Chủ Nhật, 22/09/2024 10:38 SA
Khái quát bộ máy chính quyền Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Hai, 25/10/2010 10:15 SA

Phó tướng Tôn Thất Yến hành quân vào Mỗi Xuy là thi hành nhiệm vụ an ninh trật tự trên phần lãnh thổ nội thuộc, dẫu chưa chính thức đặt thành phủ huyện.

 

Chiến dịch lần thứ hai, năm Mậu Thân 1668, hai tướng cũ nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch thần phục chúa Nguyễn được chúa cử vào khai khẩn vùng biên cảnh. Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1679), hai tướng nhà Minh bị phó tướng Hoàng Tiến mưu phản. Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Trăn cử Mai Vạn Long (tướng Dinh Trấn Biên Phú Yên) làm thống binh vào dẹp tan và đóng quân ở đó.

 

Tháng hai năm Mậu Dần (1698) chúa Minh Nguyễn Phúc Chu cử Chưởng cơ lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, lập phủ Gia Định.

 

Trong 69 năm đóng vai trò trấn biên (1629-1698), Dinh Trấn biên Phú Yên đã đóng góp sức người, sức của bảo vệ và xây dựng vùng trấn biên cảnh Mỗi Xuy và cả Đồng Nai - Gia Định, đưa nhiều lưu dân vào khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, góp phần xuất sắc vào sự nghiệp Nam tiến vĩ đại của dân tộc.

 

Tiêu biểu nhất trong những lưu dân ấy còn lưu dấu ấn trong sử sách là bà Nguyễn Thị Rịa - người có công lao to lớn trong xây dựng đất Mỗi Xuy và nhiều cứ liệu đáng tin cậy thể hiện rằng, nhân dân đã lấy tên Bà Rịa đặt cho vùng đất này để ghi nhớ công lao của bà.

 

Về Bà Rịa, Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định Thành thông chí” đề cập như sau: Bà Rịa người Phú Yên (1665 - 1759). Năm 15 tuổi (1670) thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào nam lập nghiệp. Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình lồi lõm phức tạp, nổi tiếng là vùng nước độc, chướng khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có rất nhiều thú dữ. Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, bà lao vào công việc khai khẩn ở vùng rừng núi Đồng Xoài (xã Hòa Long), tiếp đó hướng về hướng biển đến Lữ Khê rồi mở rộng ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu (xã Tam An - do hai xã An Nhất và Tam Phước hợp nhất) và tiếp tục khai hoang đến Láng Dài - Xuyên Mộc. Đặc biệt, Bà Rịa huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ. Bà Rịa không rõ họ gì, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, là người đức độ có uy tín khắp cả vùng. Với những công trạng đó, bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong cho mang họ nhà Chúa, từ đó có tên là Nguyễn Thị Rịa.

 

Bà Nguyễn Thị Rịa sống qua năm đời Chúa Nguyễn và mất năm 1759 thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) tại Hắc Lăng, Phước Liễu (xã Tam An) hưởng thọ 94 tuổi. Bà Rịa không có con cái, 300 mẫu ruộng của bà khai khẩn được sung vào công điền chia cho người nghèo. Hiện nay, mộ và miếu thờ bà Nguyễn Thị Rịa ở xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, phần bia mộ còn khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”. Năm 1902, Trường Viễn đông bác cổ Đông Dương xây lại mộ Bà Rịa, năm 1936, chính quyền sở tại cho sửa sang lại để ghi nhớ công lao của bà.

 

Trong thế kỷ XVII, dinh Trấn Biên ở Phú Yên giữ vị trí quan trọng (bàn đạp vững chắc) và vai trò to lớn (trạm trung chuyển chiến lược) của hành trình khai mở các đất Bình Khang (1653), Ninh Thuận - Bình Thuận (1693-1697), Đồng Nai và Gia Định (1698). Những đạo quân hùng hậu do Tôn Thất Yến (1658), Nguyễn Dương Lâm (1674), Mai Vạn Long (1688), Nguyễn Hữu Hào (1690) chỉ huy tiến vào nam đều được chuẩn bị và xuất phát từ Phú Yên. Đến năm 1698, vai trò Trấn Biên được chuyển cho dinh mới lập ở Đồng Nai. Như vậy, Phú Yên đảm lãnh trọng trách Trấn Biên trong một thời gian dài (69 năm), với nhiều hoạt động mạnh và đạt hiệu quả lớn.

 

Về sự nghiệp Tây tiến, trong thế kỷ XVII - XVIII, phủ Phú Yên còn đảm lãnh vai trò thống quản vùng đất rộng lớn ở thượng nguyên phía tây. Với chính sách “nhu viễn”, các chúa Nguyễn công nhận các tù trưởng Hỏa xá, Thủy xá tự trị như một tiểu quốc trong lòng lãnh thổ nước ta. Đó là chính sách tiến bộ, mềm dẻo và khôn ngoan. Chúa cử sứ thần từ Phú Yên đến thăm hỏi, tặng quà cho Vua Lửa, Vua Nước. Các phái đoàn của hai tù trưởng cũng được đón tiếp ở Phú Yên rồi đưa ra Huế để thần phục cống nộp. Quan hệ đó êm thắm và ngày càng chặt chẽ cho đến khi xác lập được các đơn vị hành chánh mới trên cao nguyên phía tây (Tây Nguyên) của nước ta.

 

(Còn nữa)

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek