Chủ Nhật, 22/09/2024 10:42 SA
Phú Yên thời các chúa Nguyễn (1611 - 1772) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Năm, 21/10/2010 10:30 SA

IV. QUAN HỆ CỦA PHÚ YÊN VỚI NAM BÀN TRONG THẾ KỶ XVII-XVIII:

 

Từ đầu thế kỷ XVII, phủ Phú Yên đảm lãnh vai trò quan trọng của công cuộc mở mang về phía tây. Bằng cách hoạt động kinh tế lâm nghiệp mạnh mẽ và giao thương qua các giao dịch trường, cư dân Phú Yên đã sớm tạo lập được quan hệ với các dân tộc ở phía tây.

 

Phủ Phú Yên cũng được ủy thác của Chúa Nguyễn xúc tiến các quan hệ giao dịch hữu hảo với Thủy Xá và Hỏa Xá nước  Nam Bàn.

 

Sách Đại Nam thực lục chép: “ Buổi quốc sơ, vì cớ họ (tức Thủy Xá và Hỏa Xá) giáp giới với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt, và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa vật phẩm địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến”.(1)

 

Người mang quà của Chúa Nguyễn lên tận nơi trao tặng và nhận lễ vật đáp của Thủy Xá, Hỏa Xá nước Nam Bàn mang về dâng lên chúa là hai cai đội ở Phú Yên được cử làm Chánh và Phó sứ.

 

Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục về Nam Bàn như sau: “Nước Nam Bàn xưa do Lê Thánh Tông phong ở phía tây đầu nguồn phủ Phú Yên… Từ nguồn An Lạc đi lên các thôn Hà Nghiêu, Đất Cày, qua đèo La Hai, giáp đất phủ Phú Yên, đến các xứ Sông Lôi, Nước Nóng, Thượng Nhà, đến nguồn Hà Lôi là chỗ các sách người Đê, người Man ở (tục gọi Đê là người Chàm, Man là người Mọi) cộng 3 ngày. Lại từ đây cho người Man tiền bảo họ dẫn đường theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá nước Nam Bàn. Nước ấy có chừng hơn 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương. Thủy vương ở phía đông núi, Hỏa vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng. (2)

 

Việc lên ngôi vua của “Thủy Vương và “Hỏa Vương” được Phủ biên tạp lục cho biết: “Hai vua lúc sống thì thỉnh thoảng có sơn tinh, gọi là tinh Dương, sáng như bó đuốc, cũng có lúc to như tấm lụa. Khi vua chết rồi thì tinh ấy vào nhà khác, người Man trông thấy đều nói rằng ấy là trời đã định ngôi vua cho người ấy, do đó tôn người ấy làm vua”. (3)

 

Về sinh hoạt kinh tế và phong tục của cư dân Nam Bàn, sách Phủ biên tạp lục mô tả: Họ “gác cây làm nhà” (tức làm nhà sàn để ở), “cày bằng dao, trồng bằng lửa, tháng giêng gieo, tháng năm lúa chín, không gặt mà chỉ tuốt” (tức sống bằng kinh tế nương rẫy với kỹ thuật phát cốt đốt trỉa, dùng tay tuốt lúa chứ không cắt bằng liềm). Họ “không biết ngày tháng. Tuốt lúa xong thì thu thuế. Vua cưỡi voi, đi theo độ hơn mươi người, đến một thôn nào thì đánh ba hồi chiêng, người trong thôn đều ra, làm nhà tranh cho vua ở, bởi vì tục có câu nói vua vào nhà nào thì nhà ấy có sự không hay, cho nên vua không dám vào nhà ai. Số người nhiều ít, tùy ý tự nộp, một cái nồi đồng, một tấm vải trắng, một cây mía, một buồng chuối, lấy cũng không biên chép gì, lấy xong lại đi chỗ khác. (4)

 

Đại Nam thực lục chép: Năm Tân Mão (1711), “Đôn Vương” và “Nga Vương” của người Trà Lai (giáp với Phú Yên) sai sứ đến dâng sản vật địa phương và trình bày rằng dân họ không chịu đóng thuế, nên không lấy gì để cống, xin phát quân ra oai. Chúa Nguyễn Phước Chu cho rằng ký thuộc là Kiêm Đức (không rõ họ) đã từng đi chiêu dụ hai rợ Man, quen hiểu thói Man, nên cho đem thư đến hiểu dụ những tù trưởng, cho họ áo sa áo đoạn và đồ đồng đồ sứ, lại lấy nghĩa kẻ trên người dưới khuyên bảo dân Man, định ra thuế lệ, khiến phải nộp cho Man trưởng người Man không ai không theo mệnh” (5)

 

“Trà Lai” mà sách chép tức Giơ Rai, một dân tộc cư trú lâu đời và có số lượng người đông nhất ở Tây Nguyên. Hiện nay, dân tộc Giơ Rai có 317.557 người, xếp thứ 10 trong 54 dân tộc của Việt Nam (Tổng điều tra dân số 1999). Dân tộc Giơ Rai bao gồm nhiều nhóm địa phương: Aráp, Habau, Hđrung, Chor, Plâycu, Tơbuân… Tiếng nói dân tộc Giơ Rai thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesia (Mã Lai – Đa đảo), gần gũi với tiếng nói của người Chăm và người Êđê cùng ngữ hệ. Xã hội truyền thống của người Giơ Rai cũng tương đồng với xã hội các dân tộc cùng ngữ hệ Mã Lai – Đa đảo là theo chế độ mẫu hệ với các biểu hiện: con gái bắt chồng, hôn nhân cư trú phía vợ, con mang họ mẹ, tính huyết hệ theo dòng nữ.

 

Hai vị “vua” mà có sách chép là “Thủy Vương” và “Hỏa Vương”, “Thủy Xá” và “Hỏa Xá”, “Vua Nước” và “Vua Lửa” hoặc “Đôn Vương” và “Nga Vương” thì người Giơ Rai gọi là Pơtao Ea và Pơtao Apui. “Ea” là nước, “Apui” là lửa, còn “Pơtao” là người tù trưởng đứng đầu một vùng đất (tơring) bao gồm nhiều làng (plây) của người Giơ Rai. Trước thế kỷ XVII, người Giơ Rai đã có nhiều tơring có lãnh thổ rộng lớn. Khi thực dân Pháp đến xâm lược Tây Nguyên họ đã dựa vào những cộng đồng này để lập ra các đơn vị hành chánh. Những đơn vị ấy gồm một phạm vi lãnh thổ tương đương một hoặc vài huyện bây giờ. Chẳng hạn, tơring Lăn Chuh Cho Reo (thường gọi Cheo Reo) nay là huyện Ayun Pa, tơring Lăn Sa Gâm nay thuộc huyện Krông Pa, tơring Lăn Hdrung là vùng đất nay thuộc thành phố Plây Cu, huyện Chư Prong và Mang Giang.

 

Vùng đất rộng lớn do Pơtao Ea và Pơtao Apui cai quản mà Lê Quý Đôn cho biết là từ Phú Yên “theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xá, Hỏa Xá nước Nam Bàn” nay thuộc các huyện Krong Pa, Ayun Pa và Chư Sê của tỉnh Gia Lai.

 

Hiện nay, ngôi làng có tên là Plei Pơtao cách thị xã Chư Sê hơn 20 cây số, thuộc xã Nhơn Hòa, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vẫn được gọi là “Làng Vua Nước”. Ở đây còn đông đảo hậu duệ Vua Nước – Pơtao Ea, dòng họ Rơchom.

 

Còn “Làng Vua Lửa” là Plei Ơi (Ơi có nghĩa là ông) thuộc xã Chư Athai, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai, đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử ngày 24 tháng 3 năm 1993. Tại đây có nhà mồ Pơtao Apui đời 13 là Siu Nhót (mất năm 1986) và nhà mồ Pơtao Apui đời 14 là Siu Luynh (chết năm 2002).

 

(Còn nữa)

-----------------------------------

(1) Đại Nam thực lục, Sđd, tr 157.

(2) Phú biên tạp lục, Sđd, tr 126.

(3) Phủ biên tạp lục, Sđdm, tr 127.

(4) Phủ biên tạp lục, Sđdm, tr 126.

(5) Đại Nam thực lục, Sđd, tr 126.

 

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek