Chủ Nhật, 22/09/2024 08:30 SA
Phú Yên với phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn
Thứ Ba, 16/11/2010 07:30 SA

Mùa xuân năm 1771, cuộc khởi nghĩa của phong trào Tây Sơn nổ ra tại ấp Tây Sơn, một vùng miền núi thuộc phủ Quy Nhơn (tỉnh Bình Định ngày nay). Nghĩa quân đã nhanh chóng mở rộng khắp các tỉnh Bình Định, Phú Yên.

 

Với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, phong trào Tây Sơn đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo nông dân và các tầng lớp dân nghèo, chĩa mũi nhọn vào bọn quan lại sâu mọt giàu có của chính quyền chúa Nguyễn - Đàng Trong. 

 

Một số giáo sĩ  phương Tây - Diego Jumilla - có mặt ở Đàng Trong lúc bấy giờ đã mô tả những hoạt động buổi đầu của nghĩa quân Tây Sơn trong một bức thư đề ngày 15 – 2 – 1774 có đoạn: “Năm ngoái, khoảng đầu tháng 4, quân Đàng Trong [ý nói quân Tây Sơn] bắt đầu tuần hành các nơi … Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, lại có người mang súng. Họ không làm thiệt hại đến người và của; trái lại họ muốn tỏ ra bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong. Họ vào nhà giàu, nếu biếu họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự thì họ cướp lấy những đồ quý giá nhất đem chia cho người nghèo… Họ tấn công và tước vũ khí viên quan do nhà vua sai vào thu thuế; họ thu lấy tất cả giấy tờ của viên quan này và đem đốt ở nơi công cộng”1. Một giáo sĩ khác,  E. Castuera, cũng ghi: “Họ tuần hành trong các làng, tuyên bố với dân chúng rằng họ không phải là giặc cướp, mà là những người làm theo ý của trời; họ muốn thực hiện công lý trong xã hội và giải phóng nhân dân thoát khỏi ách chuyên chế của vua quan. Họ tuyên truyền sự bình đẳng về mọi mặt, lấy của cải của quan lại và nhà giàu phân phát cho dân nghèo. Những làng mạc bị thuế má hà khắc đè nặng đã nhiệt liệt tuyên thệ hưởng ứng khởi nghĩa”2.

 

Cũng ngay từ đầu đồng bào các dân tộc ở Phú Yên và Tây Nguyên tham gia đông đảo vào hàng ngũ nghĩa quân. “Trước đó họ đã nhiều lần nổi dậy, và khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ, họ trực tiếp  sát cánh với nhân dân miền xuôi, tiếp tục cuộc đấu tranh”3 . Vẫn theo giáo sĩ Diego Jumilla “năm ngoái [1773] … cùng đi theo [Tây Sơn] cũng có bọn giặc núi đi từ miền núi giữa hai hạt Quy Nhơn và Phú Yên”. Giáo sĩ Le Roy, trong một bức thư đề tháng 12 – 1786 cũng viết: “Lính của họ [Tây Sơn] có bộ phận gồm những người thiểu số khác ở Cao Miên, Xiêm…”. Ngoài ra, lúc khởi nghĩa Tây Sơn phát triển [1773] đông đảo đồng bào dân tộc ít người ở Phú Yên đã ủng hộ anh em nhà Tây Sơn, tiêu biểu có nữ chúa Chàm tên là Thị Hỏa4, vua Thủy Xá (Pơtau Ea), vua Hỏa Xá(Pơtau Apui)… Thị Hỏa lập đồn trại ở Thạch Thành [vùng Sơn Thành – Tây Hòa ngày nay] làm quân tiếp ứng cho Tây Sơn.

 

Cùng với đồng bào các dân tộc ít người ở miền Tây Phú Yên, đồng bào các làng ven biển Phú Yên cũng tích cực hưởng ứng tham gia phong trào Tây Sơn, nhiều người trong số đó trở thành những vị tướng lĩnh tài ba dưới trướng Quang Trung – Nguyễn Huệ, như: Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhưng Huy, Bốn Linh (Tư Linh), Lưu Quốc Hưng, Võ Văn Cao, Nguyễn Quang Huy, Phan Văn Biên …

 

Võ Văn Dũng là một danh tướng dưới triều Tây Sơn. Ông sinh ra ở Bình Định, nhưng từ năm 20 tuổi chuyển vào Phú Yên sinh sống và làm nghề buôn ngựa. Duyên may, ông gặp được “lão trượng họ Lương giòng dõi Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa dạy cho môn trường kiếm và môn đoản đao, dạy cách đánh trên đất và dạy đánh trên ngựa, lúc dùng một món, lúc dùng cả đôi”.5 Võ Văn Dũng tập luyện ngót năm năm trời mới thành thục các đòn thế võ của lão trượng họ Lương. Nhớ lời thầy dặn: “Học võ là để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải khoe sức, khoe tài – Võ, dấu kín nghề riêng”6. Khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, là người có võ nghệ, sức khỏe, lại thường xuyên đi lại buôn bán vùng Bình Định – Phú Yên, nên Võ Văn Dũng đã sớm tham gia khởi nghĩa và trở thành người bạn tâm giao của Nguyễn Nhạc. Võ Văn Dũng là đại công thần lập quốc của vương triều Tây Sơn.

 

Nguyễn Nhưng Huy và Bốn Linh (Tư Linh) là hai “tướng cướp” nổi tiếng ở Phú Yên. Hai ông “đều là tráng lực sĩ, võ thuật cao, song tánh hung bạo, Tây Sơn Vương dùng với sự dè dặt”7. Thủ hạ của Nhưng Huy và Tư Linh đều là những người có sức khỏe, võ nghệ cao cường. Sự tham gia của lực lượng “lục lâm” với tư cách là những nghĩa quân Tây Sơn đã góp phần không nhỏ vào phong trào. Đây cũng là một đặc điểm  độc đáo trong việc sử dụng con người của ba anh em nhà Tây Sơn. Vì suy cho cùng những “lục lâm”, “thảo khấu” trong thời kỳ này đều là những nạn nhân của chế độ quân chủ chuyên chế hà khắc.

 

Lưu Quốc Hưng, Võ Văn Cao, Nguyễn Quang Huy, Phan Văn Biên … đều sinh ra và lớn lên ở huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Huyện Đồng Xuân xưa bao gồm cả Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân và một phần huyện Phú Hòa và thành phố Tuy Hòa ngày nay.8

 

Võ Văn Cao, người Phú Yên, làm đến chức Quốc tử giám trực giảng, được thăng Thái tử Trung doãn đời Quang Trung. Võ tính tình cương trực, không chịu nổi hành vi và thái độ hống hách của quan Thái sư Bùi Đắc Tuyên, nên nhân lúc về quê ở Đồng Xuân cư tang cha mẹ, ông ở luôn ở nhà cày ruộng. Ông đã sáng tác một số bài thơ chê Tuyên là gian thần, Tuyên rất giận. Khi Võ Văn Cao chết, Tuyên bảo là giả chết, cho người phá quan tài ra xem, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng phải can thiệp mới được miễn. 9

 

Như vậy điểm qua các lực lượng tham gia phong trào Tây Sơn, rõ ràng nhân dân từ miền xuôi đến miền ngược ở Phú Yên đã tích cực tham gia phong trào khởi nghĩa. Họ vùng lên chống lại bộ máy thống trị với nạn thuế khóa khắc nghiệt, nạn chiếm đoạt ruộng đất cùng nhiều tai họa khác đang đè nặng lên đời sống của họ.

 

-----------------------------------------

(1,2)  Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (BSEI), Nouvelle, T. VI, No 3 – 4, p. 74.

(3) Nguyễn Phan Quang, Phong trào Tây Sơn và cải cách Quang Trung, Trường Đại học Sư phạm T.P Hồ Chí Minh - 2000.  tr. 18 - 19.

(4) Nguyễn Phan Quang, Phong trào Tây Sơn và cải cách Quang Trung, Trường Đại học Sư phạm T.P Hồ Chí Minh - 2000.   tr. 19.

(5,6) Quách Tấn - Quách Giao - Nhà Tây Sơn – NXB Trẻ, T.P Hồ Chí Minh - 2000. Tr. 41.

(7) Quách Tấn - Quách Giao - Nhà Tây Sơn - NXB Trẻ, T.P Hồ Chí Minh - 2000. Tr. 32.

(8) Theo một số nguồn tài liệu từ gia phả và đối chiếu với một số công trình đã công bố (sách đã dẫn) bước đầu chúng ta có thể xác định lai lịch một số nhân vật nổi tiếng trong phong trào Tây Sơn và Vương triều Tây Sơn.

(9) Quách Tấn - Quách Giao - Nhà Tây Sơn - NXB Trẻ, T.P Hồ Chí  Minh - 2000-, tr. 157.

 

TS.  PHẠM  NGỌC TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek