành vẫn còn thờ tự tướng quân Phạm Văn Điềm. (Tham khảo Địa danh huyện Đồng Xuân, lịch sử, truyền thuyết, Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Xuân xuất bản, tr.125).

(5) Sau khi nhà Nguyễn lơi lỏng sự truy sát hậu duệ tướng lĩnh Tây Sơn nên cháu nội của Phạm Văn Điềm là Phạm Tự Cung chuyển xuống sinh sống ở Kỳ Lộ (nay thuộc xã Xuân Quang 1). Năm 1905, Phạm Tự Cung tham gia kỳ thi hương ở Bình Định, nhưng vì sự cố nhóm duy tân do Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp cho người đưa bài có nội dung kêu gọi chống Pháp vào trường thi nên bị hủy kết quả. Sau lỡ hội (hỏng thi), Phạm Tự Cung tổ chức đưa người lên vùng núi Mò O, đắp đập ngăn suối lấy nước tưới cho cánh đồng đã khai hoang để sản xuất lương thực. Từ đó suối có tên gọi suối Đập.(Tham khảo Địa danh huyện Đồng Xuân, lịch sử, truyền thuyết, Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Xuân xuất bản, tr.81).

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek