Chủ Nhật, 22/09/2024 06:26 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 08/12/2010 10:30 SA

Lúc bấy giờ nội bộ triều Tây Sơn xảy ra biến động, con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo nổi lên chống lại Quang Toản dẫn đến tướng Lê Trung bị chết oan, rồi Trần Quang Diệu bị tước hết binh quyền. Điều này ảnh hưởng đến việc tiếp viện các chiến trường. Tại Quy Nhơn, tướng giữ thành Lê Văn Thanh cũng phải ra hàng quân Nguyễn sau thời gian bị bao vây, quân số hao tổn, lương thực cạn kiệt. Để thu phục nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh truyền lệnh cho các tướng: “Từ nay ra trận hễ bắt được quan quân người Phú Yên thì cho giải về hành tại để tha. Sau trận thì nghiêm cấm các chi hiệu không được bắt bớ quấy nhiễu. Làm trái lấy quân pháp trị tội”(1), đồng thời lấy dân tại chỗ lập ra các đội Ngự lâm quân giao cho Lương Văn Cương huấn luyện.

 

Việc tạm thời ra hàng của các tướng lĩnh Tây Sơn theo Tạ Chí Đại Trường”chỉ là thế bất đắc dĩ”(2), khi có cơ hội họ sẽ đem lực lượng trở về với Tây Sơn. Tháng 1/1800, khi Nguyễn Ánh điều quân từ Phú Yên ra tiếp cứu Võ Tánh đang bị bao vây ở Quy Nhơn, Phạm Văn Điềm khi đến Cù Mông liền đưa quân quay lại chiếm Phú Yên đuổi Cai bạ, Ký lục về Bình Khang. Tiếp đó, tại trận núi Chúa “Phó trưởng chi Hữu chi Tả đồn quân Ngự lâm là Lương Văn Cương và Trưởng hiệu Hậu chi là Nguyễn Văn Vân đem 200 quân chạy sang với giặc [nghĩa quân Tây Sơn-ĐNK]”(3).

 

Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Lương Văn Cương cùng nhiều văn thần, võ tướng phải mai danh ẩn tích, thay đổi danh tánh, lánh nạn đến các địa phương khác. Vì vậy ngày nay chúng ta không biết nhiều về họ (4).

 

* Phan Văn Biên: Sinh sống ở phía bắc sông Đà Rằng thuộc tổng Trung, huyện Đồng Xuân. Lúc trẻ ông theo học tại Sầm Sơn thi xã và rất giỏi Kinh Dịch, thông Bách gia chư tử, thạo âm nhạc, rành toán pháp.

 

Năm 1789, triều Quang Trung mở khoa thi Văn đầu tiên (gọi là khoa Minh Kinh) tại Nghệ An để tuyển chọn nhân tài bổ nhiệm vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Khoa thi này do Nguyễn Thiếp làm chánh chủ khảo và có nhiều người ở miền Trung ra ứng thí. Phan Văn Biên tham gia thi và đỗ đầu hạng ưu. Đậu xong ông được triều đình bổ ngay làm quan Huấn đạo (phụ trách Giáo dục). Cùng trúng tuyển hạng ưu khoa thi Minh Kinh năm 1789 với Phan Văn Biên có 6 người là:

 

- Đinh Sĩ An (quê ở Bình Khê- Bình Định) sinh hoạt trong nhóm danh sĩ Song Hoài thi xã ở Phù Ly, được bổ làm việc ở Nội Các.

 

- Phạm Văn Tung (quê ở Phù Mỹ-Bình Định) được phong Hiệp trấn ở Phú Yên.

 

- Trần Trọng Vỹ (quê Hoài Ân-Bình Định) được bổ làm Thị lang bộ Lễ.

 

- Đặng Sĩ Nguyên (người Quảng Nghĩa) được bổ nhiệm làm Biên Tu.

 

- Đặng Mộng Kỳ (người Quảng Nam), tuy đậu khoa văn nhưng thường lập nhiều võ công, khiến cho quân Nguyễn Ánh phải sợ.

 

- Lý Xuân Tá (quê Quảng Nam), sau làm quan đến chức An Phủ sứ ở Phú Yên.

 

Những người này tuy sinh sống trên vùng đất của Thái Đức Nguyễn Nhạc, nhưng khi thi đậu ra làm quan dưới triều Quang Trung mà không bị kỳ thị.Và ngược lại, họ được bổ nhiệm trên vùng đất của Nguyễn Nhạc (trong số này có hai người được bổ về làm việc tại Phú Yên là Phạm Văn Tung và Lý Xuân Tá).

 

Trong thời gian phụ trách Huấn đạo, Phan Văn Biên có nhiều đóng góp vào các chính sách cải cách về học hành thi cử dưới triều đại Quang Trung như khuyến khích việc học trong dân chúng, chọn người hay chữ và có đức hạnh phụ trách việc giảng dạy, lập nhà xã học ở từng xã; sử dụng chữ Nôm làm văn tự chính thống của nhà nước thể hiện trong chiếu chỉ, mệnh lệnh cho đến các bài văn tế trời đất, trong khoa cử…

 

Năm 1792 vua Quang Trung mất đột ngột, thái tử Quang Toản kế vị. Nhà vua còn nhỏ tuổi nên việc triều chính đều do Thái sư Bùi Đắc Tuyên chi phối, thao túng. Nhiều người có công với triều đình không hợp phe cánh bị Tuyên hãm hại. Chán cảnh chia rẽ trong triều, một số người rút lui khỏi chốn quan trường tìm nơi quy ẩn, trong đó có quan Nội hầu Nguyễn Thế Tử. Phan Văn Biên thấy Thế Tử (là người đồng hương Phú Yên) bỏ đại nghiệp quy y cửa Phật nên sáng tác bài thơ Nhắn bạn để gọi Thế Tử trở về cùng lo nghiệp lớn:

 

(Trích một số đoạn)

 

Đôi lời nhắn bạn tri âm

Đồng thanh tương ứng, đồng môn sở cầu

Hỡi anh Thế Tử đi đâu

Nửa đàng bỏ cuộc về hầu thiền môn

Giữa cảnh nòi giống điêu linh

Nỡ ngồi gõ mõ tụng kinh an nhàn

….Sao anh không nhớ lời nguyền

Làm đứa con đời trừ khử tà gian

Trọn đời vị quốc vong thân

Khác chi đức Phật giáng trần giải nguy

Chúng sinh bể khổ sầu bi

Thoát thân cường bạo sân si hại đời

Tây Sơn nay đã nguy rồi

Nghĩa nhân đạo lý chẳng vơi chút nào

Mong anh tỉnh ngộ cho mau

Trở về nghĩa hội cùng nhau luận bàn

Làm cho quốc thái dân an

Nhà nhà hương tỏa, non sông thắm màu

Về mau anh hãy về mau (5).

 

Về sau nhà Tây Sơn mất, Phan Văn Biên may mắn thoát khỏi sự truy sát của Gia Long và ông về ẩn cư dãy núi Cù Mông cùng với Nguyễn Quang Huy, tìm cách đối phó với chính sách trả thù của các vua nhà Nguyễn.

 

* Nguyễn Quang Huy: Quê ở dưới chân núi Cù Mông thuộc huyện Đồng Xuân. Thuở nhỏ, Nguyễn Quang Huy là một chú bé can đảm, điềm tĩnh, thông minh, nhờ một võ sư ra công truyền võ nghệ mà thành tài (6). Lớn lên, ông thường đi giao kết với bạn bè khắp nơi trong huyện Đồng Xuân. Nhìn thấy đời sống nhân dân trong huyện cực khổ bởi chính sách thuế khóa nặng nề của chúa Nguyễn, ông cùng với một số bạn tâm giao như Võ Văn Cao, Nguyễn Công Lang, Nguyễn Công Cố, Lương Văn Cương thành lập Hưng Quốc hội để mưu cầu việc lớn.

 

(Còn nữa)

 

-------------------------------

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn-Đại Nam thực lục-T1-Nxb.Giáo Dục 2002, tr.412.

(2) Tạ Chí Đại Trường (2007)-Việt Nam thời Tây Sơn-Nxb.Công an nhân dân, tr.368.

(3) Đại Nam thực lục-Sđd, tr.414.

(4) Nhiều trung thần Tây Sơn đã từng học tại Sầm Sơn thi xã phải lưu lạc đến vùng Đông bắc Thái Lan để tránh họa “truy sát” của các vua Nguyễn. Năm 1988, một số hậu duệ những người này về tìm dấu tích của Sầm Sơn thi xã mà cha ông họ lúc trước tham gia.

(5) Chép từ tập” Tây Sơn sử lược” của Huỳnh Văn Thận.

(6) Dẫn theo Song Lộc”Có một Triệu Tử Long thời Tây Sơn”, Báo Bình Định, ngày 17/11/2006.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek