Chủ Nhật, 22/09/2024 08:31 SA
Khái quát bộ máy chính quyền Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Bảy, 30/10/2010 10:30 SA

Chiến khu V gồm các xã thuộc phía Tây huyện Đồng Xuân.

 

Chiến khu VI gồm các xã thuộc phía Đông huyện Đồng Xuân (nay là thị xã Sông Cầu).

 

Và hai huyện Tân Sơn (thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Hòa) và hai huyện Tân Xuân (thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đồng Xuân).

 

dong-lua101030.jpg

Đồng lúa Tuy Hòa - Ảnh: Đ.LÊ

 

Cuối năm 1947, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo Ủy ban kháng chiến, Ủy ban hành chính Trung bộ; tỉnh Phú Yên bỏ cấp chiến khu, gọi tên cấp huyện như cũ, sáp nhập huyện Tân Sơn vào huyện Sơn Hòa, huyện Tân Xuân vào huyện Đồng Xuân, khu Đồng Bò vào huyện Tuy Hòa. Đồng thời tỉnh tiến hành nhập một số xã (lần thứ hai). Toàn tỉnh có 68 xã, trong đó có 57 xã người Kinh, 11 xã đồng bào các dân tộc thiểu số (huyện Tuy Hòa 20 xã, Tuy An 17 xã, Đồng Xuân 16 xã, Sơn Hòa 15 xã).

 

Về tên gọi Ủy ban hành chính và Ủy ban kháng chiến, xuất phát từ yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946. Ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh: “Tạm bỏ cấp kỳ, cả nước chia thành 16 chiến khu”. Sau đó các chiến khu được sáp nhập lại thành 10 khu kháng chiến. Các chiến khu và liên khu kháng chiến đều trực thuộc Trung ương. Dưới chiến khu và Liên khu là những đơn vị hành chính cấp tỉnh (thành phố), huyện, xã... Bên cạnh các Ủy ban hành chính, từ khu đến xã đều thành lập các Ủy ban bảo vệ. Ủy ban bảo vệ còn được gọi là Ủy ban quân dân chính, sau đổi tên là Ủy ban kháng chiến.

 

Ngày 29/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 149 sáp nhập Ủy ban kháng chiến và Ủy ban hành chính các cấp thành Ủy ban kháng chiến - hành chính (*)

 

Cuối năm 1949 đầu năm 1950, tỉnh Phú Yên tiến hành điều chỉnh nhập một số xã (lần thứ 3). Toàn tỉnh có 55 xã, gồm 47 xã người Kinh và 8 xã đồng bào dân tộc thiểu số. Xã lớn có quy mô 10.000 đến 15.000 dân, xã trung bình có 5.000 - 8.000 dân, xã nhỏ 2.000 - 3.000 dân.

 

Địa danh các xã chủ yếu được cấu tạo theo tên huyện như Tuy Hòa có các xã Hòa Thành, Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Tân, Hòa Đồng, Hòa Mỹ, Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Vinh, Hòa Kiến, Hòa Trị, Hòa Quang, Hòa Thắng, Hòa Định; huyện Tuy An gồm các xã: An Nghiệp, An Định, An Thạch, An Ninh, An Hải, An Lĩnh, An Thọ, An Mỹ, An Hòa, An Chấn, An Cư, An Xuân, An Dân, An Hiệp; huyện Đồng Xuân gồm các xã: Xuân Lộc, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Thọ, Xuân Sơn, Xuân Long, Xuân Lãnh, Xuân Quang, Xuân Phước, Phước Tân, Phú Mỡ, Thồ Lồ; huyện Sơn Hòa gồm các xã: Sơn Hà, Sơn Phước, Sơn Hội, Sơn Định, Sơn Long, Sơn Bình, Sơn Thành, Cà Lúi, Suối Trai, Krông Pa, Suối Bạc, Hòn Nhọn... Thị xã Tuy Hòa (có lúc gọi là khu Tuy Hòa, có lúc gọi là xã Hòa An) gồm các phường: phường 1 (Bình Nhạn), phường 2 (Bình Tịnh), phường 3 (Bình An), phường 4 (Bình Mỹ), phường 5 (Bình Hòa), phường 6 (Bình Lợi), phường 7 (Bình Phú).

 

2.4. Phú Yên từ 1954-1975

 

2.4.1. Về phía chính quyền Sài Gòn

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, tỉnh Phú Yên tạm giao cho đối phương quản lý. Trong thời gian chờ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Năm 1955, theo lệnh quan thầy Mỹ, Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại lập nước Việt Nam cộng hòa trên phần đất nam vĩ tuyến 17 trở vào và chối bỏ hiệp thương thống nhất đất nước theo sách lược của Hoa Kỳ.       

 

 (Còn nữa)

* Viện Luật học Sơ thảo Lịch sử

Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, tr 68

            Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek