Chủ Nhật, 22/09/2024 10:39 SA
Khái quát bộ máy chính quyền phong kiến thực dân Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; diên cách Phú Yên 1945-2010
Thứ Bảy, 23/10/2010 10:00 SA

1. Tổ chức bộ máy Nhà nước Phú Yên trong lịch sử (trước năm 1945)

 

1.1 Phú Yên thời mở nước

 

“Tháng 8/1470 (Hồng Đức thứ nhất), vua Chiêm Thành là Trà Toàn thân đem quân thủy bộ voi ngựa hơn 10 vạn đánh úp Hóa Châu”, tướng thủ biên thùy ở Hóa Châu là Phạm Văn Hiến cấp báo về triều đình (1).

 

Ngày 6/11/1470, vua Lê Thánh Tôn xuống chiếu: “Trà Toàn là người hung bạo, xâm phạm biên giới”(2). Nhà vua đích thân thống lĩnh 26 vạn đại quân tổ chức phản công tự vệ, giữ yên bờ cõi, mở nước về phương nam. Ngày 27/2/1471 (Hồng Đức thứ 2), vua Lê Thánh Tông: “Thân đem đại quân đánh phá thành Thị Nại…; Ngày 28 vây thành Đồ Bàn, ngày 1/3/1471, hạ thành Đồ Bàn” (3) bắt giữ vua Chiêm Thành Trà Toàn.

 

vinh-xuan-dai101023.jpg

Một góc Vịnh Xuân Đài - Ảnh: Đ.LÊ

 

Vùng đất từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia nay là tỉnh Phú Yên có bề dày lịch sử rất lâu đời. Nơi đây, con người thời kỳ tiền sử - sơ sử sinh sống liên tục đã để lại nhiều dấu tích khảo cổ học từ thời đồ đá cũ, đồ đá mới đến thời kim khí và văn hóa Sa Huỳnh. Thời Chăm Pa, Vương quốc bao gồm các tiểu quốc (mandala) có ranh giới khá rõ ràng, tương thích với sự phân cách của địa hình núi non, sông nước. Tương ứng với vùng đất từ Cù Mông tới núi Đá Bia là tiểu quốc Lang-già-bạt-đa (chữ Phạn là Lingaparvata), sử cũ Trung Hoa ghi là Mun Duk (Môn Độc quốc). Tiểu quốc này có đủ 5 biểu trưng thần, quyền - vương quyền của mô hình Chămpa.

 

Thành Đồ Bàn bị vỡ, “tướng Chiêm Thành Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung (Phan Rang), giữ đất ấy, xưng là vua Chiêm Thành, sai sứ đến xin hàng và tiến cống (4). Vua Lê Thánh Tông phong Bô Trì Trì làm Chiêm Thành Vương và phong Vương cho hai tiểu quốc Hoa Anh và Nam Bàn (Thủy Xá, Hỏa Xá) để ràng buộc (5).

 

Năm 1471, với thắng lợi vang dội ở Trà Bàn, vua Lê Thánh Tông đã làm sụp đổ và chấm dứt vĩnh viễn ý đồ bành trướng, xâm chiếm và cướp phá lãnh thổ Đại Việt từ phía nam. Chiến thắng lịch sử này không những khôi phục được 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến miền Vifaya được vua Lê Thánh Tông cải đặt tên là phủ Hoài Nhơn. Từ đây, núi Đá Bia (Thạch Bi) trở thành cương giới phía bắc nước Chăm pa.

 

Tháng 6 năm Tân Mão 1471, vua Lê Thánh Tôn thành lập thừa tuyên Quảng Nam. Thừa tuyên là đơn vị hành chính cấp tỉnh (cả nước lúc ấy có 13 thừa tuyên). Thừa tuyên Quảng Nam gồm phần đất từ đèo Hải Vân đến đèo Cả, nơi có núi Đá Bia được vua Lê Thánh Tôn chọn là ranh giới tự nhiên phân định hai nước Việt - Chiêm.

 

Tuy nhiên, về mặt quản lý hành chính, vua Lê Thánh Tông chỉ đặt ba phủ: Thăng Hoa (nay là Quảng Nam), Tư Nghĩa (nay là Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (sau đổi tên là Quy Nhơn, nay là Bình Định). Còn vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả (Phú Yên ngày nay) vẫn là vùng đất ky my (ràng buộc lỏng lẻo), tự do phát triển, triều đình không cử quan lại quản lý hành chính, lãnh thổ địa bàn Phú Yên tuy đã thuộc cương vực Đại Việt nhưng suốt 107 năm (1471-1578) vùng đất này vẫn giữ một vai trò độc đáo là đất ky my của Đại Việt, làm vùng đệm giữa Đại Việt với Chăm Pa. Vùng đất này tự do phát triển, một bộ phận lưu dân người Việt đã tự động đến sinh cơ lập nghiệp.

 

Đào Duy Anh trong chú giải và khảo chứng sách Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng: tiểu quốc Hoa Anh nằm khoảng giữa đèo Cả và Bình Định, là miền mà vua Lê Thánh Tông chiếm lấy, tức là đất Phú Yên”.

 

Giáo sư dân tộc học Nguyễn Quốc Lộc trong công trình “Lịch sử Phú Yên thế kỷ XVII-XVIII đã có những luận cứ thuyết phục về tiểu quốc Hoa Anh xưa - Phú Yên nay.

 

Năm 1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào Nam giữ chức Tổng đốc Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam). Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh làm trấn biên quan tiến quân vào tới sông Đà Diễn, đánh lấy Thành Hồ, đuổi quân Chiêm Thành ra lấn cướp, bình định cả vùng Hoa Anh. Ngay sau đó, Lương Văn Chánh chiêu mộ lưu dân (người nghèo không sản nghiệp) đưa đến đất Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn để khẩn hoang lập ấp, bắt đầu công cuộc di dân vào phía Nam đèo Cù Mông.

 

Ngày 6/2/1597 (Quang Hưng 20), Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng lệnh cho Lương Văn Chánh (bằng công văn, hiện còn lưu trữ nguyên vẹn ở đền thờ Lương Văn Chánh, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) tiếp tục thực hiện cuộc đại di dân, đưa hàng ngàn người vào các vùng Cù Mông, Bà Đài, Đà Diễn, Đà Nông để “khai canh hoang nhàn điền thổ, kết tập gia cư địa phận”. Quận công Lương Văn Chánh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành danh nhân lịch sử hàng đầu thời mở đất Phú Yên.

 

Công cuộc khai hoang lập ấp từ đèo Cù Mông đến đèo Cả kéo dài 33 năm (1578-1611), một số xóm ấp vùng trấn biên hình thành. Cư dân chăm lo sản xuất nông nghiệp, khai thác lâm sản, đánh bắt hải sản… có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới, không còn là lưu dân nữa.

 

Điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng trấn biên đã chín muồi để có thể thành lập phủ, huyện và đặt quan cai trị theo tổ chức chính quy của triều đình. Phủ Phú Yên ra đời là kết cục hiển nhiên sau hơn 33 năm mở đất lập làng thời Lương Văn Chánh.

 

(Còn nữa)

-----------------------------

1,2,3.  Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư (bốn tập). Cao Huy Giao phiên dịch. Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng. NXB KHXH Hà Nội 1971 - 1972 (In lần thứ hai) tập III, trang 228,229,236

4, 5.  Đại Việt sử ký toàn thư (sách đã dẫn) trang 237, 239

 

Thạc sĩ PHAN THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek