Chủ Nhật, 22/09/2024 10:21 SA
Phú Yên thời các chúa Nguyễn (1611 - 1772) (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ Ba, 19/10/2010 07:30 SA

4. Phép duyệt tuyển dân:

 

Năm Nhâm Thân (1632), Chúa Nguyễn Phước Nguyên bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển, coi là một điển lệ quan trọng của quốc gia.

 

Duyệt tuyển là duyệt dân, chia ra từng hạng để tuyển binh và đánh thuế. Cứ 6 năm một lần duyệt tuyển lớn, gọi là đại điển, 3 năm một lần duyệt tuyển nhỏ, gọi là tiểu điển.

 

Đến năm duyệt tuyển thì vào tháng giêng các xã làm hộ tịch, để riêng dân chánh hộ (dân chánh quán) và dân khách hộ (dân ngụ cư). Dân chia ra làm 8 hạng:

 

- Tráng: là hạng khỏe mạnh để sung vào quân đội

 

- Quân: là hạng được ở nhà làm ruộng đến khi quân ngũ có thiếu thì theo thứ tự trong sổ lấy mà bổ sung.

 

- Dân: là người từ 18 tuổi trở lên không được chọn làm binh lính.

 

- Lão: người già

 

- Tật: là người tàn tật

 

- Cố: là người làm thuê

 

- Cùng: là người nghèo túng.

 

- Đào: là người bỏ trốn.

 

Vào tháng sáu thì duyệt tuyển. Phủ Phú Yên lập một trường duyệt tuyển, có quan văn võ do trung ương phái đến phụ trách việc duyệt tuyển. Duyệt tuyển ở tuyển trường một tháng thì xong.

Ở duyệt tuyển trường, xã dân phải nạp tiền giữ cửa trường và lễ trình diện. Các món tiền ấy chia cho các quan viên phái đến phụ trách duyệt tuyển.

 

Vào đời Chúa Nguyễn Phước Chu, năm Đinh Hợi (1707) có định thêm thể thức duyệt tuyển gồm 22 điều. Theo đó, việc phân hạng dân có quy định thêm: “Người nào từ 56 đến 59 tuổi thì tùy dân, xem hình thể già yếu thì cho làm lão hạng. Dân mới vào sổ người nào nhỏ bé cao độ 3 thước (một thước = 0m424) trở xuống thì cho làm hạng nhiêu tật, hơi nặng thì cho làm bất cụ (người không được hoàn toàn về thân thể). Như hạng nhiêu tật cũ, người nào khỏi tật thì trở lại làm bất cụ hay quân hạng, dân hạng”. Về thể thức duyệt tuyển có định lệ: “tiền giữ cửa xã lớn 100 người trở lên nạp 3 tiền, xã trung 70 người trở xuống nạp 1 tiền 30 đồng, xã nhỏ 30 người trở xuống nạp 1 tiền. Lễ trình diện của các xã, thôn, phường cứ 100 người thì nạp 5 tiền, người nào 60 tuổi trở lên thì chép làm lão nhiêu thu 1 tiền nạp ở tuyển trường. Các nhà sư xét đúng bản thân có quan điệp (độ điệp, tức giấy của quan cấp cho chứng nhận là tăng) và có trai giới tu hành thì cho miễn thuế và các sưu, sai” (1).

 

Các Chúa Nguyễn áp dụng chế độ cưỡng bức để tuyển quân. Đến tháng tám có quyết định số lính phải tuyển theo danh sách duyệt tuyển trường báo lên. Cấp trên sẽ cho các xã họ tên, quê quán những người được tuyển từ địa phương đó. Cách thức tuyển lính được gọi là “hàng xã”. Người lính nào trốn thì xã của họ phải truy nã ngay. Sai nhân về xã truy nã lính trốn thì xã và họ hàng người lính đó phải nạp tiền phí tổn, gọi là “tiền hành lý”.

 

Phép duyệt tuyển cũng phân định mức thuế của các hạng dân.

 

Tiền sai dư (Thuế thân):

 

Thời các Chúa Nguyễn, thứ thuế chính mà người dân phải đóng nạp gọi là tiền sai dư. Tùy theo các hạng dân được phân định mà mức thuế phải nạp không giống nhau. Lại phân ra chính hộ và khách hộ, mức thuế của dân chính hộ cao hơn dân khách hộ.

 

Mức thuế sai dư ở phủ Phú Yên theo quy định vào năm 1632 như sau: “Về chính hộ thì tráng hạng 2 quan, quân hạng 1 quan 7 tiền, dân hạng 8 tiền, lão hạng 9 tiền, cố hạng lại chia làm 3 hạng: hạng nhất 1 quan 5 tiền, hạng nhì 1 quan, hạng ba 7 tiền, tật hạng 6 tiền, cùng hạng 3 tiền, đào hạng 2 tiền. Về khách hộ thì tráng hạng 1 quan 2 tiền, quân hạng 1 quan, dân hạng, lão hạng đều 6 tiền, tật hạng 4 tiền, các hạng cùng, đào được miễn” (2).

 

Ngoài tiền sai dư, người dân còn phải nạp tiền thường tân (cơm mới), tiền tiết liệu (lễ tết), tiền thay cước mễ (gạo nước). Mức thuế “tùy hạng mà thu, nhiều ít không giống nhau, duy hai hạng cùng, đào ở trong chính hộ và các hạng trong khách hộ thì đều được miễn. Tóm lại, thuế chính hộ thì nặng, thuế khách hộ thì nhẹ”(3)

 

Sách Phủ biên tạp lục chép rõ: “Lệ thuế sai dư ở hai huyện thuộc phủ Phú Yên: các hạng chính hộ, khách hộ đều theo như các phủ”. “Lệ thuế tiết liệu của hai huyện: chính hộ, hạng quan viên tráng, hạng quân, hạng cố, mỗi người gạo 7 thưng, các hạng lão, bất cụ mỗi người gạo 6 thưng. Khách hộ, hạng quân, hạng tráng, hạng mới về, hạng mới tục, mỗi người gạo 7 thưng, các hạng lão, bất cụ và dân đinh mới đến tuổi, gạo 5 thưng. Lính giữ kho An Toàn được miễn tiền tiết liệu” (4).

 

Những xã có dân chuyên nghề thủ công, khai thác lâm hải sản thì cho đóng nạp bằng sản vật thay tiền sai dư và tiền tiết liệu. Lệ nạp như sau:

 

Hai thuộc Chư Sơn Nội và Chư Sơn Ngoại nạp thay tiền sai dư bằng kỳ nam hương, hạng chính hộ 10 người 1 cân (bằng 10 quan). Tiết liệu thuộc Nội nạp thay cho gạo mỗi thưng 30 đồng, tiết liệu thuộc Ngoại nạp mỗi người 3 tiền.

 

Các xã thuộc Nội phủ, chính hộ, khách hộ mỗi người nạp thay bằng 10 cân vỏ gai.

 

Xã An Toàn và ba giáp xã Phước Toàn nạp thay tiền sai dư và tiết liệu bằng hồng hoa (một bao nặng 1 cân).

 

Hai xã Thuận An, Mỹ An nạp thay bằng dầu rái, chính hộ mỗi người 8 lường (một lường dầu rái giá 5 tiền), trong đó tiền sai dư 2 quan. Khách hộ mỗi người nạp 7 lường.

 

(Còn nữa)

 

-----------------------------------

1. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.121

2. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.49

3. Đại Nam thực lục, Sđd, tr.63

4. Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.183

 

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek