Chủ Nhật, 22/09/2024 08:44 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773 - 1801)(Tiếp theo và hết)
Thứ Hai, 15/11/2010 09:00 SA

Lưu thủ Diên Khánh báo lên Nguyễn Ánh và tâu: “Phú Yên là chỗ thế nào giặc cũng đánh, được không mừng, mất cũng không lo. Nếu đem trọng binh đến đánh, thì sự phòng bị Diên Khánh ắt đến sơ hở, sợ có sự lo ở đằng sau”(1). Nguyễn Ánh tăng cường quân giữ Diên Khánh, đề phòng quân Tây Sơn từ Phú Yên đánh vào, sai vận chuyển hết lương thực từ Bình Thuận vào Gia Định.

 

dam-o-loan101115.jpg

Đầm Ô Loan - Ảnh: N.LÊ

 

Tháng 6 năm 1800, Nguyễn Ánh lại sai Nguyễn Đức Xuyên đem quân ra đánh Phú Yên. Xuyên thấy quân Tây Sơn đông, thế quân rất lớn, chưa thể vội tiến, dâng sớ xin lui về Phan Rí, chờ thủy quân đến. Nguyễn Ánh sai truyền dụ cho lưu quân ở Diên Khánh mà chờ lệnh.

 

Tướng Trần Quang Diệu nghe tin đại binh của Nguyễn Ánh ra đánh Phú Yên đã cử Đại Đô đốc Đào Công Giản đem quân hổ hầu vào Phú Yên họp với Phạm Văn Điềm đóng giữ các bảo Hội An và La Hai.

 

Thuyền của Nguyễn Ánh tiến đến Vũng Tích (Phú Yên) sai Nguyễn Văn Thành điều bát quân đến cửa biển Xuân Đài, phân phát các tướng thành ba đạo cùng tiến, đánh lấy được bảo Hội An. Quân Tây Sơn thua, lùi về La Hai, rồi cố thủ ở bảo Chủ Sơn. Quân Nguyễn không đánh được mà sĩ tốt bị thương và chết cũng nhiều. Phó trưởng chi Lương Văn Cương và Trưởng hiệu Nguyễn Văn Vân đem hơn 200 quân chạy sang với Tây Sơn(2). Nguyễn Văn Thành dâng sớ lên Nguyễn Ánh: “Số quân của giặc hiện nay thêm nhiều, chúng dựa núi đắp lũy, hiện đã vượt qua sau lưng quân ta, mà quân ta thì bị ốm, con số có phần sút kém. Hơn nữa, quân Tả đồn thì mỗi ngày thường ra đầu hàng giặc, trong quân thực hư thế nào giặc đều biết cả. Số còn lại cũng không đủ tin, nên không dám sai khiến”(3).

 

Thuyền của Nguyễn Ánh tiến đóng ở cửa biển Cù Mông, hành tại ở Hòn Nần (trong cửa biển Cù Mông).

 

Quân của Cao-La-Hâm-Sâm nước Chân Lạp đến Hội An (Phú Yên). Nguyễn Ánh sai Nguyễn Huỳnh Đức truyền dụ ủy lạo rồi giục đến Thị Dã theo Nguyễn Văn Thành điều khiển.

 

Nguyễn Văn Thành lại tiến công bảo Chủ Sơn, sai đào hầm bên bảo, đặt ngầm thuốc súng làm kế đánh địa lôi. Tiếng nổ vang như sấm, bảo đổ hơn hai trượng. Quân Nguyễn đánh mãi vẫn không hạ được, mà vệ úy Nguyễn Công Trọng bị quân Tây Sơn bắn chết tại trận.

 

Nguyễn Ánh sai Binh bộ Nguyễn Đức Thiện tới dinh Phú Yên quản quan công đường để đốc làm các công việc trưng thu tô thuế và vận chở quân lương. Cho thu tô ruộng ở Phú Yên, đem chứa ở kho các bảo La Hai, Hội An. Lại thu thuế sai dư ở Phú Yên, theo lệ thì hạng tráng 2 quan 9 tiền, hạng quân 2 quan 4 tiền 20 đồng, hạng dân 2 quan. Nguyễn Ánh dụ rằng: “Việc quân đang bận, mà Phú Yên thì mới lấy lại được, sai quan công đường cứ chiếu theo số dân năm Mậu Ngọ mà thu thuế năm nay hết thảy theo như hạng quân, lão tật thì thu một nửa, các hạng biệt nạp thì thu 3 quan, ngoại lệ ấy đều được miễn”(4).

 

Không đủ quân số ở Phú Yên, Nguyễn Ánh “sai đình thần cứ trong hạt ai tình nguyện làm lính thì không kể là quân trung nghĩa cũ hay là dân thực nạp đều cho gọi đến lập thành đội ngũ lệ theo sai phái”(5).

 

Nguyễn Ánh cho kén binh ở Phú Yên. “Sai Tiền chi Hoàng Văn Khánh, Binh bộ Nguyễn Đức Thiện, Tham tri Trần Văn Trạc đến bảo Hội An, cứ thực ngạch quân dân đinh tráng trong hạt và những hạng dân biệt nạp biệt tính mà tuyển chọn làm binh, biên thành đội ngũ, đưa đến quan thứ để sai khiến”. Dụ của Nguyễn Ánh nói rõ: “Ngày nay đương có việc chinh chiến, sự kén binh và xuất ư tòng quyền”(6).

 

Tháng 3 năm 1801, Tham đốc Tây Sơn là Phạm Văn Điềm đem 500 quân đánh Phú Yên. Quân Tây Sơn lấy được bảo Hội An. Lưu thủ Phạm Tiến Tuấn và các tướng Nguyễn phải lùi giữ cửa biển Xuân Đài. Nguyễn Ánh phải sai Nguyễn Đức Xuyên và Tống Viết Phước đem quân thủy bộ chia đường tiến đánh Phạm Văn Điềm lấy lại bảo Hội An, Nguyễn Ánh sai lưu thủ Bình Khang là Lưu Tiến Hòa đem quân bản dinh đến giữ bảo Hội An và kiêm quản công việc binh dân ở Phú Yên.

 

Tháng 4 năm 1801, Tham đốc Tây Sơn Phạm Văn Điềm lại đưa quân đánh Phú Yên. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Long làm Chánh thống suất, Lưu Tiến Hòa làm Phó thống suất, chia đống đồn để giữ. Nguyễn Long tiến đóng đồn ở La Hai, Lưu Tiến Hòa giữ bảo Hội An. Phạm Văn Điềm cho quân tiến đánh Vũng Lấm, đốt phá đài lửa hiệu. Lưu Tiến Hòa đem quân chống cự, bị phục binh giết chết. Nguyễn Long chống không nổi rút chạy vào sông Đà Diễn, khí giới lương thực bị quân Tây Sơn thu hết. Nguyễn Ánh cho rút quân và sai đóng gông Nguyễn Long đưa về hành tại trị tội (7). Tây Sơn lại làm chủ Phú Yên. 

     

Tháng 6 năm 1801, lợi dụng lúc quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy vây thành Bình Định, Nguyễn Ánh đưa quân ra đánh thành Phú Xuân. Quân của Quang Toản thua chạy. Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Ánh.

 

Ở Bình Định và Phú Yên, các tướng của Nguyễn Ánh còn phải chống đỡ với sức đối kháng mạnh mẽ của quân Tây Sơn trên một địa bàn rộng lớn. Ở Bình Định, quân Tây Sơn vây thành lâu ngày. Tướng của Nguyễn Ánh giữ thành Bình Định là Võ Tánh tự thiêu và Ngô Tòng Châu thì uống thuốc độc tự tử. Quân Tây Sơn lấy được thành Bình Định.

 

Ở Phú Yên, quân Tây Sơn do Phạm Văn Điềm chỉ huy còn làm chủ. Nguyễn Ánh phải cho lực lượng lớn từ Phú Xuân đáp thuyền vào tiếp ứng theo cầu cứu của Nguyễn Văn Thành. Lực lượng tiếp ứng, gồm 2 vệ Kinh binh, 12 đội quân lưu cư ở Thuận Hóa và quân mới hàng, 4 vệ quân đạo Thanh Hảo đều đáp thuyền chiến đến Phú Yên.

 

Nguyễn Văn Thành sai Hoàng Viết Toản đem quân đánh Phạm Văn Điềm ở Mễ Tân (Bến Gạo). Tống Phước Lương đem binh thuyền họp cùng quân Nguyễn Văn Tánh tiến đánh các bảo Bang Quán, Lệ Uyên, Trúc Khê. Quân Tây Sơn thua chạy đến La Hai. Quân Nguyễn tiến đánh La Hai, thu được ấn đồng, cờ trống, khí giới quân Tây Sơn còn bỏ lại. Đến đây quân Nguyễn Ánh hoàn toàn làm chủ đất Phú Yên.

 

Cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trên đất Phú Yên từ tháng 4 năm Quý Sửu (1793) đến tháng 7 năm Tân Dậu (1801) gần 9 năm.

 

Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) tại Phú Xuân, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, rồi cử đại binh ra Bắc lấy lại kinh thành Thăng Long (17/5/1802).

 

Triều đại Tây Sơn kết thúc và công cuộc khôi phục chế độ phong kiến của nhà Nguyễn giành được thắng lợi hoàn toàn.

 

----------------------------

(1): Đại Nam thực lục, Sđd, tr.406.

(2): Đại Nam thực lục, Sđd, tr. 414.

(3) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.414.

(4) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.418.

(5) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.431.

(6) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.432.

(7) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.435.

 

Phó giáo sư NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek