Chủ Nhật, 22/09/2024 10:29 SA
Khái quát bộ máy chính quyền Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám (Tiếp theo kỳ trước)
Chủ Nhật, 24/10/2010 10:30 SA

Đại Nam nhất thống chí chép rằng: Năm Tân Hợi (1611) người Chiêm xâm lấn biên cảnh, vua sai chủ sự là Văn Phong dẹp yên, lấy đất ấy lập hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt phủ Phú Yên thuộc Thừa tuyên Quảng Nam và dùng ông làm lưu thủ”.

 

Địa danh Phú Yên chính thức có tên trên bản đồ Tổ quốc năm 1611 với cấp hành chính là phủ trong hệ thống chính quyền lúc bấy giờ. Phủ Phú Yên được thành lập năm 1611 mở đầu sự nghiệp khai phá xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn.

 

Do được chuẩn bị tốt, phủ Phú Yên ra đời gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa với mấy ngàn cư dân sinh sống yên ổn trong ngót một trăm thôn xã. Mỗi huyện chia thành các tổng (thượng, trung, hạ) và có đến 38 thuộc ở gần núi rừng, dọc sông biển. Đó là một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh và tổ chức sát hợp ở một đơn vị hành chính mới thành lập. Cư dân phủ Phú Yên lúc ra đời là một cộng đồng đa tộc người Việt ở Phú Yên có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau ở phía bắc vào. Trong quá trình khai hoang, mở đất, dựng làng, họ gắn bó với nhau, bảo vệ và tương trợ lẫn nhau, chung sức và đồng lòng cùng xây dựng quê hương mới. Cư dân bản địa có người Chăm, Ê Đê… sống cận cư và cộng cư với nhau. Người Việt cùng các dân tộc anh em sớm hòa hiếu và hợp tác với nhau. Sử sách và nhất là văn học dân gian không hề nói đến một cuộc đàn áp hay xung đột đẫm máu nào giữa các dân tộc trên vùng đất Phú Yên. Cuộc sống hòa mục và truyền thống đoàn kết các dân tộc ở Phú Yên sớm được hình thành và thật đáng quý.

 

1.2. Phú Yên dưới thời Chúa Nguyễn (1611-1773)

 

Năm 1611, bắt đầu đặt nền hành chính quản lý phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa.

 

Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời. Trước phút lâm chung, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng gọi người con thứ sáu nối nghiệp mình là Nguyễn Phúc Nguyên dặn dò: “Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn, sông Linh Giang (đèo Ngang, sông Gianh); phía nam có núi Hải Vân, Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) thật là nơi lý tưởng cho người anh hùng dụng võ, gây dựng cơ nghiệp muôn đời”. Phủ Phú Yên do thế đất và nhờ sức người nên vừa mới thành lập đã đảm đương trọng trách lịch sử vẻ vang trong thế kỷ XVII về sự nghiệp Nam tiến, Tây tiến và Đông tiến của dân tộc.

 

Năm 1620, Quốc vương Chân Lạp Prea Chey Chettra cầu thân với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên xin cưới công chúa Ngọc Vạn lập làm Hoàng hậu. Chúa Sãi ưng thuận. Sau đó chúa Sãi còn gả công chúa Ngọc Khoa cho Chiêm Thành Vương (đóng đô ở Bình Thuận ngày nay) để tiện mượn đường đi lại.

 

Hai nàng công chúa lá ngọc cành vàng Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đưa nhiều người Việt cùng tháp tùng về quê chồng. Riêng công chúa Ngọc Vạn lập xưởng thợ, mở tiệm buôn ở kinh đô Oudong. Chúa Nguyễn cử quân lính, thuyền chiến giúp người rể quý (Vua Chân Lạp) chống lại các cuộc xâm lấn của vua Xiêm. Để trả ơn, vua Chân Lạp cho Chúa Sãi mượn đất Sài Côn (Sài Gòn) xây dựng cảng thị và cho lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở Mô Xoài (nay là Bà Rịa). Chúa Sãi cấp ngưu, canh, điền, khí cho lưu dân, khuyến khích họ khai khẩn làm ăn ở vùng đất mới. Năm 1623, Chúa Sãi lập hai sở thuế thương chính ở Prei No Kor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) và cử tướng lĩnh đến lập đồn bảo vệ.

 

Năm 1627, nổ ra cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ly khai với Đàng Ngoài, ra sức xây dựng xứ Đàng Trong từ Sông Gianh vào Phú Yên. Năm 1629, sau 18 năm xây dựng phủ Phú Yên, tình hình kinh tế xã hội vùng trấn biên phát triển mạnh mẽ.

 

Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thứ 16, Văn Phong phản nghịch, chúa sai võ tướng Nguyễn Vinh đánh dẹp rồi lập dinh Trấn Biên, sau gọi là dinh Phú Yên, đặt quan tuần thú, lại ở theo những chỗ bờ biển đặt làm 38 thuộc” (*).

 

Để mở rộng thực lực xứ Đàng Trong tranh hùng với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên chia xứ Đàng Trong từ sông Gianh vào núi Đá Bia thành 7 dinh. Từ vị trí phủ (trực thuộc Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính cấp tỉnh), năm 1629, Phú Yên chính thức nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp tỉnh: Dinh Trấn Biên. Phú Yên được nâng cấp thành dinh Trấn Biên có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp Nam Tiến của dân tộc.

 

Mặc nhiên, các xứ Mô Xoài và Sài Gòn trở thành khu vực biên cảnh do dinh Trấn Biên (Phú Yên) phụ trách.

 

Dinh Trấn Biên được thiết lập đã trợ lực có hiệu quả trong cuộc chiến chống Trịnh ở phía bắc và tạo lực mạnh mẽ cho công cuộc mở mang lãnh thổ về phía nam.

Trong thế kỷ XVII, dinh Trấn Biên ở Phú Yên giữ vị trí quan trọng (bàn đạp vững chắc) và vai trò to lớn (trạm trung chuyển chiến lược) của hành trình khai mở xứ Đàng Trong.

 

Năm 1653, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần cử Hùng Lộc Hầu từ Phú Yên vượt đèo Hổ Dương (đèo Cả) lập phủ Thái Khang (Khánh Hòa ngày nay) và sau đó một thời gian (1693 - 1697) lập phủ Thuận Thành (Ninh Thuận - Bình Thuận ngày nay).

 

Đại Nam thực lục thể hiện rõ, trong thời gian 69 năm tồn tại từ 1629 đến 1698 (thời điểm thành lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long và Tân Bình có cương vực rất rộng, tương ứng với ngày nay gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và Long An), dinh Trấn Biên (Phú Yên) tiến hành hai chiến dịch quan trọng và ôn hòa vào phần đất phía Nam để khẳng định cuộc Nam tiến.

 

Chiến dịch lần thứ nhất, Đại Nam thực lục ghi: “Tháng sáu năm Mậu Tuất (1658) vua nước Chân Lạp Nặc Ông Chân xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên (Phú Yên) báo lên. Chúa Hiền sai Phó tướng dinh Trấn Biên Tôn Thất Yến cùng cai đội Xuân Thắng, tham mưu Minh Lộc đem 3.000 quân đến Mỗi Xuy - tên Việt là Hưng Phước (nay thuộc huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội và đưa người hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hàng năm nộp cống”.

 

(Còn nữa)

-------------------------------

­(*) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, quyển 10-11, Phú Yên - Khánh Hòa. NXB Nhà Văn Hóa Sài Gòn 1964, tr7.

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek