Chủ Nhật, 22/09/2024 09:07 SA
Tri ân các thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên (Tiếp theo và hết)
Thứ Sáu, 26/11/2010 10:14 SA

Rồi đây tỉnh nhà sẽ phổ cập bậc trung học phổ thông nhưng nhân dân sẽ không bao giờ quên người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học Lương Văn Chánh - Thầy Trần Suyền - Cố Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Trong cương vị lãnh đạo tỉnh Đảng bộ, ông luôn quan tâm chỉ đạo phát triển giáo dục một cách cụ thể và có hiệu quả.

 

* * *

Thẳng tắp và trang nghiêm như các em nhỏ xếp hàng vào lớp học, như những đội hình binh sắp vào chiến trận, nấm mồ của thầy giáo liệt sĩ Phan Thanh đứng ở hàng đầu cùng với hàng trăm mộ liệt sĩ giáo dục khác mà quê hương của họ là mọi miền Tổ quốc đang nằm chung trong đội hình của những người cùng lý tưởng tại các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nhà. Các thầy cô giáo tiền bối quá cố của chúng ta đang tiếp tục canh gác cho sự an toàn và theo dõi từng bước đường phát triển của nền giáo dục cách mạng của chúng ta.

 

Những điều mà các cụ, các đồng chí chúng ta mơ ước và nhiều điều tưởng chừng chỉ là viễn tưởng còn dở dang trong trang giáo án hay bị lấp vùi trên đường hành quân nay đang được nhanh chóng hóa thành hiện thực trên đất nước ta, quê hương ta. Nền giáo dục cách mạng của chúng ta đang và sẽ có tất cả! Đảng, nhân dân và thời đại đã và sẽ cho chúng ta tất cả! Duy chỉ có tấm lòng, ý chí, tình cảm và tinh thần trách nhiệm là ở chúng ta!

 

Đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Dưới chế độ nào cũng vậy, nhân dân ta luôn liên hệ rất khăng khít với tầng lớp trí thức của dân tộc mà tiêu biểu là giáo giới. Quần chúng rất quý trọng giáo giới, coi họ là tinh hoa của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng cách mạng thông qua lớp trí thức dân tộc đó mà đi đến quần chúng”.

 

Các thế hệ nhà giáo tiền bối của tỉnh nhà đã không phụ lòng với tổ tiên, với dân với Đảng. Cùng với các tầng lớp trí thức yêu nước, các nhà giáo Phú Yên đã có công lớn trong việc tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, họ tiếp thu và truyền bá tư tưởng yêu nước cách mạng trong quần chúng công nông, cùng với nhân dân hy sinh chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hơn nữa đã đặt nền móng vững chắc cho nền giáo dục cách mạng tỉnh nhà chúng ta hiện nay.

 

* * *

Tôi nhớ hôm đến thăm gia đình cụ Trần Chương, nhà giáo lão thành, anh Trần Quang Tỷ, con trai của cụ chỉ cho tôi xem cái nền cũ của “Gia đình học hiệu” ngày xưa giờ là một giàn mướp xanh um rực rỡ hoa vàng. Xế về phía đông là một gốc khế già to gần trọn vòng tay, vỏ đen bóng gồ ghề, chắc phải ngót trăm tuổi, cụt ngọn không có tán lá vì năm Mậu Thân bị bom phạt đứt nửa thân cây và có lẽ vì thế mà nhựa dồn xuống, gốc cây thêm vạm vỡ, mập mạp. Và, ôi thôi, trái là trái, vàng hườm, chen nhau treo đầy gốc chứ không phải chỉ một đôi chùm. Tôi bất giác như thấy cả lũ học trò ngày xưa đang quây quần bên gốc cùng nhai trái khế xanh, miệng hít hà bởi muối ớt. Tôi cũng như thấy cụ giáo Trần Chương cũng như các thầy giáo khác đang ngồi trên chiếc giường gỗ trắc có chạm trổ khá tinh xảo (bị vỡ một phía do mảnh đạn xuyên thủng), chiếc giường do những người thợ thủ công trong “Hưng nghiệp hội xã” đóng còn lại đến bây giờ, vang vọng một giọng ấm áp, các cụ giảng giải cho đám con cháu về đạo lý “ẩm thủy - tư nguyên” uống nước nhớ nguồn và nội dung của đôi liễng ngời đen màu gỗ pha sắc xà cừ cẩn sáng lấp lánh:

 

“Tiên tổ nga hoàng khai phiệt duyệt

Hậu côn tiếp vũ thiệu cơ cừu”

(Tổ tiên xưa khai nghiệp thế gia đại tộc

Con cháu nay tiếp nối truyền thống vẻ vang)

Trong ngày lễ Nhà giáo Việt Nam, tôi xin ghi lại mấy trang này như một nén hương lòng bái vọng các bậc tiền bối tạo nên sự nghiệp giáo dục cách mạng tỉnh nhà.

 

 

Bài viết được thực hiện theo lời kể của bà Phan Ni - người con gái duy nhất của nhà giáo liệt sĩ Phan Thanh; theo lời kể của nhà giáo lão thành Trần Quang Tỷ, bà Trần Thị Minh Thư, con trai và con gái út của cụ giáo Trần Chương; có sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Hữu Sinh, nhà cách mạng lão thành Huỳnh Trúc; và có tham khảo các sách: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên (1930-1945); Bình Kiến mảnh đất trung kiên; Hòa Quang trên đường cách mạng; Sơ thảo Lịch sử Đoàn và phong trào Thanh thiếu niên Phú Yên (1930-1945); Lịch sử Đảng bộ thị xã Tuy Hòa (1930-1945); Lịch sử Đảng bộ huyện Tuy Hòa (1930-1975); Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Sông Cầu (1930-1975).

 

 

Nhà giáo ưu túTS. NGUYỄN XUÂN ĐÀM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek