Chủ Nhật, 22/09/2024 06:34 SA
Các nhân vật tiêu biểu trong phong trào Tây Sơn ở Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 06/12/2010 07:17 SA

Nội dung sắc lệnh còn đề cập đến việc phát triển chăn nuôi, khai hoang, trồng rừng, bảo vệ cầm thú, kêu gọi quan lại phải giúp đỡ những nông dân có hoàn cảnh khó khăn: “Mọi nhà phải nuôi thật nhiều heo, gà, vịt, ngang, ngỗng, ngựa, voi. Để vừa có thịt ăn, vừa có phân bón ruộng vườn, giúp cho cày bừa, vận chuyển quân lương khí dụng ra chiến trường và còn đem bán ra các nơi mà làm giàu cho chính mình, lại có thêm vật hóa giao thương bên ngoài, mua lại những nhu cầu cho đất nước.

 

Ở những nơi đồng hoang, bãi trống, rừng thưa thì quan quân phải hợp tác với dân xung quanh mà lập thành đồn điền, nông trại, chuồng chung để nuôi thành đàn lợn, bò, ngựa… Kết hợp với việc vỡ hoang, trồng cấy ngũ cốc và bảo dưỡng khai thác của cải trên rừng. Đối với thú rừng, ngoại trừ sài lang hổ báo chuyên ăn thịt giống khác ra, còn lại thì phải bảo dưỡng, thuần hóa nó cho hòa hợp với thiên nhiên. Bởi hễ có rừng núi, ắt phải có cầm thú. Núi rừng mà không có cầm thú khác nào nhà không có người ở vậy. Nên cấm tuyệt việc săn bắn giết hại chúng.

 

Muốn đảm bảo cho mục súc tránh được dịch bệnh, chết bất đắc kỳ tử, quan quân sở tại phải chỉ dẫn cho người chăn nuôi hiểu biết cách làm sạch chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và cần những vị giỏi về trị bệnh cho mục súc, để tìm ra các loại thuốc và cách phòng trị bệnh cho nó. Nơi nào không làm được để dịch bệnh lan ra xung quanh gây hại cho bách tính sẽ bị trừng trị.

 

…Ruộng đất đã phân cấp cho các điền hộ, hay những tráng niên nam nữ đi làm trong các nông trại, phục vụ cho quan quân, hay tùng chinh diệt giặc giữ nước… mà người ở nhà quá đơn chiếc, già yếu, bệnh hoạn, chửa đẻ không đủ sức làm, thì quan sở tại giúp đỡ cho họ, hoặc chỉ dẫn cho những người đồng cư, đồng canh luận công với nhau mà làm. Nhược bằng chủ điền hộ đó giao lại cho quan quân bất đắc dĩ phải nhận, thì phải cung đốn cho họ từ đến 1/3 hoa lợi thu hoạch từng vụ hay từng năm theo sự thỏa thuận giữa hai bên. Quyết không để cho chủ điền hộ thua thiệt, oán thán hay bỏ ruộng hoang hóa…” (1).

 

Sau cuộc xung đột nội bộ anh em nhà Tây Sơn (năm 1787), một số quan lại dưới triều Thái Đức tìm ra Phú Xuân phò tá Nguyễn Huệ, trong đó có Võ Văn Cao. Ông được Nguyễn Huệ cho giữ chức vụ Quốc Tử Giám trực giảng, sau đó được thăng Thái Tử Trung doãn. Tính ông can trực, nghiêm nghị, khảng khái, không chịu nổi thái độ và hành vi lộng quyền thao túng triều đình của Thái sư Bùi Đắc Tuyên khi vua Quang Trung mất nên nhân dịp về cư tang cha mẹ, ông ở nhà cày ruộng không ra Phú Xuân. Ông có làm nhiều bài thơ chê Tuyên là gian thần khiến cho Tuyên rất giận. Khi Võ Văn Cao chết, Tuyên cho rằng giả chết liền sai người phá quan tài để xem. Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng phải can thiệp mới được miễn (2).

 

* Nguyễn Công Lang: Trong tập “Thế phổ Nguyễn gia” có đoạn chép về gia thế của Nguyễn Công Lang mà theo lời truyền trong dòng họ là do Nguyễn Công Lang tự tay viết: “Ta ở làng An Mỹ, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên lưu lạc đến phủ Diên Khánh. Lúc đến đây, ta phải thay đổi cách ăn mặc của một quan tước thành đơn bạc cho hợp thời, giả phong cách của một nông phu hoặc giả một quan nhân nghèo khổ. Từ chỗ thay hình đổi dạng quan nhân lúc lưu hành, tự biến thành đám bạn bè trong dân dã mà lòng vẫn không quên thuở khai sáng sự nghiệp ban đầu để ghi nhớ những điều tốt lành cùng khắc phục những khiếm khuyết. Về sau lòng luôn nhớ những đấng tài minh thuở trước mà không để lộ ra bên ngoài…” (3).

 

Từ đoạn phổ hệ trên cho chúng ta biết về quê quán của Nguyễn Công Lang là làng An Mỹ, tổng Hạ, huyện Đồng Xuân (nay là xã An Định, huyện Tuy An). Ông tham gia vào Hưng Quốc hội từ rất sớm và cùng với Võ Văn Cao, Nguyễn Quang Huy, Lương Văn Trực, Lưu Quốc Hưng… chuẩn bị lực lượng chống lại chúa Nguyễn ở Phú Yên. Căn cứ nghĩa quân Phú Yên xây dựng trên núi La Hiên gọi là Tây Sơn trung đạo, có sự phối hợp của lực lượng chúa Thủy Xá là Ma Khương và nữ chúa Champa là Thị Hỏa.

 

Sau năm 1773, khi chính quyền chúa Nguyễn ở Phú Yên bị nghĩa quân Tây Sơn lật đổ, Nguyễn Công Lang được cử làm Phòng ngự sứ (Tri huyện) huyện Đồng Xuân, rồi sau đó thăng lên An Phủ sứ (Tuần vũ) phủ Phú Yên. Trong trận đánh tại Xuân Đài và Vũng Lấm năm 1775 do Nguyễn Huệ chỉ huy, đạo quân Tây Sơn trung đạo do ông và các tướng Nguyễn Quang Sáng, Lương Văn Trực, Nguyễn Quang Huy, Lưu Quốc Hưng thống lĩnh đã góp phần làm nên thắng lợi vang dội, chỉ trong một đêm đã tiêu diệt 2 vạn quân của Tống Phúc Hiệp, sau đó đánh tan quân tiếp viện giải phóng hoàn toàn Phú Yên. Cảm hứng trước thắng lợi của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Công Lang viết:

 

Xuân Đài sóng dậy mừng xuân

La Thiên xuân trước đầy rừng trổ hoa

Dè đâu giặc Nguyễn tràn vào

Xuân Đài chật đất, tràn bờ Văn Phong(4)

Chúng toan chống lại Tây Sơn

Nhơn khi quân Trịnh hành hung phía ngoài

Tức thời ta lại bổ vây

Quân dân ta quyết ra tay diệt thù

Ngoài biển thì có trạo phu (5)

Trên rừng thì có ngựa voi đầy đàng(6)

Bộ binh tên ná giáo gươm

Tứ bề mai phục sẵn sàng ra tay” (7)

 

Khi Nguyễn Nhạc xưng Hoàng Đế, lập ra triều chính (năm 1778) thì Nguyễn Công Lang làm việc ở bộ Hộ, được phong tước Kiến Quốc Công.

 

Là người thật thà, ngay thẳng, hết mình vì công việc. Trong những năm tháng phục vụ triều Thái Đức, Nguyễn Công Lang ngoài vai trò là tướng lĩnh, ông còn chăm lo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, khi Quang Toản sáp nhập vùng đất của Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc vào triều đình Phú Xuân ông tiếp tục được trọng dụng.

 

Trong sách Tây Sơn bí lục của Trương Đăng Quế chép rằng: cụ Nguyễn Công Lang vào lánh nạn ở làng phụ lũy Phú Lộc huyện Diên Khánh khi nhà Tây Sơn tan rã. Tiếng là “lánh nạn”, nhưng thực ra ông đã tích cực xây dựng tổ chức Bảo Nghĩa kiến nghiệp hội tỉnh Khánh Hòa chống lại quân nhà Nguyễn đang tiến hành các cuộc tảo phạt “truy sát” nghĩa quân Tây Sơn còn lại khi rút về vùng núi Diên Khánh. Hậu duệ của ông, cụ tú tài Nguyễn Trung Mưu là một trong số các thủ lĩnh đứng đầu phong trào yêu nước chống Pháp ở Khánh Hòa những năm 80 thế kỷ XIX.

 

(Còn nữa)

 

(1) Tư liệu trích từ Nguyễn Gia văn tập.

(2) Quách Tấn, Quách Giao (2000)- Nhà Tây Sơn- Nxb Trẻ, tr.157.

(3) Trích từ Thế phổ Nguyễn gia của tú tài Nguyễn Trung Mưu.

(4) Vịnh Văn Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa.

(5) Thủy binh chèo thuyền.

(6) Lực lượng kỵ binh, tượng binh của Tây Sơn trung đạo.

(7) Trích từ Văn thơ trên đất Tây Sơn quật khởi-Nxb Văn học, 2005, tr.105.

 

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek