Chủ Nhật, 22/09/2024 08:40 SA
Phú Yên - những cải cách về kinh tế, tài chính của Quang Trung
Thứ Sáu, 19/11/2010 09:45 SA

Phục hồi kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong cuộc cải cách của vua Quang Trung. Nhiệm vụ đó đã được quan quân nhà Tây Sơn ở Phú Yên triển khai khá triệt để. Chính quyền địa phương đã cho dân phiêu tán trở về quê quán nhận ruộng cày; những người ngụ cư đã sinh cơ lập nghiệp trên ba đời thì cho nhập tịch ở xã ấy. Xã nào chứa chấp người trốn tránh thì bản thân người trốn tránh và cả xã trưởng sở tại đều bị trừng phạt. Bọn lưu manh trốn lao động, ẩn nấp trong các chùa chiền cũng phải “hoàn tục”, trở về quê làm ăn lương thiện. 

 

tien-co101119.jpg

Trong phát triển kinh tế thì đúc tiền là việc làm được triều đại Tây Sơn rất quan tâm  - Ảnh: Đ.LÊ

 

Đối với các làng xã quá thời hạn quy định mà không sản xuất hết diện tích thì ruộng đất công bỏ hoang sẽ phải nộp thuế gấp đôi, ruộng đất tư bỏ hoang sẽ bị tịch thu làm ruộng công.

 

Việc giải quyết tình trạng phiêu tán và thanh toán ruộng đất bỏ hoang là hai biện pháp chủ yếu để phục hồi, phát triển nền nông nghiệp ở Phú Yên lúc này. Nhờ vậy đến “1791 mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”1. Việc thực thi và triển khai các chính sách về nông nghiệp dưới thời Tây Sơn ở Phú Yên đã nhanh chóng khắc phục nạn lưu vong và tình trạng ruộng đất bỏ hoang sau hàng thế kỷ loạn lạc kéo dài.

 

Không chỉ chăm lo phục hồi, phát triển kinh tế nông nghiệp, quan quân nhà Tây Sơn ở Phú Yên còn bãi bỏ chính sách “ức thương” phản động của họ Nguyễn trước đây và thực hiện chính sách phát triển công thương nghiệp. Gần 30 năm (1776 - 1802) dưới triều Tây Sơn, hoạt động công thương ở Phú Yên có nhiều khởi sắc. Những xưởng thủ công của nhà nước vẫn duy trì đóng thuyền, đúc vũ khí và sản xuất một số sản phẩm đặc biệt cho nhà nước.

 

Năm 1788, sau khi lên ngôi, vua Quang Trung cho đúc một loại tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo). Nếu tính chung triều đại Tây Sơn với gần 30 năm ngắn ngủi (1776 - 1802), nhà Tây Sơn đã đúc 37 kiểu tiền (kể cả “Thái Đức thông bảo” của Nguyễn Nhạc và “Cảnh Thịnh thông bảo” của Quang Toản).

 

Trên địa bàn Phú Yên, tiền Tây Sơn được lưu hành rộng rãi từ miền biển đến vùng miền núi xa xôi. Về số lượng đồng tiền Quang Trung áp đảo tất cả các loại tiền Việt Nam và cả Trung Quốc được lưu hành đồng thời. “Nhà Tây Sơn đã làm được một việc lớn mà từ đầu thời kỳ độc lập tự chủ của lịch sử nước ta hồi thế kỷ X chưa làm được, đó là dùng tiền Việt Nam thay thế tiền Trung Quốc trên thị trường khắp nước… Tiền Tây Sơn không những được nhân dân trong nước tín nhiệm tiêu dùng hàng nửa thế kỷ sau khi triều Tây Sơn mất, mà còn lưu hành ra cả nước ngoài… Sách Trung Quốc hóa tệ sử của Bành Tín Uy do Nhà xuất bản nhân dân Thượng Hải ấn hành năm 1965 đã ghi việc “cấm dùng tiền ngoại Quang Trung” trong bảng “Niên biểu những sự kiện lớn về lịch sử tiền tệ Trung Quốc”… Từ trước đến nay chưa thấy có hiện tượng tiền Việt Nam lưu hành trên đất Trung Quốc”2, ngoại trừ tiền Quang Trung. 

 

Theo cử nhân Nguyễn Danh Hạnh – hiện công tác tại Bảo tàng Phú Yên – hầu như tất cả các di chỉ khảo cổ được khai quật ở Phú Yên từ trước đến nay, đối với những di tích có tiền cổ thì tiền Quang Trung chiếm tỉ lệ khá cao.3 

 

Về thuế và thi hành những chính sách thuế khóa trên địa bàn Phú Yên dưới thời Tây Sơn là tương đối hợp lý và đơn giản. Ngạch thuế ruộng đất công, tư được thi hành thống nhất cho  tất cả các vùng trong toàn trấn Phú Yên. Thuế ruộng, thời kỳ này được chia làm hai loại: ruộng công và ruộng tư, mức thuế khác nhau.

 

Dưới thời Quang Trung đất vườn được miễn thuế. Chính sách thuế ruộng đơn giản hơn trước, không những giảm nhẹ một phần nào mức độ đóng góp cho nhân dân, mà còn ngăn ngừa bớt tệ tham ô, sách nhiễu của bọn quan lại.

 

Theo tinh thần “bớt thuế, thương dân”, các loại thuế nhân đinh, thuế thổ sản, thuế công thương ở Phú Yên đều được giảm nhẹ hay bãi bỏ. Về thuế thổ sản và thuế công thương nghiệp cũng bãi bỏ một số sắc thuế nặng nề trước kia, nhằm tạo điều kiện sản xuất và kinh doanh dễ dàng cho giới công thương.

 

Những cải cách tiến bộ của vua Quang Trung về kinh tế, tài chính đã có những tác động nhất định đối với nhân dân Phú Yên, góp phần mở đường cho sức sản xuất phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, những chính sách ấy nếu được thực hiện triệt để trong một thời gian dài, thì nhất định sẽ tạo ra những khả năng phát triển mới, đưa Phú Yên (nói riêng) xã hội Việt Nam (nói chung) thoát khỏi tình trạng khủng hoảng đình trệ. Nhưng trong thực tế, những chính sách tích cực ấy vẫn bị hạn chế, vì việc thực hiện không triệt để, bị bọn quan lại cũ lợi dụng phá hoại và vì triều đại Quang Trung tồn tại trong thời gian quá ngắn ngủi.

 

Những cố gắng của Quang Trung không phải là vô ích. Trong thực tế, với những cố gắng mạnh bạo, phù hợp xu thế thời đại, Quang Trung đã hé mở lối thoát cho xã hội Việt Nam hồi cuối thế kỷ XVIII. Và cống hiến của các thế hệ thời Quang Trung chủ yếu là đã tạo được thế bản lề cho lịch sử sang trang. Triều đại Tây Sơn với những chính sách cải cách tiến bộ vẫn là một triều đại có một vị trí xứng đáng trong lịch sử Việt Nam.

 

——————

(1) Theo GS. Nguyễn Phan Quang - Sđd - tr.150.

(2) Đỗ Văn Ninh - Tiền cổ Việt Nam - NXB KHXH, Hà Nội, 1992, tr.121-140.

(3) Đây là một đề tài khá lý thú về tiền cổ ở Phú Yên. Thông qua gần một tấn tiền cổ được khai quật ở Phú Yên, hy vọng những nhà nghiên cứu sẽ lý giải thêm nhiều điều bổ ích.

 

TS.  PHẠM  NGỌC TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek