Chủ Nhật, 22/09/2024 09:05 SA
Phú Yên thời Tây Sơn (1773 - 1801) (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 14/11/2010 08:30 SA

Lấy khâm sai thống binh cai cơ Nguyễn Đức Trịnh làm Lưu thủ Phú Yên. Nguyễn Ánh thấy thủy binh Tây Sơn vẫn giữ thế hiểm, chưa đánh phá vội được, mà lại gió to sóng lớn, thuyền ghe khó ở lâu được, bèn sai Tôn Thất Hội và Võ Tánh đem hết binh thuyền về đậu ở cửa biển Xuân Đài, mật dụ Đông cung đem quân về bảo Chợ Mới để đợi ngự giá.

 

Ngự giá trở về Diên Khánh. Để Nguyễn Văn Trương ở lại kiêm quản binh thuyền hai vệ Ban trực hậu và Tuyển phong hậu, đóng giữ địa đầu Phú Yên. Trương Phúc Luật kiêm quản binh thuyền ba vệ Ban trực tả, Ban trực hữu, Tuyển phong tiền đóng giữ Vũng Lắm. Sai Nguyễn Long và Võ Văn Lượng giữ Phú Yên, Mai Tiến Vạn và Nguyễn Văn Nguyện giữ Thạch Thành.

 

Tháng 11 năm Giáp Dần (1794), quân Tây Sơn do Tổng quản Trần Quang Diệu và Tư lệ Lê Trung chỉ huy vào Phú Yên. Các tướng Nguyễn đang giữ Phú Yên không chống giữ được, phải bỏ chạy vào Bình Khang. Trần Quang Diệu đuổi theo, đánh thành Diên Khánh.

 

Tháng 3 năm Đinh Tỵ (1797), Nguyễn Ánh lại cử đại binh đi đánh Quy Nhơn lần thứ hai. Binh thuyền gồm một lực lượng hùng hậu với 447 tàu chiến và 42.000 quân. Trong đó có tàu Fregate và tàu Corvette do người Âu chỉ huy.

 

Nguyễn Ánh thấy thành Quy Nhơn bị Tây Sơn phòng thủ kiên cố chưa thể đánh được, bèn thân chinh đem hơn 100 chiến thuyền tiến ra cửa biển Đà Nẵng, đánh Quảng Nam.

 

Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường tiến lấy Phú Yên. Thành dâng biểu nói: “Thế đánh dẹp, cần phải có đầu đuôi ứng nhau mới dễ thành công. Nay một đường thẳng tiến, chỉ đủ chống giữ, sợ hoặc không có công mà bị tội”.

 

Nguyễn Ánh dụ rằng: “Quân và voi ở Quy Nhơn đã họp hết ở Đà Nẵng, mà Phú Yên thì chỉ còn một tên giặc Hiếu, quân cũng không nhiều, hễ đánh là được, còn có tội gì? Nên sắp quân tiến ngay, chớ ngần ngại nữa”.(1)

 

Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường đánh Phú Yên, phá được các bảo Hội An và La Hai của Tây Sơn. Nhưng khi nghe tin báo, Nguyễn Ánh đã dụ: “Đất Phú Yên kia có thể đánh mà không thể giữ, nên rút quân về”.(2)

 

Để tăng thêm lực lượng đẩy mạnh các cuộc đánh chiếm nhằm tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh xin thêm viện trợ và cho người sang Xiêm, nhờ vua Xiêm cho thêm quân, giúp điều động quân Chân Lạp và Vạn Tượng tạo thành lực lượng theo đường thượng đạo xuống đánh sau lưng quân Tây Sơn. Còn quân Nguyễn Ánh theo đường biển và đường bộ, tạo thành thế gọng kềm.

 

Ở Phú Yên, Nguyễn Ánh cho người lên vùng thượng đạo ra sức chiêu dụ các sách dân tộc thiểu số ở các đầu nguồn quy thuận theo quân Nguyễn. Đầu năm 1799, Nguyễn Ánh sai Cai cơ Nguyễn Văn Nguyện đem áo chiến cho các tù trưởng và tuyên chỉ để vỗ về dân Bàn Hàn (Bàn Hường) ở thượng đạo Phú Yên. (3)

 

Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799), khi thấy thế lực Tây Sơn đã suy yếu, Nguyễn Ánh đưa đại binh ra đánh Quy Nhơn lần thứ ba.

 

Tháng 5, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thành đem quân ra đánh Phú Yên. Trong lực lượng quân Nguyễn lúc này có quân Xiêm tham gia và một đội quân Chân Lạp do Cao-La-Hâm-Sâm chỉ huy.

Chiếm được Phú Yên, Nguyễn Ánh cho đặt quan công đường dinh Phú Yên, giao Hồ Đức Vạn làm Lưu thủ, Trần Minh Đức làm Cai bạ và Võ Đức Thông làm Ký lục (Đức Thông là người Phú Yên)(4). Bắt dân Phú Yên phải nạp gạo “thị nạp” mỗi mẫu là 17 thưng rưỡi. Ở Phú Yên phải dựng nhà quan cư ở các trạm dọc đường, dựï bị mỗi trạm 200 dân phu, 500 phương gạo để phục vụ xa giá của Nguyễn Ánh khi đi qua. Trưng dụng thợ đúc, thợ bạc ở Phú Yên đưa vào Gia Định để đúc súng ống và binh khí.

 

Tháng 7 năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Ánh chiếm được thành Quy Nhơn. Đổi tên thành làm thành Bình Định (5)

 

Đầu năm 1800, quân Tây Sơn đánh lấy lại Bình Định. Thiếu phó Trần Quang Diệu và Tư đồ Võ Văn Dũng đem một lực lượng lớn bao gồm cả quân thủy lẫn quân bộ vào đánh Quy Nhơn. Quân Tây Sơn áp sát thành, đắp lũy dài bao vây bốn mặt. Tướng giữ thành của Nguyễn Ánh là Võ Tánh phải tử thủ trong thành Bình Định.

 

Hàng tướng Phó trưởng chi Phạm Văn Điềm (nguyên là tướng cũ của Tây Sơn) đã bỏ quân Nguyễn, đem Phú Yên theo về Tây Sơn. Tây Sơn lấy lại được Phú Yên. Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu cho Phạm Văn Điềm làm An trấn, biên hết dân Phú Yên làm binh, chia đặt đồn sở để chống lại viện binh của quân Nguyễn. Chỉ trong thời gian ngắn quân Tây Sơn đã đắp trên 90 đồn lũy, phòng thủ Phú Yên trong thế tử chiến chống quân Nguyễn Ánh.

 

(Còn nữa)

--------------------------------

(1) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.355.

(2)Đại Nam thực lục, Sđd, tr.356.

(3)Đại Nam thực lục, Sđd, tr.374.

(4)Đại Nam thực lục, Sđd, tr.386.

(5)Đại Nam thực lục, Sđd, tr.389.

 

Phó giáo sư  NGUYỄN QUỐC LỘC

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ HẬU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek