Chủ Nhật, 22/09/2024 09:03 SA
Lực lượng quân đội Tây Sơn trên địa bàn Phú Yên
Thứ Bảy, 27/11/2010 07:30 SA

Về mặt quân sự, tại Phú Yên, nhà Tây Sơn đã xây dựng được một lực lượng quân đội mạnh, nhằm trấn áp các thế lực đối kháng, nhất là Nguyễn Ánh lúc bấy giờ đã chiếm được Gia Định và đang từ phía nam tấn công ra.

 

bpan101127.jpg

Trạm Hải đăng An Ninh (Tuy An). - Ảnh: N.Q

 

Trên địa bàn Phú Yên, ngoài lực lượng thủy binh hùng mạnh còn có những đội tượng binh của Thị Hỏa, của Thủy Xá, kỵ binh của Nguyễn Quang Sáng… mỗi đội có hàng trăm người, hàng chục thớt voi, hàng trăm con ngựa chiến.

 

Hoạt động có ý nghĩa trong việc phát triển lực lượng quân đội lúc này là sau các lần tiến đánh quân Nguyễn ở phía nam, Quang Trung cho thu hồi những chiến lợi phẩm như thuyền chiến, vũ khí đưa về đây nghiên cứu, cải tiến và chế tạo mới. Đây cũng là thời kỳ nghĩa quân mở những xưởng đúc rèn vũ khí rất lớn mà ngày nay còn có thể tìm thấy nhiều di chỉ ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, như khu vực thành Chà Bàn, thành Hoàng Đế (Bình Định), khu vực Ngân Điền, Lỗ Chảo, Sơn Xuân (miền Tây Phú Yên).

 

Từ vùng núi Phú Yên, nghĩa quân khai thác gỗ (để đóng thuyền chiến), luyện thép, chế tạo vũ khí… chở theo đường sông Ba xuống tập kết tại cửa biển Xuân Đài (Phú Yên) và Thị Nại (Quy Nhơn). Tại đây những xưởng đóng thuyền chiến đấu  của Tây Sơn đã ra đời từ những năm 1776 – 1785.

 

Những năm 1791, 1792 công việc này được xúc tiến mạnh mẽ hơn, trên phạm vi từ Quảng Bình vào Phú Yên, để chuẩn bị cho kế hoạch tiến công toàn diện, triệt để của Nguyễn Huệ vào Gia Định. John Barrow là một người Anh, sang nước ta trong những ngày Tây Sơn đóng tàu sôi nổi nhất (1792 - 1793) đã nhận xét: “Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện nay có thể tự hào, đó là nghề đóng thuyền biển… Thuyền biển của họ đi không nhanh, nhưng rất an toàn, bên trong được chia thành nhiều khoang. Loại này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được một khoang mà thôi. Hiện ở Anh đã bắt chước cách đó để đóng tàu” 1.

 

Khả năng quân Tây Sơn đóng được những chiến hạm kiểu châu Âu là có thật. Nghĩa quân Tây Sơn ở Phú Yên đã góp phần to lớn vào việc chế tạo súng ống, luyện thép, khai thác gỗ, đóng chiến thuyền. Hoàng Lê nhất thống chí 2 có nói đến việc Quang Trung “đóng tàu biển” thật lớn, có thể chở “voi” để dọa đánh nhà Thanh. Chaigneau, Barizy là những sĩ quan Pháp từng trực tiếp giáp mặt với quân thủy Tây Sơn đã phải thừa nhận sự tồn tại ngoài trí tưởng tượng của chúng những chiến hạm Tây Sơn trang bị tới 50 – 60 khẩu đại bát hạng nặng. Chính sử nhà Nguyễn3 gọi đó là loại thuyền “Đại hiệu”. Sách Hoàng Lê nhất thống chí (Sđd, tr. 403) mô tả thuyền “Đại hiệu” như một pháo đài di động, trên “lập chòi gác, đặt súng lớn”.

 

Các xưởng rèn đúc, chế tạo vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn ở vùng miền Tây Phú Yên đã chế tạo, bổ sung một nguồn vũ khí lớn cho Tây Sơn, như: gươm, giáo, hỏa hổ, hỏa cầu…

 

Hỏa hổ là một loại vũ khí hình ống. Sử sách Nguyễn thường gọi hỏa hổ là hỏa phun đồng. Hỏa cầu (lưu hoàng) là loại quả nổ dùng để ném hoặc bắn, có tác dụng như lựu đạn hoặc phóng lựu. Tùy chất nạp mà quả nổ có thể tạo ra khói độc, nhựa cháy, mảnh vụn sát thương …

 

Nhờ có thêm hai lại hỏa khí nói trên và pháo trên chiến thuyền nên hỏa lực của quân đội Tây Sơn khá mạnh, tạo ra bước phát triển vượt bậc cho nghĩa quân cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong bức thư đề ngày 11/ 4/ 1801, Barridy - một người Pháp, cố vấn của Nguyễn Ánh - bấy giờ đang ở Gia Định, gởi cho Letondal, viết về trận hải chiến trên vùng biển Bình Định – Phú Yên xảy ra trước đó hai tháng đã thống kê khá chi tiết về lực lượng quân Tây Sơn do đô đốc Võ Văn Dũng chỉ huy: “Quân địch do đô đốc thiếu phó chỉ huy gồm:

 

- 9 tàu (vaisseaux) loại 66 đại bát (canons) cỡ 24 livres (cân Anh), mỗi tàu 700 thủy binh.

- 5 tàu lại 50 đại bác, cỡ 24 livres, mỗi tàu 600 thủy binh.

- 40 tàu lại 50 đại bác, cỡ 12 livres, mỗi tàu 200 thủy binh.

- 93 thuyền chiến (galères), loại 1 đại bác, cỡ 36 livres, mỗi thuyền 150 thủy binh.

- 300 xuồng gắn pháo (chaloupes canonniéres), loại 50 thủy binh.

- 100 tàu buồm kiểu Đàng Trong, loại 70 thủy binh”.

 

Trong một đoạn khác Barridy còn cho biết quân Tây Sơn còn 4.800 thuyền vận tải nữa đang đậu ở các cảng ven bờ.4

 

Những chuyển biến sâu sắc trong quân đội Tây Sơn, nhất là việc hình thành căn cứ quân thủy lớn ở vùng biển Cù Mông – Thị Nại, từ năm 1789. Bằng hoạt động tuần tra rất có hiệu quả của các đội “du thuyền” và sự xuất hiện những tàu thuyền lớn trang bị nhiều pháo chuyên hoạt động trên biển đã làm rõ nét một lực lượng hải quân độc lập, hùng hậu.

 

------------------------------

(*) Trường Đại học KHXH&NV

– Đại học Quốc gia T.P HCM.

1. Arch. M. E. Coch. Vol. 746,p.870. Trích lại trong Sử địa số 21, Sài Gòn 1971, tr. 159.

2. Ngô gia văn phái – Hoàng Lê nhất thống chí – NXB Văn học (in lần thứ 2), Hà Nội, 1970, tr. 385.

3. Đại Nam thực lục – chính biên, T.II. NXB Sử học, Hà Nội, 1962, tr.378.

4. Sử địa,  số 21, Sài Gòn, năm 1971, tr. 166.

 

TS. PHẠM  NGỌC TRÂM (*)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek