Chủ Nhật, 22/09/2024 10:26 SA
Phú Yên thời các chúa Nguyễn (1611 - 1772) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Tư, 20/10/2010 07:32 SA

Thuộc Kim Hộ, chính hộ nạp vàng mười 3 đồng cân 7 phân thay tiền sai dư và 5 phân thay tiền tiết liệu. Khách hộ nạp 2 đồng cân 7 phân vàng thay tiền sai dư và 3 phân vàng thay tiền tiết liệu (1).

 

mh101020.jpg

Núi Chóp Chài  - Ảnh: ĐẠT LÊ

 

Sách Đại Nam thực lục, chép: “Buổi quốc sơ, vì Phú Yên là đất mới khai thác, dẫu đã đặt quan lại cai trị, nhưng thuế má vẫn còn rộng rãi đơn giản (tiền thuế sai dư của chính hộ và khách hộ thuộc hai huyện thì cũng như các phủ, còn các tiền cước mễ, thường tân, tiết liệu thì ít hơn hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn). Đến khi các phủ Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận, Gia Định dần dần mở mang thì lệ thuế cũng như phủ Phú Yên. Đến đây các thuế sai dư và thường tân của Phú Yên còn khiếm nhiều”(2). Năm 1758 sai Nguyễn Khoa Trực làm Tuần phủ Phú Yên đốc thu các thứ thuế sai dư và thường tân.

 

Sách Phủ biên tạp lục chép rõ tình hình thu tiền sai dư và tiết liệu ở Phú Yên vào năm 1769 như sau: “Hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa thuộc phủ Phú Yên số người 4.321 người, trừ chức sắc và các hạng cùng, đào, còn nạp thuế 3.331 người, thu tiền 10.045 quan 2 tiền 32 đồng, gạo 1.184 bao 20 thưng 8 cáp, hồng hoa 821 bao (mỗi bao nặng 4 cân, mỗi cân giá tiền 4 quan), dầu rái 2.557 lường (mỗi lường 4 tiền), rượu 20 chĩnh. Các trại Cù Mông, Cảnh Dương, Cảnh Hóa, Tân Lập, Tân Dân, thợ rèn, thợ bạc, thợ mộc, cộng 1.139 người, trừ chức sắc và hạng cùng còn nạp thuế 950 người, thu vàng 4 đồng cân và tiền thuế gạo cộng 1.078 quan 5 tiền 18 đồng. Hai thôn Thanh Tân, Thanh Tuyền số người 73 người, trừ các hạng cùng, đào còn nạp thuế 58 người, thu vỏ gai 2.035 cân 12 lạng... Các xã Thạch Thành, Thạch An, Thạch Bình số người 28 người, trừ các hạng cùng, đào còn 22 người, thu vỏ gai 710 cân 6 lạng... Đội thợ chiếu Cù Du 27 người, thu các hạng chiếu 54 đôi”.(3)

 

“Các thuộc Kim Hộ, Sông Ba, Cảnh Dương, Phú Lộc, Tân Dân phủ Phú Yên, số người, số vàng, tiền gạo như sau: Chính hộ, khách hộ 1.154 người, trừ các chức, lính các thuyền, các hạng nhiêu học, tiểu sai, cùng, đào còn thực nạp 960 người. Sai dư là 10 hốt 1 lạng 5 đồng cân 7 phân vàng, hai lễ phu hầu là 2 lạng 3 phân 5 ly vàng, tiết liệu là 1 hốt 5 lạng 9 đồng cân 5 phân vàng”.(4)

 

“Số người, số tiền hộ đãi vàng hai trường thượng hạ huyện Đồng Xuân phủ Phú Yên là: Khách hộ 59 người, trừ suất lính các thuyền còn thực nạp 51 người, sai dư nạp thuế vàng 7 phân, phu năng hàng năm 9 ly vàng, vàng nấu dư hao 3 hào, cộng là 7 phân 9 ly 3 hào vàng”.(5)

 

5. Binh bị ở dinh Trấn Biên:

 

Do nhu cầu sống còn của Đàng Trong, vừa phải lo đối phó với họ Trịnh ở mặt bắc, vừa phải lo mở mang bờ cõi ở phía nam nên các chúa Nguyễn rất chú trọng công cuộc binh bị.

 

Lực lượng quân đội được xây dựng hùng mạnh, gồm các loại:

 

- Túc vệ quân (hay Thân quân) gồm 2 vệ Tả tiệp và Hữu tiệp ở dinh Phú Xuân. Mỗi vệ có 50 người, chọn trong con cháu các võ quan người huyện Tống Sơn xung vào để bảo vệ cung điện của Chúa Nguyễn, làm việc hộ vệ, đi theo. Đến đời Chúa Nguyễn Phước Khoát thì đổi Túc vệ quân thành Vũ lâm quân.(6)

 

- Chính binh (hay Tinh binh) là lực lượng chủ lực, gồm có nội binh (quân đóng ở Chính Dinh) và ngoại binh (quân đóng ở các dinh khác). Quân chính quy thường trực (Tinh binh) được phiên chế theo thứ tự: dinh, cơ, đội và thuyền. Đứng đầu dinh là Chưởng cơ và Cai cơ. Điều khiển đội có Cai đội và Đội trưởng. Đội và Thuyền là phiên chế thấp nhất trong quân đội thường trực. Đội là đơn vị bộ binh, Thuyền là đơn vị thủy binh, cùng có khoảng 50 người.

 

- Thổ binh (hay Tạm binh, Thuộc binh) là dân địa phương được lấy làm lính để phòng giữ ở địa phương. Họ không cấp lương chính binh mà chỉ được miễn sưu thuế. Số binh này rất đông. Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho biết: “quân do quan trấn phát lương có định số, chính binh rất ít, còn quan trấn lấy thổ binh canh giữ các nơi rất nhiều”.(7)

 

Quân đội của Đàng Trong thời các chúa Nguyễn có: bộ binh, thủy binh, pháo binh và tượng binh.

Lực lượng thủy quân của Chúa Nguyễn hồi thế kỷ XVII rất mạnh, đã ngăn chặn được các cuộc tấn công của quân Trịnh và đánh tan hạm đội gồm 3 chiếc tàu đồng của Hòa Lan do đô đốc Pieter Baeck chỉ huy sang giúp Chúa Trịnh năm 1644. Thủy quân của Chúa Nguyễn có hàng ngàn chiến thuyền. Những thuyền chiến lớn có tới 30 mái chèo, trang bị 30 khẩu đại bác ở mũi thuyền và hai khẩu ở hai bên.

 

Chúa Nguyễn cũng sớm có một lực lượng trọng pháo hùng hậu. Vào đời Chúa Nguyễn Phước Nguyên, một người Bồ Đào Nha lai Ấn tên Joao da Cruf đến Phú Xuân giúp Chúa Nguyễn mở lò đúc súng tại Kim Long (sau gọi là Phường Đúc) ở Huế. Theo P.Poivre, lực lượng pháo binh của họ Nguyễn được 200 khẩu súng thần công bằng đồng, các lũy phòng thủ và tàu chiến của Chúa Nguyễn được trang bị súng thần công.

 

Do yêu cầu phòng thủ và mở mang về phía nam nên Chúa Nguyễn đã bố trí ở dinh Trấn Biên một lực lượng quân đội lớn.

 

Sách Phủ biên tạp lục có ghi rõ quân số của dinh Trấn Biên ở Phước Long là: “tinh binh 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người, cộng 1.000 người, ghe bầu hải sư 18 chiếc, thuyền Mã hậu lệ không có ghe bầu. Các thuyền thuộc binh được miễn tiền gạo, cộng 20 thuyền, mỗi thuyền 50 người, cộng 1.000 người, chiến thuyền 20 chiếc. Tạm binh được miễn sưu chừng 100 thuyền, mỗi thuyền 40 người, cộng 4.000 người, chiến thuyền chừng 100 chiếc”.(8)

 

Quân của dinh Trấn Biên ở Phú Yên trước đó có độ năm ngàn tinh binh và hằng trăm thuyền chiến ở cửa Tiên Châu. Có như vậy, Phó tướng dinh Trấn Biên là Tôn Thất Yên mới đưa được 3.000 quân từ Phú Yên “cất quân ngày mồng 9 đến ngày 29 đến thành Cao Miên đánh bắt sống Nặc Ông Chân”(9) hồi năm 1658. Sau đó, Phó tướng dinh Trấn Biên Mai Vạn Long cũng đã kéo mấy ngàn quân từ Phú Yên vào cửa biển Mỹ Tho dẹp loạn năm 1688. Khi Nguyễn Hữu Hào được cử làm Thống binh còn phải “tuyển thêm người mạnh khỏe ở Phú Yên để bổ sung quân”(10) trước khi hành quân vào Nam.

 

Sau khi không còn làm nhiệm vụ Trấn Biên nữa, phủ Phú Yên chỉ còn số binh thủ ngự giống như các phủ khác: phủ Quảng Ngãi có 8 thuyền, phủ Quy Nhơn có 5 thuyền và phủ Phú Yên có 5 thuyền. Lực lượng thủ ngự ở Phú Yên là “đội Tiền ngự, thuộc về đấy là các thuyền An Bình, Đội Nhất, Đội Nhì, Đội Tam, Đội Tứ, 5 thuyền”(11). Ngoài ra, binh giữ các nơi thì “phủ Phú Yên, kho Xuân Đài có thuyền An Nhị 20 người, kho An Toàn có thuyền An Nhất 40 người”(12).

 

Trên đây là tình hình binh chế Đàng Trong nói chung và tổ chức binh chế ở dinh Trấn Biên - Phú Yên qua từng giai đoạn nói riêng. Từ khi thành lập đến lúc giải thể, về phương diện quân đội, dinh Trấn Biên ở Phú Yên là một đạo quân mạnh sẵn sàng ứng chiến, đã đáp ứng yêu cầu mở mang về phía nam thời Chúa Nguyễn.     

 

(Còn nữa)

 

1) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.186-188.

(2) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.167.

(3) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.194.

(4) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.247.

(5) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.248.

(6) Đại Nam thực lục, Sđd, tr.153.

(7) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.212.

(7) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.212.

(9) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.51.

(10) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.57.

(11) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.208.

(12) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.211.

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek