Chủ Nhật, 22/09/2024 10:31 SA
Khái quát bộ máy chính quyền Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 27/10/2010 09:30 SA

Danh tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu đang trấn giữ Quy Nhơn cử đại đô đốc Đào Công Giản, đô đốc Tuấn vào Phú Yên cùng Phạm Văn Điềm phòng thủ Bảo Hội An, Bảo La Thai. Chiến trận diễn ra ác liệt.

 

Năm 1801, Chúa Nguyễn Ánh bắt dân Phú Yên nộp hết lúa gạo chở đến kho Xuân Đài để cấp cho quân lính. Khi Nguyễn Ánh đã thu phục kinh đô Phú Xuân thì ở Bình Định, Phú Yên vẫn còn diễn ra các trận đánh giằng co ác liệt. Quân Tây Sơn đã vây ngặt và tiêu diệt toàn bộ quân chúa Nguyễn do Mai Đức Nghị chỉ huy ở Hòn Nần.

 

cc101027.jpg

Tuy Hòa - nhìn từ Chóp Chài. - Ảnh: Q.KHƯƠNG

 

Các trận ác chiến đã diễn ra ở Cù Mông, Lệ Uyên, La Thai (La Hai)... Cuối cùng, do thế nước đã vỡ (kinh đô Phú Xuân đã mất), quân Tây Sơn do Phạm Văn Điềm chỉ huy phải rút chạy, bỏ lại ấn đồng, cờ trống và khí giới (1).

 

Năm 1801, đất Phú Yên thuộc hẳn về chúa Nguyễn Ánh.

 

Phú Yên thời Tây Sơn là chiến trường đỏ lửa, chính quyền thay ngôi đổi chủ liên tục bởi cuộc đọ sức quyết liệt giữa hai lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh.

 

1.4. Phú Yên thời nhà Nguyễn (1802-1945):

 

Sự thất bại của vương triều Tây Sơn và sự lên ngôi của Gia Long - Nguyễn Ánh năm 1802 đã đánh dấu sự khôi phục nền thống trị của dòng họ Nguyễn trên một quốc gia thống nhất kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.

 

Gia Long và các vị vua tiếp sau ông đều xây dựng Nhà nước theo thiết chế quân chủ chuyên chế, tập trung tối đa mọi quyền lực vào trong tay nhà vua, thực chất là tiếp tục thể chế quân chủ đã định hình từ thời Lê Sơ, đồng thời có sự thay đổi cho phù hợp với thời đại mới.

 

Cũng như thời Lê, triều Nguyễn gồm có 6 bộ: Bộ Hộ (phụ trách tài chính, kho tàng, vật giá...); Bộ Lại (phụ trách vấn đề tuyển chọn quan lại, ban phẩm tước, soạn thảo chiếu chỉ của nhà vua...); Bộ Lễ (phụ trách việc thi cử, tế tự, phong thần...); Bộ Binh (phụ trách việc tuyển lính, các ngạch võ quan, điều động quân đội và an ninh xã hội...); Bộ Hình (chuyên lo việc soạn luật, thi hành hình phạt và xét duyệt tố tụng...); Bộ Công (lo việc xây dựng cung điện, đền đài, lăng tẩm, thành lũy, đóng tàu, đắp đường sá...).

 

Đứng đầu mỗi bộ là một quan Thượng thư, hai tả hữu tham tri và hai tả hữu thị lang. Ngoài ra còn có các cơ quan chuyên môn như Đô sát viện, Hàn lâm viện, Thái y viện, Quốc tử giám, Khâm thiên giám, Phủ Nội vụ...

 

Lúc đầu, Gia Long đã duy trì những khu vực hành chính lớn như Bắc Thành gồm 13 trấn, Gia Định Thành gồm 5 trấn do các tổng trấn nắm mọi quyền hành chính, tư pháp, quân sự... Miền đất còn lại từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chia làm Hữu trực kỳ ở phía Bắc và Tả trực kỳ ở phía Nam (trong đó có tỉnh Phú Yên) cùng với dinh Quảng Đức (kinh đô Huế) thì đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của triều đình.

 

Đến khi Minh Mạng lên cầm quyền, tính chất chuyên chế phát triển cao cùng với việc hạn chế quyền hành của các cấp địa phương. Theo đó, ông cho tiến hành cuộc cải cách hành chính trên cả nước. Nhà nước cho đặt thêm Cơ mạt viện lấy 4 đại thần ở các bộ sung vào để cùng nhà vua bàn bạc các việc quân cơ trọng yếu. Đặt thêm phủ Tôn nhân là cơ quan quản lý công việc của hoàng tộc. Các đơn vị Bắc Thành và Gia Định Thành bị bãi bỏ, cả nước chia làm 29 tỉnh đứng đầu mỗi tỉnh là các Tổng đốc, dưới Tổng đốc là Bố chánh, Án sát. Ở phủ có tri phủ, huyện có tri huyện, châu có tri châu.

 

Ở khu vực thượng du, Nhà nước vẫn phải dựa vào các tù trưởng nhưng thường đặt thêm viên quan của triều đình gọi là Chiêu thảo sứ, lại có thêm chức “Lưu quan” nhằm trực tiếp kiềm chế nhân dân, giảm dần quyền hạn của tù trưởng, kiểm soát chặt chẽ nguồn sản vật địa phương. Triều đình lập Nha Nhu viễn để quan hệ với các dân tộc thiểu số ở miền núi.

 

Như vậy, hệ thống chính trị của vương triều Nguyễn là một thiết chế nhà nước quân chủ phương đông, mọi quyền hành tập trung trong tay nhà vua mà rõ nét nhất là từ thời vua Minh Mạng.

 

Ở giai đoạn lịch sử này, Phú Yên có nhiều sự thay đổi về thành tố chung đơn vị hành chính.

 

Từ 1801 đến 1808, Phú Yên gọi là dinh. Nếu kể từ 1629 đến 1808, thì Phú Yên ở đơn vị dinh (đơn vị hành chính cấp tỉnh) suốt 179 năm.

 

Từ 1808 đến 1826, dinh Phú Yên đổi thành trấn Phú Yên. Suốt hai năm 1815 - 1816, toàn trấn Phú Yên đo đạc xong ruộng đất và lập địa bạ cho từng thôn ấp. Với tư liệu khá chính xác, ta thấy trấn Phú Yên gồm có 2 huyện là Đồng Xuân - Tuy Hòa, 6 tổng (mỗi huyện có 3 tổng Thượng, Hạ, Trung) và thuộc Hà Bạc. Huyện Tuy Hòa có trên 3.200 mẫu ruộng đất sử dụng trong số diện tích trên 15.406 mẫu. Còn huyện Đồng Xuân có trên 13.492 mẫu ruộng đất sử dụng trong số diện tích là trên 22.133 mẫu đất (1 mẫu bằng 1/2 ha). Huyện Tuy Hòa cai quản 80 xã, thôn, giáp, phường. Huyện Đồng Xuân cai quản 63 xã, thôn, phường, châu. Còn thuộc Hà Bạc coi 28 thôn, ấp, phường(2).

 

Năm 1826 lại đặt làm phủ Phú Yên, đặt chức Tri phủ. Năm 1831, đổi làm phủ Tuy An cho thuộc vào Bình Định.

 

Năm 1832 phân hạt, thăng làm tỉnh Phú Yên, đặt hai ty Bố chánh, Án sát thuộc tổng đốc Bình Phú thống hạt.

 

Năm 1853 đổi làm đạo Phú Yên, đặt một Quản đạo, giấy tờ phải đặt ba chữ tỉnh Bình Định lên đầu.

 

Năm 1876, lại đặt làm tỉnh Phú Yên vẫn do tổng đốc Bình Phú thống quản.

 

Sau khi triều Nguyễn thống nhất đất nước, năm 1802, Phú Yên là dinh (cả nước có 24 dinh). Đứng đầu dinh là Lưu thủ, giúp việc cơ quan Hiệp trấn và Tham trấn. Mỗi dinh có 2 ty chuyên môn là Tả Thừa ty và Hữu Thừa ty. Phú Yên là dinh loại 2, số lượng biên chế quan lại 118 người. Dưới dinh là phủ, huyện do tri phủ, tri huyện đứng đầu. Dưới phủ, huyện là tổng do cai tổng (chánh tổng) đứng đầu.

 

Năm 1832, vua Minh Mạng cải tổ hành chính, đặt cả nước làm 6 trực gồm 29 tỉnh. Phú Yên thuộc trực tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và thuộc liên tỉnh Bình Phú).

Khi Phú Yên ở đơn vị trấn (1808-1826), trấn Phú Yên do Trấn thủ đứng đầu, có Hiệp trấn và Tham trấn giúp việc.

 

Khi Phú Yên nhập với Bình Định, do Tổng đốc Bình Phú thống hạt.

 

Tại tỉnh có Ty Hữu thừa và Ty Tả thừa được đổi thành Án sát sứ (còn gọi là Ty Niết) do Án sát đứng đầu và Bố chánh sứ (còn gọi là Ty phiên) do Bố chánh đứng đầu.

 

Khi Phú Yên là tỉnh độc lập, do quan Tuần vũ đứng đầu.

 

(Còn nữa)

------------------------------

(1) Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch Viện Sử học, Đại Nam nhất thống chí (sđd).

(2)  Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - tỉnh Phú Yên. NXB TP HCM, 1997.

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek