Chủ Nhật, 22/09/2024 06:24 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 07/12/2010 07:00 SA

* Nguyễn Công Cố: Sinh năm 1745 tại làng An Mỹ, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên (nay là xã An Định, huyện Tuy An). Ông là anh ruột của Nguyễn Công Lang và là một trong số người sáng lập Hưng Quốc hội chống chúa Nguyễn ở Phú Yên. Ông là vị tướng lĩnh xuất sắc của nghĩa quân Tây Sơn ở Phú Yên. Ông có mặt hầu khắp các trận đánh từ những ngày đầu khởi nghĩa ở Phú Yên năm 1773, đến trận thắng Tống Phúc Hiệp tại Xuân Đài năm 1775. Trong những chyến Nam chinh tiêu diệt quân chúa Nguyễn và Xiêm-la hoặc các lần Bắc phạt lật đổ họ Trịnh, diệt Chỉnh, giết Nhậm ông đều có mặt (1). Trong chiến dịch giải phóng Thăng Long vào Tết Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Công Cố được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến thuyền trong đoàn quân của Đô đốc Tuyết nhằm chặn đường rút lui của quân Thanh và ông đã anh dũng hy sinh vào ngày mùng 4 tháng giêng năm ấy.

 

Ngoài vai trò là vị tướng lĩnh tài giỏi, ông còn sáng tác nhiều bài thơ đề cập đến tình hình thế sự của đất nước, ca ngợi sự hy sinh anh dũng của nghĩa quân Tây Sơn trên chiến trường. Bài thơ Quyết tử chiến ông viết trong bối cảnh cuộc hành quân ra Bắc đánh giặc Mãn Thanh năm 1789 đang diễn ra quyết liệt:

 

“Hỡi anh em tướng sĩ !

Thuộc dòng máu Tây Sơn

Nung chí lớn quật cường

Đánh đổ ách tham tàn

Diệt sạch giặc Mãn-Thanh

Giữ vững nền tự chủ

Làm công bằng xã hội

Kinh –Thổ thảy hòa vui

Kiến tạo lại cuộc đời

Chói ngời nền văn hiến

Của tổ tiên nòi giống

Rạng rỡ giống tiên rồng

Vẻ vang dân Đại Việt…

Cho nên ta thề quyết

Giết sạch lũ giặc thù

Chết rạng cả muôn thu

Máu hùng tươi đất Việt” (2)

 

* Lương Văn Can: Còn gọi là Lương Văn Cương, người làng Phụng Các, huyện Đồng Xuân (nay thuộc làng Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) giỏi cả văn lẫn võ. Trước chính sách thuế khóa nặng nề và sự bóc lột tàn bạo của chúa Nguyễn, đặc biệt là sự lộng hành của Trương Phúc Loan, ông cùng với các danh sĩ như Võ Văn Cao, Nguyễn Công Lang, Nguyễn Công Cố, Nguyễn Quang Huy… lập ra Hưng Quốc hội tại Phú Yên để tập hợp lực lượng chống lại chúa Nguyễn. Sầm Sơn thi xã do ông sáng lập tại làng Phụng Các (3) trước cuộc khởi nghĩa năm 1773, đã thu hút anh hùng hào kiệt các nơi về tụ hội. Tại đây nhiều người đã trưởng thành nhờ học văn, luyện võ do Thi xã chỉ dạy như Võ Văn Dũng, Phan Văn Biên, Lương Văn Trực, Lương Phụng Tường, Nguyễn Thế Tử… và có đóng góp to lớn vào phong trào Tây Sơn. Lương Văn Cương cũng là người trực tiếp dạy cho Võ Văn Dũng trường kiếm và đoản đao, khuyên Dũng “học võ là để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải đấu sức khoe tài”(4). Nhờ vậy mà về sau Võ Văn Dũng trở thành đại công thần và lập nhiều chiến công xuất sắc cho nhà Tây Sơn.

 

Lương Văn Cương còn có công nuôi dạy hai người con là Lương Văn Trực và Lương Phụng Tường trở thành dũng tướng trong nghĩa quân Tây Sơn.

 

Lương Văn Trực được giao nhiệm vụ cùng với Nguyễn Quang Sáng phụ trách đội chiến mã ở căn cứ Tây Sơn Trung đạo với hàng trăm dũng sĩ tài ba, người nào cũng gan dạ có tài cưỡi ngựa. Ngựa đang chạy, họ nhảy lên lưng một  cách nhẹ nhàng, ngựa đang sải nhảy xuống cũng gọn gàng. Khi ra trận họ chỉ biết tiến chứ không biết lùi. Trận chiến vào tháng 7-1775 tại Xuân Đài tiêu diệt hai vạn quân của Tống Phúc Hiệp cũng như sau đó đánh tan đội quân cứu viện của Bùi Công Kế, Tống Văn Khôi từ Bình Khang tiến ra đèo Tam Độc đều có sự tham chiến của kỵ binh do Lương Văn Trực chỉ huy.

 

Lương Phụng Tường là con gái độc nhất của Lương Văn Cương. Bà giỏi cả văn lẫn võ và cùng với chồng là Nguyễn Quang Huy tham gia đánh trận trên khắp các chiến trường, trở thành một Đô đốc kỵ binh tài giỏi sánh với các nữ tướng trong Tây Sơn Ngũ Phụng thư (5) thời bấy giờ.

 

Khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, Lương Văn Cương tiếp tục đảm nhận vai trò huấn luyện võ thuật, binh pháp trong quân. Ngoài ra, ông còn chỉ huy nhiều trận đánh quân chúa Nguyễn. Trong trận đánh ở bảo Hội An tháng 4/1798, Tham đốc Nguyễn Văn Điềm cùng các tướng Đỗ Văn Nguyệt, Nguyễn Văn Soái, Hoàng Văn Tráng, Lương Văn Cương phải ra hàng Nguyễn Ánh sau khi chờ quân tiếp viện từ Phú Xuân không đến. 

 

(Còn nữa)

___________________ 

(1) Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm bị giết khi ra mặt chống lại vua Quang Trung.

(2) Nguyễn Hồng Sinh (2005)-Thơ văn trên đất Tây Sơn quật khởi-Nxb văn học, tr.106-107.

(3) Hội quán của Sầm Sơn thi xã đặt tại núi Sầm xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Đây là ngọn núi gắn liền nhiều sự kiên lịch sử    là một danh thắng đi vào ca dao: “Lẻ loi như cụm núi Sầm; Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan”.

(4) Quách Tấn, Quách Giao (2000)- Nhà Tây Sơn- Nxb Trẻ, tr.41.

(5) Tây Sơn Ngũ Phụng thư gồm 5 nữ tướng giỏi võ của nghĩa quân Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc.

 

Tiến sĩ  ĐÀO NHẬT KIM

Dãy núi La Hiên (Đồng Xuân), nơi từng là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn - Ảnh: N.LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek