Chủ Nhật, 22/09/2024 06:22 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Sáu, 10/12/2010 10:00 SA

Đến tháng 5-1801, Nguyễn Quang Huy cùng vợ là Lương Phụng Tường mang quân từ Dương An ra giúp Trần Quang Diệu tăng cường siết chặt vòng vây đánh phá thành Bình Định, khiến cho tướng Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu phải tự sát, quân Tây Sơn chiếm được thành. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc và không lâu sau đó bị bắt.

 

Nghe tin vua Cảnh Thịnh bị bắt, quân đội Tây Sơn tan rã. Nguyễn Quang Huy thấy rằng không thể xoay chuyển cục diện nên giải tán lực lượng, đưa vợ con lên núi Dương An và Cù Mông ẩn náu, chôn vùi một thời oanh liệt trên rừng xanh núi thẳm cho đến lúc qua đời.

 

* Nữ chúa Thị Hỏa (còn gọi là Bà Hỏa): Theo các nguồn sử liệu cho biết rằng bà là nữ chúa người Chăm (*) của vương quốc Hỏa Xá có địa bàn trải rộng khu vực miền núi phía tây nam Phú Yên kéo dài đến Cheo- reo, Kon Tum. Trong phong trào Tây Sơn, các bộ lạc thuộc Hỏa Xá tham gia tích cực và trở thành lực lượng quan trọng của nghĩa quân trong những ngày đầu tập hợp lực lượng:

 

Thượng du lớn nhỏ đồng tình

Theo ông Hai Nhạc luyện binh tháng ngày

Lập đoàn cung thủ rất hay

Đến khi lâm trận sau này ra oai

 

Khi Tây Sơn khởi nghĩa, bà đã đem toàn bộ lực lượng kỵ binh, tượng binh của mình gia nhập nghĩa quân, tạo thế ỷ dốc cho các cánh quân Tây Sơn đánh chiếm Phú Yên. Nhờ sự phối hợp của đội quân chúa Hỏa và lực lượng Tây Sơn trung đạo tại La Thiên lãnh, nghĩa quân Tây Sơn do Nam chinh đại tướng Ngô Văn Sở chỉ huy đã nhanh chóng giải phóng Phú Yên năm 1773 và tiến đánh các phủ Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận. Sau thắng lợi này, Nguyễn Nhạc phục hồi danh vị Phiên Vương cho Thị Hỏa và giao nhiệm vụ trấn giữ động Thạch Thành (nay là khu vực xã Sơn Thành và huyện Sơn Hòa), bảo vệ vùng tây nam Phú Yên, đề phòng sự phản công của chúa Nguyễn từ mặt nam.

 

Mùa hạ năm Giáp Ngọ (1774), tướng chúa Nguyễn là Tống Phúc Hiệp chỉ huy quân Ngũ Dinh từ trong Nam ra đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang. Trấn thủDiên Khánh là Lê Văn Hưng liệu thế không chống nổi, bèn bỏ thành trống, rút toàn quân về Phú Yên cùng Nguyễn Văn Lộc chống cự.

 

Sau khi chiếm Diên Khánh, tháng 5/1775, Tống Phúc Hiệp để 5.000 quân trấn giữ, còn mình đem 2 vạn quân chia làm hai đường thủy bộ tiến đánh Phú Yên. Cánh quân bộ do Tống Phúc Hiệp trực tiếp chỉ huy vượt đèo Tam Độc đánh thẳng vào đội quân của Thị Hỏa đang giữ Thạch Thành. Trận chiến diễn ra không cân sức, dù cho lực lượng tượng binh và kỵ binh của Thị Hỏa chiến đấu dũng cảm nhưng không cản được bước tiến của quân Nguyễn. Thị Hỏa đã bỏ mình trong trận đánh này. Thừa thắng, quân Tống Phúc Hiệp tiến ào ạt chiếm thành Hội Phú đặt làm đại bản doanh, quân bộ đóng ở Xuân Đài, thủy quân chiếm Vũng Lấm. Quân Tây Sơn lui về giữ La Thai và đèo Cù Mông.

 

Tháng 7 năm Ất Mùi (1775), Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân từ Quy Nhơn vào đánh úp tiêu diệt cả quân thủy và quân bộ của Tống Phúc Hiệp. Tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền tử trận, Cai cơ Nguyễn Khoa Kiên bị bắt sống. Tống Phúc Hiệp phải bỏ thành Hội Phú rút chạy về giữ Hòn Khói. Phú Yên lại trở về dưới sự cai quản của nhà Tây Sơn.

 

Nói đến vai trò của đội quân của nữ chúa Thị Hỏa, nhân dân Phú Yên còn truyền tụng bài ca dao đề cập sự đóng góp của lực lượng này trong phong trào Tây Sơn:

 

“Thạch Thành voi ngựa kéo ra

Eo Gió kéo xuống quân đà hội quân

Chúa Chàm Thị Hỏa chí nhân

Giúp ông Hai Nhạc định phần Phú Yên

La Thai quyết chí đôi bên

Phúc Hiệp trúng kế chạy liền vô Nam

Sa trường gươm giáo ngổn ngang

Thây phơi thành lũy máu loang gò đồi”.

 

(Còn nữa)

 

-------------------------

(*) Theo Tạ Chí Đại Trường thì thời điểm lúc này cư dân Chăm (Chiêm Thành) có hai bộ phận: một nhóm ở phía bắc tập trung tại động Thạch Thành tỉnh Phú Yên do nữ chúa Thị Hỏa làm thủ lĩnh; một nhóm ở Bình Thuận được chúa Nguyễn giao cai quản trấn Thuận Thành do Chưởng cơ Kế Pù Tá đứng đầu. Cả hai nhóm này đều ủng hộ và tham gia phong trào Tây Sơn ngay từ đầu, được Nguyễn Nhạc phong làm Phiên vương (Tham khảo Việt Nam thời Tây Sơn, Nxb.Công an nhân dân, tr.275).

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek