Chủ Nhật, 22/09/2024 08:32 SA
Những chính sách cải cách về chính trị, quân sự của Quang Trung tác động đến Phú Yên
Thứ Năm, 18/11/2010 10:00 SA

Từ khi còn là Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ đã chú ý nhiều mặt về chính trị, từng bước xây dựng chính sách ở trung ương và địa phương. Sau khi xưng đế (25/11/1788) Quang Trung củng cố lại chính quyền trung ương theo quy cách một triều đình đế vương.

 

vinh-cu-mong101118.jpg

Đầm Cù Mông  - Ảnh: Đ.LÊ

 

Việc phân chia khu vực hành chính và tổ chức chính quyền địa phương cũng được Quang Trung chỉnh đốn lại thống nhất và chặt chẽ.

 

Đứng đầu mỗi trấn có chức trấn thủ là một võ quan và chức hiệp trấn là một văn quan. Mỗi huyện có chức văn phân tư và võ phân suất đứng đầu, dưới có chức tả quản lý và hữu quản lý, giúp việc. Các tổng có tổng trưởng, xã có xã trưởng phụ trách việc hành chính.

 

Đứng đầu trấn Phú Yên lúc này là Trấn thủ (võ quan) đô đốc Nguyễn Văn Lộc, sau đó là Nguyễn Quang Huy; Hiệp trấn (quan văn) là Phạm Văn Tung. Phạm Văn Tung (ở Phù Mỹ – Bình Định), có tiếng hay chữ từ lúc nhỏ, lại có tài cỡi ngựa, bắn cung.

 

Về cơ bản tổ chức chính quyền ở trấn Phú Yên dưới thời Tây Sơn vẫn là một chính quyền quân chủ quan liêu, nhưng thành phần quan lại có những điểm mới. Đó là một bộ phận quan chức vốn là những tướng lĩnh nông dân bên cạnh một số quan lại sĩ phu cũ được giữ lại và những quan lại mới được tiến cử hoặc xuất thân khoa cử do triều đình tổ chức. Đối với quan lại cao cấp, như các chức Trấn thủ, Hiệp trấn … triều đình thực hiện chế độ bổng lộc, cấp cho họ một số xã và một số dân đinh để thu thuế; Nhà nước không ban cấp ruộng đất cho quan lại làm lộc điền.

 

Tổ chức chính quyền làng xã ở Phú Yên trong buổi đầu xây dựng vẫn còn ảnh hưởng mô hình của nhà Nguyễn, nên có nơi còn cồng kềnh, chưa thống nhất, nhưng đã kịp thời điều chỉnh phù hợp với địa bàn và điều kiện dân cư, đảm bảo an ninh trật tự nhằm phát triển kinh tế – xã hội; tránh tình trạng “Quan càng nhiều thì dân càng bị nhiễu. Quyền nghi, công việc bất nhất” (1).

 

Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới, triều Tây Sơn một mặt thực hiện chính sách “cầu hiền”, thu nạp nhân tài, trọng dụng những sĩ phu thành tâm theo mình; mặt khác, phải tổ chức trường học, khoa thi; ba năm mở một khoa thi. Khoa thi văn, gọi là “khoa Minh Kinh”. Năm 1789 (năm Quang Trung thứ nhì), khoa thi hương đầu tiên được tổ chức ở Nghệ An, do Nguyễn Thiếp làm chánh chủ khảo. Trong cuộc thi này ở miền Trung có nhiều người ra ứng thí. Trúng tuyển vào hạng ưu trong kỳ thi này có:

 

1. Phan Văn Biên, ở Phú Yên, giỏi về kinh dịch, thông cả bách gia chư tử, lại còn thạo âm nhạc, rành toán pháp. Đậu xong, ông được triều đình bổ ngay làm quan Huấn đạo.

2. Đinh Sĩ An, ở Bình Khê – Bình Định, là một thành viên trong “Tây Sơn tứ tài tử”2.

3. Phạm Văn Tung, ở Phù Mỹ – Bình Định, được phong làm quan Hiệp trấn ở Phú Yên.

4. Trần Trọng Vỹ (ở Hoài Ân), được phong làm Thị lang Bộ Lễ.

5. Đặng Sĩ Nguyên (ở Quảng Nghĩa), được bổ nhiệm làm quan Biên tu.

6. Đặng Mộng Kỳ (Quảng Nam), sau làm quan cho Nguyễn Ánh.

7. Lê Xuân Tá (người Quảng Nam), làm quan đến chức “An phú” ở Phú Yên.

 

Như vậy trong số bảy người đậu hạng ưu ở kỳ thi đầu tiên của triều Quang Trung ở Phú Yên có một người (Phan Văn Biên), và trong số này đã có hai người được bổ nhiệm về Phú Yên (Phạm Văn Tung, Lê Xuân Tá).

 

Sau kỳ thi đầu tiên, Quang Trung ban bố Chiếu lập học tổ chức lại việc học hành và thi cử. Khoa cử dần dần trở thành phương thức đào tạo quan trọng của vương triều Tây Sơn.

 

Trong quá trình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và sau khi xưng đế, Quang Trung rất chú ý thu nạp nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, tập hợp được nhiều sĩ phu có năng lực, thành tâm theo đuổi sự nghiệp của phong trào, như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Thế Lịch, Trần Bá Lãm, Nguyễn Bá Lan, Nguyễn Nha, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch, Võ Văn Cao, Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhưng Huy, Tư Linh, Lưu Quốc Hưng, Nguyễn Quang Huy…(3).

 

Trong số các sĩ phu nêu trên, nhiều người vốn sinh ra hoặc lớn lên ngay trên mảnh đất Phú Yên, nơi luôn luôn là trung tâm của cuộc chiến tranh, như: Võ Văn Cao, Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhưng Huy, Tư Linh, Lưu Quốc Hưng, Nguyễn Quang Huy, Thị Hỏa, vua Thủy Xá, vua Hỏa Xá… Đối với các sĩ phu có danh vọng, Quang Trung giữ một thái độ “cầu hiền” rất mềm mỏng và nhẫn nại. Tiêu biểu nhất là việc mời Nguyễn Thiếp – một danh sĩ nổi tiếng đương thời. Thái độ “cầu hiền” chân thành của Quang Trung đã tranh thủ được sự đóng góp của nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều nguồn gốc xã hội khác nhau, đặc biệt là những sĩ phu quan lại thời Lê, Trịnh.

 

-------------------------------

(1) Theo biểu tấu năm 1789 của Nguyễn Thiếp. Trích theo Hoàng Xuân Hãn, La-sơn phu tử, Minh Tân, Paris, 1950, tr. 142.

(2)  Đinh Sĩ An, Ngô Diên Diệu, Phan Đình Văn, Huỳnh Chiêu.

(3) Dựa theo Phan Huy Lê, Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nxb Giáo dục, H. 1961, tr.57.

 

TS.  PHẠM  NGỌC TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek