Chủ Nhật, 22/09/2024 11:36 SA
Phú Yên thời mở đất (1578 -1611)
Thứ Hai, 11/10/2010 11:00 SA

Đây là thời kỳ Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng thành công trong sự nghiệp khai thác đất đai và mở rộng vùng Thuận Quảng.

 

BAN-DO101011.jpg

Bản đồ Hồng Đức, 1490.

 

Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông triều Lê Trung Hưng cử vào trấn thủ Thuận Hóa năm Mậu Ngọ (1558). Đến năm Canh Ngọ (1570) ông lại được vua giao cho làm trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.

 

Hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam là vùng đất đã được sát nhập vào Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông chia bản đồ cả nước làm 13 thừa tuyên (xem Bản đồ Hồng Đức). Trong đó, Thừa tuyên Thuận Hóa có 2 phủ: Triệu Phong và Tiên Bình. Riêng thừa tuyên Quảng Nam mới thành lập năm 1471 coi 3 phủ: Thăng Hóa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (1).

 

Miền Thuận Quảng có lịch sử khai thác lâu đời, nhưng đến trước khi Nguyễn Hoàng vào trị nhậm, vẫn bị coi là vùng biên viễn xa xôi, xứ sở đày ải của những phạm nhân bị ghép tội đày lưu cận châu hoặc lưu viễn châu và những tù binh bắt được trong các cuộc chiến tranh. Tuy kinh tế còn rất lạc hậu và thấp kém nhưng vùng đất này có nhiều khả năng khai thác và phát triển. Đó là điều kiện tốt cho họ Nguyễn xây dựng cơ sở cát cứ lâu dài.

 

Nguyễn Hoàng đã để hết tâm lực vào việc kiến thiết và trị an hai xứ Thuận Quảng. Ông biết “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là Chúa Tiên” (2).

 

Lê Quí Đôn viết: “Đoạn quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng trong cõi đều an cư lạc nghiệp” (3).

 

Đoan quận công hết lòng lo giữ yên vùng trị nhậm. Ông đã cho đặt nhiều đồn phòng thủ ở các cửa biển để canh giữ và đối phó với những cuộc tập kích tấn công của quân Mạc.

 

Ở phía Nam, khi quân Chiêm Thành dưới triều vua Po At (1553-1578) vượt qua ranh giới ở núi Đá Bia xâm lấn ra phía Bắc, Chúa Nguyễn Hoàng đã cử Thiên Võ Vệ Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh đem quân bình định.

 

Công cuộc di dân vào khai hoang lập làng trên đất Phú Yên do Lương Văn Chánh tổ chức thực hiện trong hơn 30 năm, bắt đầu sau khi đánh lấy được Thành Hồ.

 

Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp, Lương Văn Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Thành Hồ” (4).

 

Sau khi đẩy quân Chiêm về cương giới cũ ở phía Nam núi Đá Bia, Lương Văn Chánh đã “Chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài, cho dân di cư đến đây. Lại mộ dân khai hoang ở trên dưới triền sông Đà Diễn (Đà Rằng) chia lập thôn ấp, ngày dần đông đúc (5).

 

Vì có quân công, Lương Văn Chánh được phong chức Phụ Quốc Thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu và được thăng làm An Biên trấn quan huyện Tuy Viễn, coi giữ đất đó.

 

Năm Đinh Dậu 1597, Nguyễn Hoàng đã giao trọng trách đẩy mạnh công cuộc di dân khẩn hoang lập làng trên vùng đất Phú Yên cho Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Nội dung công văn như sau:

 

Phiên âm:

 

Thị Phò Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền uy Tuy Viễn huyện, An Biên trấn quan. Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ, nhưng suất thử tân đáo khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu đẳng xứ, thượng tự nguyên đầu, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ, thành thục nộp thuế như lệ. Nhược sanh sự nhiễu dân khám đắc xử tội.

 

Tư thị.

 

Quang Hưng, nhị thập niên,

nhị nguyệt sơ, lục nhật.

Tổng trấn tướng quân

chi ấn”.

 

Dịch Nghĩa:

 

“Bảo cho Phò Nghĩa hầu Lương Văn Chánh tòng quân lâu ngày có công, quyền uy huyện Tuy Viễn, An Biên trấn quan, sức nhơn số xã Bà Thê đến hạn và khách hộ các thôn phường tùng hành ứng vụ, nhưng sức các hộ dân mới đến tựu các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu từ trên đầu nguồn cho đến dưới cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn đất hoang thành thục nộp thuế theo lệ. Nếu sanh sự nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội.

 

Nay báo cho,

Năm Quang Hưng thứ 20,

Tháng hai, ngày mồng sáu,

Ấn

Tổng trấn tướng quân”

 

(Còn nữa)

-----------------

(1) Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học, Hà Nội 1964.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập Một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006 (từ sau sách chỉ ghi Đại Nam thực lục), tr.28.

(3) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.41-42.

(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế 1993 (từ sau sách chỉ ghi Đại Nam liệt truyện), tr.89.

(5) Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr.89.

 

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek