Chủ Nhật, 22/09/2024 09:02 SA
Phú Yên một thời Tây Sơn trung đạo - “cái nôi” của phong trào Tây Sơn
Chủ Nhật, 28/11/2010 10:00 SA

Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi đề cập đến phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ XVIII đều cho rằng: nơi phát khởi phong trào từ ấp Tây Sơn - Bình Định. Từ đó cuộc khởi nghĩa lan tỏa ra các khu vực lân cận và bùng lên mạnh mẽ trở thành phong trào rộng lớn, phát triển từ cuộc đấu tranh giai cấp vươn lên đảm nhận vai trò dân tộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước. Bài viết nhằm cung cấp cho bạn đọc nguồn tư liệu và một cách nhìn mới về vị trí, vai trò của Phú Yên trong phong trào Tây Sơn. Phú Yên - ngay từ đầu đã hình thành căn cứ Tây Sơn Trung đạo - cái nôi bùng nổ cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vĩ đại ở thế kỷ XVIII cùng với căn cứ Tây Sơn Thượng đạoTây Sơn Hạ đạo - Bình Định. Bài viết minh chứng tính chủ động của nghĩa quân Phú Yên trong khởi nghĩa Tây Sơn và những đóng góp của con người, vùng đất Phú Yên trong cuộc cách mạng vĩ đại này.

 

I. NGUYÊN NHÂN BÙNG NỔ PHONG TRÀO TÂY SƠN

 

Đến giữa thế kỷ XVIII, các tầng lớp nhân dân Đàng Trong rơi vào sự thống khổ cùng cực do nạn bóc lột và chế độ thuế khóa nặng nề của chính quyền chúa Nguyễn. Hàng năm, nhân dân phải đóng cả trăm thứ thuế trong hệ thống “bản đường quan” đầy bất công như thuế ruộng đất, thuế chợ, thuế đò, thuế đường, thuế thuyền, thuế thổ sản, .. cùng hàng loạt các khoản tiền khác như tiền cung đốn, tiền nộp thóc vào kho, tiền phên tre, khoán khố, dầu đèn, bao mây… Đặc biệt, vùng đất từ “Quy Nhơn đến Bình Thuận đã phải gánh một gánh quá nặng theo tỉ lệ cho việc họ Nguyễn phát triển về phía Nam và phía Tây giữa thế kỷ XVIII. Trong thập niên 1760 và đầu thập niên 1770, họ Nguyễn liên tục đòi hỏi vùng này phải cung cấp nhân công và của cải. Các quy định về thuế ở đây trở nên nghiêm ngặt hơn và những biện pháp đặc biệt đã được áp dụng để thu thuế tại Phú Yên từ năm 1758 và tại Qui Nhơn từ năm 1772 ” (1).

 

Tại phủ Phú Yên, chính sách thuế khóa của chúa Nguyễn xem ra không nhẹ hơn nơi khác. Theo LiTana  trong “Xứ Đàng Trong -Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII” vào thời điểm năm 1769, trong số 6804 người có tên trong sổ đăng bộ ở Phú Yên thì có đến 4439 phải nộp thuế thân, với mức 4,25 quan/ suất đinh. Ở vùng núi, ngoài tiền thuế người dân còn phải nộp thêm sản vật. Nguồn Hà Di hàng năm tiền thuế và tiền trầu là 1836 quan, sáp ong 30 cân, mật ong 30 chĩnh, nộp 4 chiếc ngà voi, 7 sừng tê; nguồn Đá Bạc nộp 1500 quan, 200 cân sáp ong, 200 chĩnh mật ong; nguồn Suối Gạo nộp 576 quan, 2 sừng tê, 2 ngà voi, 30 chĩnh mật ong, 30 cân sáp ong (2). Năm 1771, các vùng dân tộc thiểu số ở  phía tây Phú Yên (Nam Bàn và Trà Lai (tức Giơ- rai) do hạn hán mất mùa nên người dân không đóng thuế, chính quyền chúa Nguyễn đã đem quân đến đàn áp, bắt phải nộp đủ thuế. Ở các bến đò, cửa biển từ Cù Mông đến Đà Nông số thuế phải nộp theo ghi chép của Lê Quý Đôn là khá cao: thuế đầm Cù Mông là 466 quan 6 tiền, bến đò Lôi Cối thuế 37 quan 5 tiền, cửa Ô Loan thuế 62 quan, cửa Xuân Đài thuế 31 quan 8 tiền, cửa Đà Diễn thuế 34 quan 6 tiền, cửa Đà Nông 36 quan 6 tiền (3).

 

Trong lúc chế độ thuế khóa họ Nguyễn áp dụng nặng nề và khắc nghiệt đối với các tầng lớp nhân dân, thì tầng lớp quan lại lớn nhỏ ở Đàng Trong lại ăn chơi xa xỉ đến cực độ. Tại kinh đô Phú Xuân, cung điện xây dựng nguy nga rực rỡ, dinh thự quý tộc la liệt hai bên bờ thượng lưu sông Hương và con đường nhỏ ở Phú Cam. Trong những lâu đài, dinh thự bọn thống trị đua nhau ăn chơi trụy lạc, yến tiệc ca hát suốt ngày đêm (4).

 

Lúc này chúa Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi mới 12 tuổi nên Quốc phó Trương Phúc Loan nắm trong tay toàn bộ quyền hành mặc sức tự tung tự tác, thâu tóm tiền của trở nên cự kỳ giàu có “vàng bạc, châu ngọc, vật báu, gấm vóc, vườn ruộng, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa không biết bao mà kể. Lính sở quản mỗi năm nộp đến năm gánh nặng dây mây để thay chuỗi tiền nát. Từng gặp lụt mùa thu, những rương hòm bị thấm ướt, phơi vàng đầy chiếu mây, sáng chói cả sân”(5). Ngoài ra các quan lớn nhỏ khác thì “nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn, gỗ trắc, chén mâm đồ sứ đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu, đua nhau khoe đẹp…”(6).

 

Chế độ thuế khóa nặng nề và lối sống xa hoa của quan lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong nói chung và ở Phú Yên nói riêng đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Bên cạnh mâu thuẫn chủ yếu giữa nông dân với địa chủ, các tầng lớp thương nhân, thợ thủ công và dân tộc thiểu số cũng bất bình với chính quyền họ Nguyễn và sẵn sàng nổi dậy. Đây là nguyên nhân sâu xa và cơ bản của phong trào nông dân Tây Sơn ở Bình Định - Phú Yên. Tác giả Li Tana trong công trình của mình đã rút ra kết luận: thuế và hệ thống thuế đã có một vai trò quan trọng trong cuộc nổi dậy của Tây Sơn (7).

 

II. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA Ở PHÚ YÊN

 

Năm 1771, tại ấp Tây Sơn, Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa.

 

Từ căn cứ Tây Sơn, nghĩa quân tiến về các làng trừng trị bọn cường hào, quan lại, tịch thu mọi giấy tờ sổ sách đem đốt hết, tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế. Đi đến đâu, nghĩa quân được dân chúng hưởng ứng tham gia đông đảo. Năm 1773, sau khi thực lực đã mạnh, nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh thành Quy Nhơn. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên phải bỏ thành chạy trốn cùng toàn bộ quân lính. Thừa thắng, nghĩa quân tiến ra giải phóng Quảng Ngãi, Quảng Nam.

 

Trong lúc anh em Nguyễn Nhạc xây dựng căn cứ ở vùng Tây Sơn Thượng đạo (An Khê) và Tây Sơn Hạ đạo (Bình Khê -nay là Tây Sơn) chuẩn bị khởi nghĩa, tại Phú Yên một tổ chức chống chính quyền chúa Nguyễn cũng đang chuẩn bị lực lượng nổi dậy. Từ núi rừng huyện Đồng Xuân, tổ chức Hưng Quốc hội do một số nhân vật chủ chốt như Võ Văn Cao, Nguyễn Công Lang, Nguyễn Công Cố,  Nguyễn Quang Huy, Lưu Quốc Hưng, Lương Văn Cương... thành lập, đang gấp  rút tập hợp lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa (8).

 

(Còn nữa)

 

-------------------------------

(1) Li Tana (1999)- xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII- Nxb Trẻ, tr.205.

(2) (3) Lê Quý Đôn (1977)- Phủ Biên tạp lục- Nxb Khoa học xã hội, tr.214, 219.

(3) Lê Quý Đôn (1977)- Phủ Biên tạp lục- Nxb Khoa học xã hội, tr. 219.

(4) Nguyễn Phan Quang (1993)- Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1858- Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh ấn hành, tr.53.

(5)(6) Lê Quí Đôn- Phủ Biên tạp lục- Nxb KHXH, tr.216, 360.

(7) Li Tana (1999)- Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII- Nxb Trẻ, tr.170.

(8) Theo Võ Gia thế truyền  của Võ Văn Cao và Khánh - Thuận Bình Tây lược ký của Nguyễn Trung Mưu.

 

Tiến sĩ ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek