Chủ Nhật, 22/09/2024 08:42 SA
Tri ân các thầy giáo tiền bối của nền giáo dục cách mạng Phú Yên (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 21/11/2010 09:30 SA

Khoảng tháng 1/1929, các thanh niên, thầy giáo, học sinh nòng cốt trong “Hưng nghiệp hội xã” bắt được liên lạc với ông Hoàng Hữu Đàn, một cán bộ lãnh đạo của VNTNCMĐCH Trung kỳ. Chi bộ VNTNCMĐCH đầu tiên được thành lập ở Tuy Hòa, ba tôi được bầu làm bí thư chi bộ.

 

Tháng 6/1929, ba tôi được triệu tập vào Sài Gòn để đáp tàu thủy sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện do VNTNCMĐCH tổ chức. Trên đường đi, bị địch phát hiện, ba tôi phải cải trang nhiều lần. Nhưng bọn địch vẫn bám riết, ba tôi phải nhảy xuống biển Nha Trang bơi vào một xóm vắng cải trang thành người lái ghe bầu mới thoát. Vì gặp nhiều trở ngại nên khi ba tôi vừa đến Sài Gòn thì tàu đã rời bến trước đó nửa giờ.

 

Trễ chuyến đi lịch sử đó, ba tôi trở về Tuy Hòa tiếp tục hoạt động. Với khí thế sôi nổi và nhiệt tình hăng say, Hội định rải truyền đơn trên toàn tỉnh để kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1929. Rất tiếc, kế hoạch bị lộ. Kẻ địch đã theo dõi từ lâu, nay chúng ra tay khám xét, bắt bớ, truy nã tổ chức VNTNCMĐCH. Đến cuối năm 1929, “Hưng nghiệp hội xã” bị đóng cửa. Những người lãnh đạo hội, trong đó có ba tôi và nhiều hội viên khác bị bắt giam ở nhà lao Sông Cầu. Sau 9 tháng bị địch dụ dỗ, tra tấn cực hình nhưng các cụ vẫn giữ tròn khí tiết, gan dạ kiên cường, lý lẽ sắc bén làm cho cả quan tây lẫn quan ta phải nể phục. Không khai thác được gì, tòa sứ Pháp buộc phải thả các cụ.

 

Ra tù, vừa về đến nhà, ba tôi mới kịp nhìn thấy tôi lúc ấy mới 1 tháng tuổi đang ngủ trên tay mẹ, ba tôi liền hỏi: “Con gái của chúng ta đấy à!”. Ngay lúc ấy, ba tôi kêu ngạt thở, ộc máu, người tím tái, quằn quại một lúc rồi tắt thở. Nội tôi thét lên: “Trời ơi! Chúng nó đầu độc giết chết con tôi!”.

 

Đám tang của ba tôi tổ chức trong vội vàng, hiu quạnh. Theo sau linh cữu của người vẻn vẹn chỉ có mười cậu học trò và người vợ trẻ tay bồng con thơ, ngất xỉu trong vòng tay của mấy dì tôi. Bà con hàng xóm không ai dám đến viếng thăm vì sợ mang tội liên quan với cộng sản. Tuy vậy những ngày sau đó trên mộ ba tôi lúc nào cũng có nhiều bó hoa tươi.

 

Lướt nhìn căn phòng đơn sơ của con gái người chiến sĩ quá cố, một nữ cán bộ về hưu với 60 tuổi Đảng, mắt tôi ngưng đọng lại bên bàn thờ khiêm nhường mà trang nghiêm nổi bật tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Phan Thanh mang số BC/334C do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 28/12/1976 cùng di ảnh của một thanh niên có thân hình dong dỏng cao, dáng thư sinh trong bộ áo dài đen, cổ cao, viền trắng, đầu đội khăn đóng, đôi mắt mở to, mũi thẳng dọc dừa, nhân trung sâu, tai rộng và đôi môi nghiêm nghị. Tất cả như toát lên một ánh sáng kỳ lạ, một ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng có trí tuệ thông minh, lòng nhân hậu của người thầy giáo.

 

Cuộc đời hoạt động cách mạng và dạy học của thầy giáo Phan Thanh ngắn ngủi nhưng vô cùng oanh liệt và sáng chói như một ánh sao băng đánh dấu cho sự mở đầu một giai đoạn cách mạng mới của Phú Yên. Thầy Phan Thanh hy sinh khi mới bước vào tuổi 26 (1904-1930). Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng ông đã để lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử cách mạng tại địa phương. Thầy Phan Thanh, người có công lao khởi đầu nhen nhóm, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, nêu cao tấm gương trung kiên bất khuất cho bao thế hệ trí thức, giáo chức, thanh niên học sinh tỉnh nhà. Nhiều đồng đội, nhiều đồng chí và học sinh của thầy trong chi hội VNTNCMĐCH Phú Yên đã trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Phú Yên năm 1930 và trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng qua các thời kỳ cách mạng.

 

Qua ký ức của các nhà cách mạng lão thành Phú Yên như Nguyễn Văn Nguyên, Phan Lưu Thanh, Huỳnh Nựu… người Bí thư chi bộ đầu tiên của VNTNCMĐCH Phú Yên - Thầy giáo Phan Thanh được tôn vinh là một trong những bậc tiền bối mở trang lịch sử cách mạng của tỉnh nhà. Đúng như lời tưởng niệm của đồng chí Lê Tấn Thăng(*).

 

“Hồn thiêng đồng chí Phan Thanh

Mở đầu cách mạng rạng danh tỉnh nhà”.

 

(Còn nữa)

-------------------------------

(*) Lê Tấn Thăng, Hội viên VNTNCMĐCH, ủy viên BCH Đảng bộ Phú Yên năm 1936, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng.

 

Nhà giáo Ưu túTS. NGUYỄN XUÂN ĐÀM

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2010

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek