Chủ Nhật, 22/09/2024 09:01 SA
Tri ân các thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 24/11/2010 10:30 SA

Thầy Bân được bổ dạy lớp nhất ở trường tiểu học Sông Cầu. Trước hết thầy Bân lo làm tròn phận sự của nhà giáo, đem hết tâm sức để dạy dỗ học trò. Và cũng chẳng bao lâu thầy đã kết thân với các thầy Bùi Dung, Trịnh Bá Đài... Thầy có mối quan hệ rất rộng, thu hút cả giới công chức trong tỉnh như Trương Đình Nhị, Trương Đình Giám ở Sở Lục lộ Phú Yên.

 

Vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ rất nhiều công chức, giáo chức, học sinh đến nhà thầy đọc sách báo. Được đọc các báo Thần Chung, Tiếng dân, thơ Huyết lệ thư của cụ Phan Sào Nam, sách Quân trị hay dân trị của cụ Phan Tây Hồ; được thầy dạy những bài hát như Chiêu hồn nước, Hỡi đồng bào, Người đi đày..., được nghe thầy giảng giải những điều lạ, điều hay, lớp trẻ như được nhận một làn gió mới lạ, phấn chấn. Và làn gió ấy ngày một lan xa.

 

Thầy là đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng. Chẳng bao lâu, đến đầu năm 1928, Tân Việt Cách mạng Đảng đã phát triển lên được 20 đảng viên, gồm đủ các thành phần xã hội: Nông dân, công nhân, công chức, thầy giáo, học sinh. Chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Phú Yên đã liên hệ được với tổ chức trung ương và bắt đầu có những hoạt động táo bạo như treo cờ, rải truyền đơn, kêu gọi tinh thần yêu nước, đấu tranh chống thực dân, phong kiến, vận động chuẩn bị điều kiện để đưa người sang Trung Quốc làm cách mạng.

 

Trong thời kỳ này, Chi bộ Tân Việt Cách mạng Đảng ở Phú Yên mà thầy Phạm Đức Bân là người tổ chức và lãnh đạo, là ngọn cờ của phong trào yêu nước, nêu cao đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Tiếc thay sứ mệnh của thầy quá ngắn ngủi, do cuộc sống khó khăn, quá lao tâm, lao lực, sau một cơn bạo bệnh, thầy đã qua đời vào một ngày đầu xuân năm 1928 tại Sông Cầu.

Thầy Phạm Đức Bân qua đời là một sự mất mát lớn cho phong trào cách mạng mới được nhen nhóm. Thầy đã để lại niềm tiếc thương vô hạn và lòng ngưỡng mộ trong giáo giới và học sinh Sông Cầu, Phú Yên.

 

Do ảnh hưởng tư tưởng và đường lối cứu nước của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội và sự thành lập các tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ thành lập 17/6/1929, An Nam cộng sản Đảng, thành lập vào mùa thu 1929, những người ưu tú trong Tân Việt Cách mạng Đảng đã thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn và tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Những người đảng viên Tân Việt ở Phú Yên do thầy Phạm Đức Bân tổ chức cũng là những người nòng cốt trong việc thành lập tổ chức cộng sản ở tỉnh nhà.

 

Vào cuối năm 1929, chủ nghĩa Mác và tư tưởng cách mạng đã được truyền bá, thâm nhập vào quần chúng công nông và chiếm ưu thế trong phong trào yêu nước trên toàn quốc nói chung và trong tỉnh nhà nói riêng mà trong đó các nhà giáo và học sinh thanh niên đóng vai trò quan trọng. Ở Phú Yên ta, các nhà giáo Phan Thanh, Trần Chương, Phạm Đức Bân, Phạm Ngọc Quế, Bùi Dung, Trịnh Bá Đài..., các học sinh Võ Thị Trang, Phan Lưu Thanh, Huỳnh Lưu, Phạm Đức, Đặng Tín... là những người nhen nhóm phong trào cách mạng ở Phú Yên, là những hạt giống đỏ cho sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (10/1930) và thành lập Tỉnh ủy (1/1931) do đồng chí Phan Lưu Thanh làm bí thư. Đảng lãnh sứ mạng thiêng liêng lãnh đạo nhân dân Phú Yên tiến lên một giai đoạn cách mạng mới đầy gian lao hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang, anh dũng.

 

Đến tháng 3 năm 1931, vì nhu cầu công tác, phân ban Xứ ủy Trung kỳ điều động đồng chí Phan Lưu Thanh về phụ trách công tác tuyên truyền của Xứ ủy và cử đồng chí Trần Toại (tức Tạ Kim Tương) về làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

 

Đồng chí Trần Toại sinh năm 1890, người làng Thi Phổ Nhất, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Ông vào nghề dạy học từ rất sớm. Ông đã tham gia hai cuộc vận động yêu nước vào những năm 1908, 1916 và là một trong những người sáng lập tổ chức “Hội Thiếu niên Ái quốc” ở Mộ Đức. Ông cùng người anh trai lập trại nuôi tằm ở vùng núi Ba Đông (Ba Tơ) và dạy học để truyền bá tư tưởng cách mạng cho quần chúng và học sinh trong vùng. Đảng bộ Cộng sản Quảng Ngãi ra đời tháng 3 năm 1930. Thầy Trần Toại được bầu làm Bí thư Chi bộ Đảng ở Bãi Ri (Ba Tơ). Sau đó, Xứ ủy Trung kỳ cử thầy vào làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thay cho đồng chí Phan Lưu Thanh. Về Phú Yên, ông nhanh chóng nắm tình hình phát triển tổ chức và thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Xứ ủy một cách năng nổ, sáng tạo. Thầy Trần Toại cùng với tỉnh ủy và các chi bộ địa phương tổ chức hàng loạt cuộc mít – tinh tuyên truyền đường lối của Đảng, lên án tội ác của thực dân phong kiến ở đèo Con Tôm, Bầu Rùa, Thạnh Đức, Triêm Đức, Phước Lãnh, Cồn Loi, La Hai (Đồng Xuân)... thu hút được hàng ngàn quần chúng, có nơi lôi cuốn được cả chánh tổng – hương lý tham gia.             

 

(Còn nữa)

Nhà giáo ưu tú - TS NGUYỄN XUÂN ĐÀM

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek