Chủ Nhật, 22/09/2024 08:45 SA
Tri ân các thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 23/11/2010 08:00 SA

Thật là một đoản văn rất hay luận về quan điểm dạy và học, về phương pháp nghiên cứu và thưởng ngoạn văn học, về vấn đề phát triển tư duy, vấn đề hình thành nhân cách! Đó là một quan điểm giáo dục rất tiến bộ xuất hiện rất sớm từ một nhà giáo tỉnh lẻ. Thầy giáo Trần Chương đã tiếp cận được quan điểm nội dung và phương pháp giáo dục mới của cách mạng.

 

Năm 1937, có cuộc bầu cử nghị viên dân biểu ở Trung Kỳ – Trung ương Đảng chủ trương Đảng ta tham gia các cuộc bầu cử để “lợi dụng các cuộc tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiện của Đảng ta ở các cơ quan lập hiến, binh vực quyền lợi của các tầng lớp nhân dân bị áp bức”. Tỉnh ủy chủ trương đưa thầy giáo Trần Chương ra ứng cử. Được sự ủng hộ và cổ vũ của quần chúng công nông, giáo chức và học sinh, kết quả thầy Trần Chương đã thắng cử trước ứng viên Nam Triều. Thầy Trần Chương và ông Phạm Đàm(1) trở thành nghị viên dân biểu Trung kỳ khóa 1937-1941.

Ở Viện dân biểu Trung Kỳ, nhà giáo Trần Chương và ông Phạm Đàm đứng vào nhóm dân biểu đối lập do ông Phan Thanh ở Quảng Nam lãnh đạo. Nhân các kỳ họp Viện dân biểu, nông dân đã đưa nguyện vọng đòi giảm thuế, chia lại ruộng đất công, giảm xâu, công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi mở trường học… Kết quả là dự án tăng thuế của thực dân Pháp đưa ra đã bị Viện dân biểu bác bỏ.

 

Vào năm 1939 cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, Mặt trận nhân dân Pháp sụp đổ, cách mạng Việt Nam chuyển sang chiến lược mới, Đảng lui vào hoạt động bí mật, phát động phong trào cách mạng trong “Mặt trận thống nhất phản đế”. Năm 1940 thầy Trần Chương cùng ông Đặng Mật sáng lập ra hương trường Ninh Tịnh. Năm 1941 Viện dân biểu Trung Kỳ mãn nhiệm. Thầy giáo Trần Chương hoàn thành sứ mạng Đảng giao phó, trở về tiếp tục nghề dạy học.

 

Trong những năm 1942-1945, thầy giáo Trần Chương và các học trò lại hăng hái tắm mình vào không khí sôi nổi chuẩn bị lực lượng, đánh Pháp đuổi Nhật trong những ngày tiền khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công. Đất nước, dân tộc được giải phóng. Những người trí thức, thanh niên, học sinh được tự do đem tài năng sức lực của mình ra xây dựng cuộc sống mới. Thầy giáo Trần Chương được cử làm thường trực Ủy ban nhân dân cách mạng phủ Tuy Hòa và được phân công vào Ủy ban Mặt trận tỉnh, làm Hội trưởng Hội Nông dân cứu nước. Ông tổ chức hệ thống đoàn thể nông dân các xã, huyện, vận động quần chúng tham gia phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để chống giặc đói; mở các lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, gây đời sống mới để diệt giặc dốt. Đến năm 1951 ông lại được cử làm Hội trưởng Hội giúp binh sĩ bị thương của tỉnh. Bất kỳ ở lĩnh vực công tác nào, thầy Trần Chương cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách chu đáo, có hiệu quả với phong cách một nhà giáo.

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Cụ Trần Chương ở lại quê nhà, lại mở lớp dạy học và hoạt động cơ sở. Năm 1960 ông đã đưa 2 con trai và 1 con dâu thoát ly lên chiến khu tham gia kháng chiến. 2 con trai ông, Trần Nựu và Trần Phô, đã anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sĩ.

 

Tháng 8 năm 1961, cơ sở cách mạng bị bại lộ. Ông bị địch bắt cầm tù. Lại một lần nữa, hơn 30 năm sau khi bị thực dân Pháp cầm tù ở nhà lao Sông Cầu, lần thứ hai ông lại bị bọn Mỹ ngụy giam cầm ở nhà lao Tuy Hòa. Sau 28 tháng giam cầm tra tấn dã man ông vẫn giữ vững khí tiết, trung thành với cách mạng. Năm 1964 ông ra tù, người mang nhiều căn bệnh và từ trần vào tháng 11 năm 1972. Ông hưởng thọ 72 tuổi.

 

Với tư cách một nhà giáo, thầy Trần Chương có một học vấn uyên thâm, một tài năng sư phạm, một lòng yêu nghề mến trẻ cao đẹp, “Gia đình học hiệu” của ông trở thành một cái nôi hun đúc lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do. Các thế hệ học trò mà ông đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường, những công dân ưu tú, nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Ông là nhà giáo có công lao lớn trong việc góp phần xây dựng nền móng cho nền giáo dục cách mạng của Phú Yên.

 

Ông là một người cha mẫu mực, đã xây dựng một đại gia đình có đạo đức, gia phong, con cháu thành đạt, một gia đình cách mạng, văn hóa mẫu mực, một gia đình nhà giáo truyền thống.

 

Thầy Trần Chương – một trong những nhà giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng của đất Phú:

 

Học vấn uyên thâm, chí anh hùng

Một đời thụ mộc dĩ thụ nhân

Non nước thanh bình chưa kịp thấy

Tấm lòng yêu nước mãi soi chung!

 

(III)

 

Một trong những người sớm truyền bá tư tưởng cách mạng vào Phú Yên phải kể đến thầy giáo Phạm Đức Bân. Tháng 2 năm 1927 thầy Bân, giáo viên dạy lớp nhất (tương đương lớp 5 hiện nay) ở Trường tiểu học Thanh Hóa bị kỷ luật vì bọn thống trị nghi thầy làm chính trị, tổ chức phong trào yêu nước, vận động bãi khóa, rải truyền đơn... nên chúng đổi thầy vào huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Tháng 9/1924 chúng lại đổi ông vào Sông Cầu (tỉnh lỵ Phú Yên) vì chúng cho đây là nơi yên ổn. Cùng đi theo thầy Bân có các anh Nguyễn Văn Hợi: Trương Khâm, Phạm Ngọc Hổ.

 

(Còn nữa)

----------------------

(1) Ông Cử nhân Phạm Đàm, người làng Năng Tịnh – Tuy Hòa, nguyên tri huyện Điện Bàn – Quảng Nam

 

Nhà giáo Ưu tú - TS NGUYỄN XUÂN ĐÀM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek