Chủ Nhật, 22/09/2024 08:53 SA
Khái quát bộ máy chính quyền Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 28/10/2010 07:00 SA

Năm 1885, nổ ra phong trào Cần Vương, tại Phú Yên phong trào Cần Vương do Lê Thành Phương lãnh đạo làm chủ tỉnh Phú Yên (9/1885-2/1887).

 

Dưới thời Pháp thuộc, Phú Yên cũng như các tỉnh khác phải để cho Pháp cai trị mọi mặt, kể cả nội vụ hành chính. Phú Yên vẫn còn chức đầu tỉnh là Tuần vũ nhưng Công sứ Pháp nắm hết quyền hành.

 

song-cau101028.jpg

Một góc biển Sông Cầu   - Ảnh: Đ.LÊ      

 

Về phía chính quyền bảo hộ Pháp, tháng 1/1888, người Pháp chính thức xác lập hệ thống chính quyền thực dân ở Phú Yên. Đứng đầu chính quyền bảo hộ là viên Công sứ nắm giữ quyền công chính và thương chính, về sau thực dân Pháp ban hành thêm quyền lãnh sự, thay mặt Khâm sứ Trung Kỳ chỉ đạo mọi hoạt động từ tỉnh trở xuống. Giúp việc có viên Phó sứ và các quan lại đứng đầu mỗi sở, ngành chuyên môn như giám binh, thầy thuốc, lục lộ, chủ sở Điện báo, quan thú y,… Viên Công sứ đến thụ chức đầu tiên ở Phú Yên là Tirant, Phó sứ là Groleau. Giúp việc cho tòa Công sứ còn có các quan lại người Việt giữ chức vụ tham tá, phán sự và thông ngôn.

 

Xuất phát từ những toan tính về chính trị, quân sự và quyền lợi kinh tế, chính quyền bảo hộ chọn Vũng Lấm làm nơi tọa lạc tòa Công sứ đầu tiên ở Phú Yên. Vũng Lấm nằm trong vịnh Xuân Đài vừa là thương cảng và quân cảng quan trọng ở Nam Trung Kỳ. Về phía tây, Vũng Lấm giáp với con đường thiên lý, án ngự trọng điểm của tỉnh giống như tâm điểm của trục tung hoành với 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Từ đây việc tiếp ứng cũng như rút lui của chính quyền bảo hộ nhanh chóng khi có những cuộc nổi loạn dân bản xứ. Mặt khác, Vũng Lấm nằm bên cạnh thành An Thổ, phủ lỵ Nam triều xây dựng từ thời Minh Mạng, cửa đông thành An Thổ thông ra vịnh Xuân Đài, sở hữu cửa biển Tiên Châu, nơi diễn ra hoạt động trao đổi, buôn bán tấp nập giữa người bản xứ với các lái buôn ngoại quốc Hà Lan, Pháp, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha… Những phố buôn bán người Hoa, dân bản xứ gọi là khách trú dựng lên khắp các khu vực thuộc vịnh Xuân Đài.

 

Từ giữa năm 1888, hệ thống chính quyền thực dân tay sai ngày càng mở rộng, người Pháp dự kiến xây dựng đồn giám binh, sở thương chánh, công chánh, y tế… phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa sắp tới. Chính quyền bảo hộ nhận ra Vũng Lấm không phù hợp để đặt một chính quyền quy mô lớn và lâu dài. Tháng 2/1889, chính quyền thực dân Pháp dời tòa Công sứ ra làng Phước Lý (Sông Cầu) và đóng ở đây cho tới ngày thực dân Pháp cáo chung. Việc di dời tòa Công sứ của chính quyền bảo hộ nhằm phục vụ ý đồ cai trị lâu dài, cùng với đó là những chính sách khai thác thuộc địa sẽ được triển khai trên khắp địa bàn tỉnh Phú Yên.

 

Sự kiện này kéo theo hàng loạt các sở với nhiều phòng, ban lần lượt di dời về tỉnh lỵ Sông Cầu. Sở Giám binh, đứng đầu là viên quan chủ sở, bên dưới là các đồn lính khố xanh ở mỗi phủ, huyện và ở tận thôn, buôn. Đứng đầu mỗi đồn là viên quan Một hoặc quan Hai, giúp việc có quan thông ngôn người Việt, bên dưới là đội lính bản xứ do nhà cầm quyền An Nam cung cấp. Sở thương chính trưng dụng nhiều phòng phụ trách các vấn đề như phòng quản lý xuất nhập cảng, phòng quản lý muối, phòng thuế về buôn bán, nấu rượu… Thực dân Pháp đặt phòng quản lý xuất nhập cảng 1 tham tá, 1 thừa hành và một số viên lại giúp việc thực hiện thu thuế, về sau đặt thêm đội cảnh sát vệ sinh.

 

Về phía chính quyền An Nam, năm 1888, chính quyền bảo hộ đặt tòa Công sứ tại Vũng Lấm nên tỉnh đường phải dời ra làng Tân Thạnh (Xuân Thọ 2, Sông Cầu) theo yêu cầu của người Pháp. Năm 1889, tỉnh lỵ dời về lại thành An Thổ. Và đến năm 1899, tỉnh lỵ dời ra thôn Long Bình (Sông Cầu), nằm bên cạnh tòa Công sứ để cho người Pháp dễ bề cai trị.

 

Năm 1899, Phú Yên chia ra 2 phủ và 2 huyện. Từ đây hầu như bỏ hệ thống phủ cai quản huyện. Phủ hay huyện là đơn vị hành chính như nhau, dẫu vẫn giữ nguyên tắc “phủ thống hạt huyện”. Phủ hay huyện đều do Công sứ Pháp điều hành qua trung gian lý thuyết của Tuần vũ. Đó là phủ Tuy An coi 5 tổng: An Sơn, An Hải, An Vinh, An Đức, An Phú và 69 xã, thôn, phường. Huyện Đồng Xuân (do phủ Tuy An thống hạt) lãnh 3 tổng: Xuân Đài, Xuân Bình, Xuân Phong và 47 xã, thôn, phường, ấp. Phủ Tuy Hòa quản trị 6 tổng Hòa Đa, Hòa Bình, Hòa Mỹ, Hòa Lạc, Hòa Lộc với 109 xã thôn phường ấp. Huyện Sơn Hòa (do phủ Tuy Hòa thống hạt) lãnh coi 4 tổng Sơn Lạc, Sơn Xuân, Sơn Tường, Sơn Bình với 43 xã thôn phường ấp(*). Tỉnh lỵ đặt tại Sông Cầu.

 

Phú Yên xếp vào hạng tỉnh nhỏ, đứng đầu là quan Tuần vũ, kế đến quan Án sát, Đốc học, Lãnh binh. Theo nghị định ngày 27/3/1890, Toàn quyền Đông Dương sáp nhập tỉnh Phú Yên và Bình Định thành tỉnh Bình Phú do công sứ Quy Nhơn cai quản. Chính quyền An Nam thuyên chuyển quan Tuần vũ Phú Yên ra Quy Nhơn giúp việc quan Tổng đốc Bình Phú, bổ nhiệm quan Bố chính đứng đầu tỉnh. Năm 1926, chính quyền An Nam lại đặt quan Tuần vũ thay thế quan Bố chính đứng đầu tỉnh Phú Yên. Ở tỉnh đường có 2 ty: Ty phiên và Ty niết. Đứng đầu Ty phiên là quan Thông phán, bao gồm các tào lại, lễ, hộ, công, nhiệm vụ giúp việc cho quan Tuần vũ. Ty niết giúp việc cho quan Án sát, đầu ty là quan Kinh lịch. Mỗi ty có các Thừa phái và Hậu bổ giúp việc. Về võ quan có Đề đốc, Chánh phó Lãnh binh, Quản cơ, Suất đội, Hiệp quản, Đội trưởng… Chịu trách nhiệm quản lý giáo dục thi cử trong tỉnh có các quan: Đốc học coi sóc cả tỉnh, Giáo thụ phụ trách phủ và huấn đạo ở cấp huyện.

 

Như vậy, kể từ tháng 2/1889, Sông Cầu trở thành tỉnh lỵ Phú Yên, là trung tâm hành chính của tỉnh.

 

2. Diên cách (biến đổi địa danh hành chính) Phú Yên 1611-2009

 

2.1. Phú Yên giai đoạn 1611-1884

 

1611-1629: Phủ Phú Yên (gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa) trực thuộc Thừa tuyên Quảng Nam

1629-1698: Dinh Trấn Biên (Phú Yên)

1698 - 1808: Dinh Phú Yên

1826 - 1831: Phủ Phú Yên thuộc tỉnh Bình Định

1831 - 1832: Đổi tên là Phủ Tuy An

1832 - 1853: Tỉnh Phú Yên

1853 - 1876: Đổi tên là đạo Phú Yên, công văn giấy tờ hành chính phải đặt ba chữ Tỉnh Bình Định lên đầu.           

 

(Còn nữa)

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek