Chủ Nhật, 22/09/2024 08:59 SA
Tri ân các thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 22/11/2010 08:02 SA

Tôi thật bồi hồi, xúc động khi được lật từng trang của một quyển vở soạn bài, quyển vở mà do sự nể trọng nhà giáo Trần Quang Tỷ mới cho tôi mượn, quyển vở mà anh xem như là một bảo vật, một di sản tinh thần vô giá của Nhà giáo Trần Chương - người cha kính yêu của anh để lại cho gia đình.

 

Quyển vở dày trên 100 trang. Trải qua thời gian không dưới nửa thế kỷ, một số trang đã mục nát, màu mực đã phai mờ. Song nhiều trang nét chữ vẫn còn ánh lên tươi sáng. Bài soạn có cả chữ Hán, chữ quốc ngữ và thỉnh thoảng có chú thích cả chữ Tây. Những con chữ quốc ngữ thì nghiêng nghiêng, chân phương, đều tăm tắp. Chữ “Thánh hiền” thì sắp từng hàng dọc nghiêm trang, chỉnh tề với những nét “mác” sắc ngọt, nét “liễu” mỏng manh, nét “qua” tung hoành; và nhất là những điều chất chứa trong ấy - một sở học uyên thâm, một tấm lòng yêu nước tràn đầy, kín đáo của một bậc chân nho.

 

Nhà giáo Trần Chương, là bạn đồng nghiệp, đồng chí thân thiết của Phan Thanh trong chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH), trong “Hưng nghiệp hội xã” và cũng là người bạn tù kiên cường, bất khuất trong nhà lao của thực dân Pháp ở Sông Cầu. Đọc câu đối ông viếng người bạn, người bí thư của mình bị địch sát hại mới thấy tình cảm sắt son, chan chứa đến dường nào:

 

“Trên vì nước, dưới vì nhà, anh có lẽ nào quên, nơi Sông Cầu khảo tra, trời biển bơ vơ hồn cảm cựu.

 

Mẹ khóc con, em khóc anh, tôi không buồn sao được, mây Chóp Chài bao phủ, đêm ngày reo rắt tiếng hoài nhơn”.

 

Ông Trần Chương ra đời năm 1900, người làng Năng Tịnh, mồ côi cha từ sớm, được mẹ và ông nội chăm chút việc học hành. Vốn thông minh, có khiếu văn chương - liễn đối, 15 tuổi đã tham gia thi Hương ở Huế, 18 tuổi thi Tam trường ở Bình Định. Nhưng cũng như trường hợp Phan Thanh, ông bị đánh rớt vì bài làm mang tư tưởng chống đối Nam triều và thực dân. Ông về quê thi vào lớp sư phạm cấp tốc ở Sông Cầu vào năm 1920 và được bổ làm hương sư tại Liên Trì, Đông Mỹ. Sau trường bị đốt cháy, ông về mở “Gia đình học hiệu”. Học trò trong vùng nghe tiếng theo học rất đông. Người ở xa mang gạo mắm đến trọ nhà để học. Cả nhà từ vợ thầy đến các con gái lớn của thầy cùng lo cơm nước giúp học trò ăn học; Thầy thì lo giúp người học việc đèn sách.

 

Qua từng trang giáo án, còn đó nội dung giáo huấn của thầy. Đó là những tinh hoa của Nho học. Với từng mẩu chuyện, từng điển tích, thầy dạy đạo đức làm người, thầy dạy chữ “Nhân” chữ “Lễ”… cho học sinh. Thầy nêu gương bền chí của Ngu Công dời núi, thầy dạy thanh niên phải biết lập “Đức” từ bi như Phật Thích Ca, đồng thời cũng phải biết kiên quyết như Khổng Tử khi chém tên tặc đức Thiếu Chính Mão; phải biết “lập công” như vua Vũ trị thủy đem lại no ấm cho dân lành và phải biết “lập ngôn” theo chính sách “Tam dân” của cụ Tôn Trung Sơn: “Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc”.

 

Giờ nghe sách của thầy, thơ văn của các bậc chí sĩ tiền bối là một nội dung quan trọng. Học trò của thầy ai cũng thuộc bài thơ “Thế nào là ái quốc” của cụ Phan Bội Châu; bài “Chí thành thông thánh” của cụ Phan Chu Trinh. Và nó đã thành lời cổ động cách mạng, thành lời thúc giục sục sôi trong tâm hồn non trẻ đầy nhiệt huyết của các lớp học trò.

 

Trong giáo án của thầy Trần Chương lại có cả bài lịch sử về kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Bài giảng kết luận: “Yêu cầu của công nhơn giai cấp theo lệ nhất định, ngày làm việc 8 giờ là hợp lý. Bạn thợ quốc tế lấy ngày 1/5 lưu huyết làm ngày kết đoàn tranh đấu cho lợi quyền công nhân giai cấp”.

 

Lại có bài khuyên răn những đứa con mắc phải thói hư, tật xấu như cờ bạc, rượu chè, trộm cướp, hút xách, điếm đàng đĩ thỏa:

 

“Các con hãy mau mau tỉnh ngộ,

Đừng theo phường bán nước hại dân

Sao cho nòi giống tiên rồng,

Sánh vai cường quốc, ngang tầm bốn phương”

 

Thầy Trần Chương đề cao quan điểm dạy và học mới: “Trọng cách trí - chống từ chương” (cựu học trọng từ chương - tân học trọng cách trí). Thầy giảng giải một cách tường minh câu “cách vật nhi trí tri” trong sách Đại học. “Dạy và học phải nghiên cứu, xem xét tỉ mỉ, tinh tường các bộ phận của vật mới biết được cái lẽ tự nhiên của vật ấy. Bài Cách trí mà tiếng Pháp gọi là “Lecon de choses” - là bài học về sự vật cũng không lột hết tinh thần chữ “cách trí”. Phải hiểu được phép “sinh khắc - chế hóa” của âm dương, ngũ hành họa may mới khám phá được cấu tạo của vạn vật trong vũ trụ, như thế mới gọi là cách trí”.

 

Ông lại viết: “Chúng ta xem thi cũng như xem văn phải biết nhận xét cả 2 mặt, mặt thiệt và mặt ngụ ý, nói bóng qua việc gì, mới thấy cái hay của người làm thi, làm văn. Qua những văn từ ấy thì phải biết nhận xét tác giả ở chế độ nào, hoàn cảnh nào mới thốt ra câu ấy.

 

… Ta kinh qua một địa phương nào, thấy nhà cửa, rào dậu, đường sá ra sao thì có thể biết được trình độ người ở chỗ ấy ra thế nào. Người ta nói quan sát hiện tượng là thế đó. Ta xem “hiện tượng” ta có thể biết được “ẩn tượng”; xem hiện tại có thể biết được dĩ vãng và nghĩ đến tương lai. Nếu ta học mà để ý chí vào thì ta có thể thành thánh nhơn được. Đừng cho thánh nhơn là hạng người muôn ngàn đời mới có. Thánh nhơn là hạng người thường mà có ý chí học hỏi, quan sát, suy luận mà thành ra. Đừng tin thánh nhơn chỉ là thần tiên giáng sinh, ta là người thường không thể nào thành thánh nhơn. Tin thế là sai”.            

 

Nhà giáo Ưu tú - TS NGUYỄN XUÂN ĐÀM

                               

 

 

 (Còn nữa)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek